Chuyện tình 'cô dâu Điện Biên' - vợ vị tướng lẫy lừng cưới trong hầm Đờ Cát

70 năm trôi qua nhưng câu chuyện về đám cưới lịch sử của ông bà vẫn truyền cảm hứng đến giới trẻ về một thế hệ tài hoa, anh dũng của dân tộc.

“Cô dâu Điện Biên” là biệt danh thân thương mà nhiều người nhắc về GS. bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Ngọc Toản - nữ chiến sĩ quân y đã tổ chức đám cưới tại hầm Đờ Cát ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ ít ngày.

Bà là vợ của vị tướng lừng lẫy - Trung tướng Cao Văn Khánh, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Toản và ông Cao Văn Khánh. (Ảnh tư liệu)

Ở tuổi xưa nay hiếm, nhân chứng lịch sử Nguyễn Thị Ngọc Toản được thỏa nguyện mong ước thăm lại chiến trường xưa để lắng sâu những cảm xúc, sống với kỷ niệm và ký ức một thời hào hùng.

Bà nghẹn ngào, xúc động thắp hương tưởng niệm những đồng đội đã nằm lại nghĩa trang liệt sĩ đồi A1.

Chuyến thăm Điện Biên lần này càng ý nghĩa hơn khi bà đã thực hiện được nguyện vọng thăm lại hầm Đờ Cát, nơi diễn ra đám cưới của mình 70 năm trước - ngày 22/5/1954, tức là hai tuần sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi.

Đám cưới đặc biệt giữa ông Cao Văn Khánh, từng là Đại đoàn phó Đại đoàn 308 - Đại đoàn quân Tiên phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ đánh trận đồi Độc lập, đồi A1, bao vây sân bay Mường Thanh với cô dâu là y tá Đội điều trị 2 trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lễ cưới được tổ chức ngay trong hầm Đờ Cát còn chưa hết mùi thuốc súng. Từ đó, cái tên “Cô dâu Điện Biên” thân thương luôn gắn với cuộc đời GS, BS Nguyễn Thị Ngọc Toản.

Được biết, GS, BS Toản nguyên là nữ sinh Trường Đồng Khánh, con Quan Thượng thư triều Nguyễn với tên khai sinh Tôn Nữ Ngọc Toản. Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, bà tham gia Việt Minh, làm ở ban quân y.

Năm 1949, bà theo anh rể là GS Đặng Văn Ngữ ra công tác ở chiến khu Việt Bắc.

Sau ngày cưới, tại trung tâm cứ điểm Mường Thanh, gần hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát, cô dâu chú rể đứng trên tháp pháo xe tăng chụp ảnh, nhìn về bản làng, rừng núi với niềm tin cuộc sống hồi sinh sau chiến tranh. (Ảnh tư liệu)

Trung tướng Cao Văn Khánh từng học cử nhân luật ở Pháp nhưng sớm tham gia hoạt động cách mạng, gia nhập Vệ quốc quân và chỉ huy đội quân Nam tiến. Năm 1949, ông được điều động ra Việt Bắc giữ chức Đại đoàn phó Đại đoàn 308.

Trong một buổi nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Y khoa Việt Bắc, đã gặp nữ sinh Toản mà không biết rằng trước đó, các ông: Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308; Lê Quang Đạo, Cục trưởng Cục Tuyên huấn; GS Tôn Thất Tùng - thầy giáo của bà đã ngầm có ý “xe duyên” hai ông bà.

Đầu năm 1954, ông bà đều được điều động ra chiến trường. Ông Khánh trực tiếp chỉ huy Đại đoàn 308, Đại đoàn quân Tiên phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ đánh trận đồi Độc lập, đồi A1, bao vây sân bay Mường Thanh.

Còn bà Toản làm công tác cứu thương tại Đội điều trị 2 khu trọng thương ở Tuần Giáo. “Lúc chia tay lên Tây Bắc, chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi và anh Khánh nắm tay nhau thề hẹn ngày chiến thắng sẽ về chiến khu Việt Bắc báo cáo gia đình để làm lễ cưới”.

Trong thời điểm làm nhiệm vụ, tranh thủ lúc chiến trường ngừng tiếng súng, ông bà vẫn thi thoảng viết thư động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong một bức thư bà Toản gửi ông Khánh có đoạn: “Anh! Nhận được hai thư của anh liền, không trái lời anh được.

Biết anh trông mong, NT (viết tắt Ngọc Toản - P.V) cũng rất băn khoăn vì không muốn thư của NT sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến công tác của anh, nhất là những lúc anh cần phải làm việc nhiều như những ngày qua…

Thôi anh nhé, viết thì chả bao giờ hết chuyện nhưng ngại anh bận nhiều, đọc dài lại ảnh hưởng đến giờ công tác. NT dừng ở đây, NT mong anh đủ sức khỏe để làm nhiệm vụ.

NT gửi theo đây tất cả tình yêu anh tha thiết và NT chờ anh trong ngày về chiến thắng tưng bừng để cùng đi chơi với anh trên một quãng đường xa như anh và NT hằng mong muốn. NT tin anh biết để anh vui là NT được tất cả anh em thương binh quý mến, hứa với anh sẽ luôn luôn cố gắng nhiều hơn nữa để làm tròn nhiệm vụ mà chiến sĩ đã tin tưởng. Yêu anh lắm. Ngọc Toản. Điện Biên ngày mùng 1/5/1954”.

Đêm 7/5, ngay khi nghe tin thắng trận ở Điện Biên Phủ, bà cùng trạm phẫu trọng thương đã hành quân suốt đêm để vào hẳn khu trung tâm chiến trường làm công tác cứu chữa thương binh. Tại đây, quân ta đang giam giữ tù binh Pháp, trong đó có nữ tù binh duy nhất là y tá Genevìeve de Galard.

Nhờ biết tiếng Pháp, bà được giao thêm nhiệm vụ kèm cặp, giúp đỡ nữ tù binh đặc biệt này. Qua những ngày tiếp xúc, được bà Ngọc Toản giải thích chế độ khoan hồng của Việt Minh, nữ y tá Galard đã viết thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nữ tù binh sau đó được thả tự do, trở thành người nổi tiếng của nước Pháp.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Toản cùng các con thăm Di tích Hầm Đờ Cát, nơi tổ chức lễ cưới của ông bà gần 70 năm trước.

Trong khi nhiệm vụ cứu chữa thương binh của bà Toản sau ngày chiến thắng khá nặng nề, Đại đoàn phó Cao Văn Khánh cũng được Bộ Tư lệnh Mặt trận giao nhiệm vụ chỉ huy một bộ phận chốt lại Điện Biên để giải quyết những vấn đề đặt ra sau chiến thắng.

Ý định về chiến khu Việt Bắc tổ chức đám cưới không thành. Được nhiều đồng chí cán bộ cấp cao gợi ý, ông bà đã xin phép Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức lễ cưới tại hầm Đờ Cát vào ngày 22/5/1954.

“Gọi là lễ cưới nhưng tôi hầu như không chuẩn bị được gì. Chú rể mặc nguyên bộ quân phục màu cỏ úa, cô dâu vuốt lại tà áo và mái tóc cho gọn gàng”, bà Toản xúc động nhớ lại.

Vậy là chiến trường vừa dứt tiếng bom đạn, vẫn vương mùi thuốc súng và tàn tích chiến tranh, lễ cưới đầm ấm, giản dị đã diễn ra như một minh chứng cho sự khởi đầu mới.

Theo hồi ức của nữ y tá, căn hầm dưới lòng đất của tướng Đờ Cát được trang hoàng bằng các loại dù chiến lợi phẩm đủ màu sắc. Bàn ghế tận dụng tại chỗ đủ cho khoảng 40 khách mời. Phía trước căng tấm dù đỏ, đính dòng chữ cắt bằng giấy bản đồ rách mà địch bỏ lại: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”.

Phần tiệc là sâm panh và bánh kẹo - chiến lợi phẩm thu được khi Pháp thả dù xuống. Bên nhà gái là các cán bộ quân y, nhà trai là những cán bộ Đại đoàn 308 và cán bộ, chiến sĩ ở lại thu dọn chiến trường.

“Chúng tôi đi bên nhau dưới ánh đèn măng - sông ngập tràn nụ cười và những lời chúc phúc trong niềm vui thắng trận vẫn lâng lâng. Rồi chú rể hát bài “Bộ đội về làng”, cô dâu hát bài “Em bé Mường La” để mừng chiến thắng.

Mọi người cùng hô vang “Hoan hô đám cưới Điện Biên””, “Cô dâu Điện Biên” nhớ lại.

Sau lễ cưới một ngày, cô dâu chú rể đứng trên tháp pháo xe tăng chụp ảnh, nhìn về bản làng, rừng núi với niềm tin cuộc sống hồi sinh sau chiến tranh.

Bức ảnh này không chỉ là kỷ niệm riêng của ông bà mà đã trở thành vật chứng lịch sử, vừa được trao tặng cho Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên trong dịp bà Toản trở về thăm lại chiến trường xưa nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hình ảnh hai chiến sĩ Điện Biên làm lễ cưới khi chiến trường còn vương mùi bom đạn là một trong những biểu tượng cho khát vọng vươn đến hòa bình và ý chí vượt lên bạo tàn, đau khổ để dựng xây cuộc sống hạnh phúc của lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam.

Câu chuyện về tình yêu đẹp của họ sẽ mãi là điểm tựa để các thế hệ trẻ hiểu thêm về tình yêu, cuộc đời và sự cống hiến hy sinh của lớp lớp cha anh đã sống, chiến đấu, để đất nước có được những thành tựu hôm nay.

An Nhiên

Báo Lao động Xã hội

Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nguoi-co-cong/chuyen-tinh-co-dau-dien-bien-vo-vi-tuong-lay-lung-cuoi-trong-ham-do-cat-20240429170654657.htm