Chè ngon Thượng Nông

Sau hai lần huyện Na Hang tổ chức Hội thi Bàn tay vàng chế biến chè Shan tuyết, giải Nhất đều thuộc về đội xã Thượng Nông. Vua đầu bếp Đỗ Nguyễn Hoàng Long, Phó Chủ tịch Thường trực Chi hội Đầu bếp trẻ Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam nhâm nhi chén chè của đội đoạt giải vừa mới pha gật gù khen ngon. Vậy bí quyết nào khiến vùng chè ở đây tỏa hương?

Vùng chè lâu đời

Con đường nhựa ngoằn ngoèo xẻ núi cao đầy cảm xúc dẫn chúng tôi từ thị trấn Na Hang đến xã Thượng Nông. Đứng trên đỉnh đèo Pù Thôm Tan phóng tầm mắt xuống trung tâm xã thấy những quần thể nhà sàn lợp ngói hướng ra cánh đồng thung lũng thật đẹp.

Đồng chí Nguyễn Văn Cướng, Chủ tịch UBND xã Thượng Nông chỉ tay về sườn núi cho biết, hiện toàn xã có 119 ha chè shan tuyết mọc trên rừng, đồi nương, vườn gần nhà dân. Chè tập trung nhiều ở thôn Đống Đa 1, Đống Đa 2, Pác Củng, Thôm Luông, Bản Khoan. Cây chè ở đây trước kia mọc tự nhiên trong rừng nguyên sinh, nhiều cây ước tuổi đời cũng vài trăm năm.

Sau này nhiều thế hệ người Thượng Nông đã nhân giống, trồng cây chè shan tuyết thành rừng phòng hộ chắc chắn và trở thành thứ nước uống truyền thống không thể thiếu trong mỗi gia đình. Cây chè shan tuyết thường có thân to cao, búp chè mập, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng.

Người Sán Chỉ xã Thượng Nông thu hái chè Shan tuyết.

Người Sán Chỉ xã Thượng Nông thu hái chè Shan tuyết.

Qua khảo sát chúng tôi thấy cây chè shan tuyết rất hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của xã Thượng Nông, cùng với 1.300 ha chè vùng các xã Sinh Long, Khâu Tinh, Thượng Giáp, Hồng Thái, Sơn Phú. Thời tiết mát mẻ, nhiều độ ẩm, các xã đều nằm ở độ cao từ 800 - 1.200 m so với mực nước biển thuận lợi cho chè shan sinh trưởng, phát triển. Thượng Nông cũng là xã nằm trong đề án phát triển cây chè đặc sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và được cấp giấy chứng nhận đăng ký chung cho chỉ dẫn địa lý sản phẩm chè shan tuyết Na Hang.

Đến thôn Thôm Luông chủ yếu là đồng bào Dao, ông Hoàng Văn Sinh pha một ấm chè shan tuyết rồi nói, nếu khách đến nhà chơi người dân Thượng Nông có thói quen pha và mời chè. Thứ chè mà chúng tôi tự cung tự cấp chính là chè Shan tuyết. Hầu như nhà nào cũng có một số cây chè Shan tuyết để thu hái. Mọi công đoạn thu hoạch, sao ở đây đều dùng thủ công bằng sức người. Theo ông Sinh năng suất chè Shan tuyết thì không cao, nhưng chất lượng thì tuyệt hảo.

Từ xa xưa các công đoạn sản xuất chè Shan tuyết đều được lưu truyền lại cho thế hệ sau, nó cũng tương tự như nghề nấu rượu ngô men lá vậy. Ở Thượng Nông người Tày, Dao, Mông, Sán Chỉ đều “nghiện” chè Shan tuyết, đây là “thứ nghiện” không gây hại mà ai cũng có thể dùng và nên dùng.

Thương hiệu Chè Shan tuyết Bàn Tranh thôn Pác Củng.

Thương hiệu Chè Shan tuyết Bàn Tranh thôn Pác Củng.

Bí quyết gia truyền

Cả hai lần dẫn đoàn xã Thượng Nông tham dự Hội thi bàn tay vàng chế biến chè Shan tuyết huyện Na Hang và đều giành giải nhất, đồng chí Bàn Văn Tranh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pác Củng cùng đội phấn khởi lắm. Ông Tranh cho rằng để có một ấm chè ngon thì phải hội đủ nhiều yếu tố. Như giống chè, chè phải sinh trưởng nơi rãi nắng, nên thu hái chè vào ngày khô ráo, tránh ngày mưa.

Khi chè được hái phải đúng tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá, khi về tãi thoáng, tiến hành sao suốt trên chảo gang hoặc máy sao chè quay tay mi ni với than củi. Trước khi sao chảo gang, máy sao chè quay tay mi ni phải được làm sạch bằng nước, sấy khô khử mùi bằng những bó chè tươi. Nhiệt độ sao phải phù hợp với từng giai đoạn của chè. Khi chè khô công đoạn đánh mốc lên hương cũng rất quan trọng. Phải đảm bảo chè xoăn, cánh đẹp, màu sắc bắt mắt, hương vị thơm. Chè được bảo quản, đóng gói trong túi ni lông kín, hút chân không càng tốt.

Một yếu tố nữa để có ấm chè ngon là nguồn nước pha chè. Có thể lấy nước giếng khơi, nước mưa, nước lần có độ tinh khiết cao. Nước được đun sôi 100 độ C, trước khi pha thì nên tráng ấm, tráng chè. Đồng chí Nguyễn Văn Thìn, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Na Hang khẳng định, hai năm liên tiếp đội thi xã Thượng Nông giành giải nhất Hội thi Bàn tay vàng chế biến chè Shan tuyết của huyện cho thấy kỹ năng sao chè của bà con nơi đây khá điêu luyện.

Đội xã Thượng Nông giành giải nhất Hội thi Bàn tay vàng chế biến chè shan tuyết của huyện năm 2024.

Đội xã Thượng Nông giành giải nhất Hội thi Bàn tay vàng chế biến chè shan tuyết của huyện năm 2024.

Ban Giám khảo đánh giá cao cánh chè của xã Thượng Nông về hình thức đẹp, chè có hương thơm đặc trưng, khi pha nước có màu xanh sáng, vị chát dịu và rõ hậu ngọt khi uống. Thưởng thức chè Thượng Nông Ban Giám khảo, nhân dân, du khách đều cảm nhận đúng về chất lượng chè, kỹ năng sao chè truyền thống.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Cướng, Chủ tịch UBND xã Thượng Nông, hiện các thôn của xã vẫn sản xuất chè theo hộ gia đình và nhóm hộ là chính. Hiện giá chè shan tuyết tươi trên địa bàn đang được các lò sao chè thủ công thu mua với giá 25 nghìn đồng/kg, cao hơn 5 lần so với các loại chè bình thường.

Cứ 5 kg chè tươi sẽ cho ra thành phẩm 1 kg chè khô, giá chè khô được bán ra thị trường 250 nghìn đồng/kg. Có nghĩa nếu sao chè khô thì giá trị sẽ cao gấp đôi khi bán búp tươi. Tại thôn Pác Củng đã xây dựng phát triển được thương hiệu Chè shan tuyết Bàn Tranh, quy cách đóng gói đúng quy chuẩn. Sản phẩm này bán ra là quà cho du khách khá thuận tiện, hướng tới sản phẩm Ocop tiêu biểu, chủ lực của địa phương. Chính vì giá trị của cây chè Shan tuyết ngày càng cao, năm 2023 toàn xã đã mở rộng thêm được 10 ha và tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Đối với xã Thượng Nông cây chè Shan tuyết do thiên nhiên ban tặng, do sự gìn giữ, phát triển của nhiều thế hệ. Kỹ năng hái, sao, uống chè đã trở thành nét văn hóa của đồng bào Tày, Dao, Mông, Sán Chỉ nơi đây. Với thành quả bước đầu được đánh giá tại Hội thi Bàn tay vàng chế biến chè Shan tuyết của huyện, càng làm cho lãnh đạo, nhân dân trong xã tự tin tiếp tục phát triển thương hiệu chè Shan tuyết của xã lên một tầm cao mới, trở thành hàng hóa, góp phần xóa nghèo, tiến lên làm giàu.

Phóng sự: Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/che-ngon-thuong-nong-192362.html