Chăm lo đối tượng người có công với cách mạng

Thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội và coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội.

Người dân thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Ảnh: HÀ TRANG

Nghị quyết số 15 nêu rõ, tập trung triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng, đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với NCC, chú trọng giải quyết những trường hợp còn tồn đọng cũng như nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi NCC phù hợp với lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu.

Các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ giải quyết cơ bản về nhà ở đối với hộ NCC đang gặp khó khăn về nhà ở, đồng thời có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đối với NCC và thân nhân về phát triển sản xuất, việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là y tế, giáo dục và đào tạo và đẩy mạnh việc tu bổ nghĩa trang, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Từ đó, hệ thống pháp luật và chính sách phát triển các lĩnh vực xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện; diện thụ hưởng cũng như mức độ thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng; nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực xã hội từ ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa ngày càng lớn nên đời sống NCC, thân nhân NCC với cách mạng không ngừng được cải thiện.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức ngành lao động- thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu, đề xuất giải pháp sát thực với tình hình địa phương, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, nhất là NCC với cách mạng.

Đồng thời, công khai, minh bạch chính sách, hướng dẫn cụ thể, tận tình cho Nhân dân về những quy định, quy trình giải quyết chế độ, chính sách cho NCC với mục tiêu không để tồn đọng kéo dài. Tập trung giải quyết vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại xảy ra trong quá trình thực hiện chính sách.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, Quảng Trị có gần 140.000 đối tượng NCC với cách mạng. Hiện tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp cho gần 16.700 đối tượng NCC và thân nhân hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng với tổng số tiền chi trả gần 36,3 tỉ đồng/tháng.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Nguyên Hồng chia sẻ, để thực hiện tốt chính sách xã hội, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, ngành LĐ-TB&XH các cấp trong tỉnh triển khai đồng bộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho đối tượng NCC.

Cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước, tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện các chính sách đối với NCC và thân nhân NCC như: miễn giảm tiền sử dụng đất, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ giáo dục và đào tạo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế...

Bên cạnh đó, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được đẩy mạnh trở thành hoạt động rộng lớn, mang tính xã hội hóa cao, tiêu biểu như: phong trào vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ”. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh, từ năm 2007 đến nay, huy động được 135 tỉ đồng, hỗ trợ xây mới 2.366 nhà ở và sửa chữa 1.412 nhà ở cho gia đình NCC.

Chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ”, từ năm 2014 đến nay, vận động được trên 8 tỉ đồng để dâng hoa lên các phần mộ liệt sĩ vào các dịp tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hằng năm. Hiện nay, có 20 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phụng dưỡng và có cuộc sống vật chất, tinh thần ổn định...

Hệ thống nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, tôn tạo ngày càng khang trang hơn. Công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh luôn nhận được sự phối hợp tích cực, tình nghĩa và có trách nhiệm của các đơn vị quân đội và Nhân dân trong nước và của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các bộ tộc Lào.

Từ năm 1988 đến nay, tỉnh đã quy tập, truy điệu và an táng 8.953 mộ liệt sĩ, trong đó 5.421 mộ liệt sĩ quy tập tại nước bạn Lào, đồng thời, thực hiện đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ với hơn 1.600 mộ, lấy trên 1.400 mẫu ADN giám định xác định danh tính liệt sĩ.

Trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho đối tượng chính sách NCC. Theo đó, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ, tặng quà cho NCC, gia đình chính sách lên đến hàng tỉ đồng.

Thời gian tới, Tỉnh ủy xác định đến năm 2030, đảm bảo 100% NCC và gia đình NCC với cách mạng được chăm lo toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, ban, ngành các cấp trong tỉnh thực hiện tốt chế độ, chính sách ưu đãi NCC với cách mạng; quan tâm đời sống vật chất, tinh thần NCC, nhất là NCC với cách mạng ở vùng sâu, vùng xa, NCC gặp khó khăn trong cuộc sống; thực hiện tốt chính sách chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục và đào tạo, việc làm, sản xuất và tạo thuận lợi cho NCC, thân nhân NCC tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Đồng thời, cơ bản hoàn thành việc giải quyết tồn đọng trong thực hiện chính sách NCC, nhất là tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng như phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khuyến khích tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” để chăm lo đời sống cho NCC có cuộc sống tốt hơn.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cham-lo-doi-tuong-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-185400.htm