Câu chuyện kỷ luật: Sao cứng nhắc thế?

Thiếu tá Hòa được cử đi học tại một nhà trường có bề dày truyền thống. Vừa rồi, anh được đơn vị đề nghị thăng quân hàm sĩ quan từ Thiếu tá lên Trung tá. Bạn bè cùng học, cùng được thăng quân hàm đã được nhà trường giải quyết cho đi tranh thủ về đơn vị nhận quân hàm rất vui vẻ; còn Hòa vẫn phải đeo quân hàm cũ...

Hỏi ra mới biết, nhà trường chủ trương giải quyết tranh thủ đối với đội ngũ cán bộ được thăng quân hàm về đơn vị nhận quyết định. Thế nhưng trường hợp của Hòa không được giải quyết.

Chuyện là, khi đăng ký nghỉ tranh thủ, chỉ huy đơn vị yêu cầu Hòa sao chụp lại quyết định làm căn cứ báo cáo cấp trên xem xét. Trong khi đó cơ quan chức năng giải thích rằng quyết định này không được gửi qua mạng internet. Có gửi quân bưu cũng khó đến kịp bởi bản sao quyết định của cấp trên cơ quan cũng chưa hoàn thành. Thế nên Hòa “thiếu căn cứ” để được đơn vị đề nghị giải quyết tranh thủ, mà ngày trao quyết định cũng đã cận kề.

Ảnh minh họa. Ảnh: qdnd.vn

Ảnh minh họa. Ảnh: qdnd.vn

Nhiều năm trong quân ngũ, phát triển từ cán bộ cơ sở đến cơ quan chiến lược, tôi hiểu sâu sắc niềm vui của các đồng chí được phong, thăng quân hàm sĩ quan. Đây là dấu mốc ghi nhận sự phấn đấu, cống hiến của đội ngũ cán bộ. Ngoài vinh dự bản thân còn là niềm vui của người thân, gia đình và đơn vị, là dấu ấn trong cuộc đời quân ngũ. Vì thế dịp này các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đều tổ chức lễ trao quyết định phong, thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trang trọng, chu đáo. Đây còn là dịp để lãnh đạo, chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ, động viên đội ngũ cán bộ, nhân viên tiếp tục phấn đấu trong công tác, thực hiện nhiệm vụ.

Mấy ngày sau, nhận được quyết định gửi về trường, với bộ quân hàm thơm mùi vải mới song trong lòng Hòa vẫn có điều tiếc nuối, bùi ngùi. Giá như cấp quản lý linh hoạt đăng ký, cơ quan cấp trên đề cao trách nhiệm thì niềm vui của Hòa hẳn sẽ trọn vẹn. Cái lớn hơn là người quản lý, chỉ huy, cơ quan chức năng không vô tình làm mất đi chủ trương nhân văn của thủ trưởng đơn vị. Trong câu chuyện của Hòa, đơn vị được ủy quyền trao quyết định cũng chưa làm tròn trách nhiệm khi không đề xuất cấp có thẩm quyền thông báo đến nơi cán bộ học tập một cách kịp thời, hiệu quả.

Một câu chuyện nhỏ về cách làm việc “cứng nhắc” để mỗi cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ được giao cần nêu cao trách nhiệm, hiểu thấu đáo và làm những điều tốt nhất cho cán bộ, chiến sĩ. Đó cũng chính là việc tiến hành công tác tư tưởng, chính sách hiệu quả, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

THANH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cau-chuyen-ky-luat-sao-cung-nhac-the-777940