Cần phải xác định vàng là mặt hàng có tính chất hàng hóa hay là tiền tệ để có biện pháp quản lý phù hợp

Trên thế giới coi vàng là một loại hàng hóa rất bình thường, trong khi ở Việt Nam, vàng trở nên 'ghê gớm' và không ít thời điểm xảy ra tình trạng người dân hoảng loạn vì vàng. Vì vậy, các chuyên gia đề nghị việc cần phải xác định vàng là mặt hàng có tính chất hàng hóa hay là tiền tệ để có biện pháp quản lý phù hợp.

Tại tọa đàm “Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định" tổ chức ngày 17/5, các chuyên ra đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách về quản lý thị trường vàng.

Từ cuối năm 2023, giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Vàng miếng SJC có lúc đạt 85 triệu đồng/lượng vào tháng 4, trước khi vượt 92 triệu đồng/lượng vào tháng 5 - mức cao nhất lịch sử. Chênh lệch với giá thế giới cũng neo ở mức cao, có thời điểm tới 20 triệu đồng/lượng. Bình quân 4 tháng, giá vàng tăng 20,75%.

Theo các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chênh lệch giá đó "không hoàn toàn phản ánh cân đối cung - cầu". Do đó, việc giảm mức chênh này không chỉ dựa vào nhập khẩu vàng ồ ạt.

"Hành động này sẽ lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết", nhóm chuyên gia nêu.

Các chuyên gia đặt câu hỏi là tại sao 6 năm từ 2014 – 2019 không có chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, nhưng từ 2020 đến nay chênh lệch tăng cao, dù chính sách vẫn giữ nguyên?

Các chuyên gia đặt câu hỏi là tại sao 6 năm từ 2014 – 2019 không có chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, nhưng từ 2020 đến nay chênh lệch tăng cao, dù chính sách vẫn giữ nguyên?

Điểm lại lịch sử, có những giai đoạn giá trong nước và thế giới đồng pha dù không cần nhập khẩu, hay phá độc quyền mặt hàng này.

Chẳng hạn, giai đoạn 2016-2019, khi giá thế giới tăng nhưng trong nước gần như đi ngang, chênh lệch về 0. Hay giữa năm ngoái, giá trong nước đi ngang khi thế giới dao động mạnh, tăng 10% rồi giảm 3%. Thời điểm này tương đối trùng với giai đoạn các ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền đồng để ổn định tỷ giá.

Câu hỏi đặt ra là tại sao từ năm 2020 đến nay, chênh lệch giá vàng lại tăng mạnh một cách vô lý? Theo các chuyên gia, có một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Thứ nhất, cầu vàng trong nước hơn 3 năm qua tăng mạnh cùng với “sóng vàng” diễn ra trên thế giới. “Tuy nhiên, điều quan tâm là vì sao giá vàng của Việt Nam tăng nhiều hơn và khoảng cách càng xa so với thế giới? Có thời điểm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng”, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu.

Thứ hai, kiểm soát nhập lậu vàng từ năm 2020 đến nay diễn ra chặt chẽ hơn, dẫn tới nguồn cung khan hiếm hơn.

Ngoài ra, độc quyền vàng miếng SJC cũng khiến tình trạng khan vàng SJC trở nên căng thẳng. “Nhãn hiệu vàng được Nhà nước bảo hộ nên người dân an tâm và coi đó là sản phẩm đầu tư cất trữ bảo toàn giá trị. Hơn nữa, thời điểm hiện nay, cơ hội đầu tư rất ít, gửi tiết kiệm lãi suất rất thấp, trong xu thế tài sản tăng lên thì người dân sẽ chuyển tiền từ kênh khác sang vàng nên cầu tăng, cung không có, nên đẩy giá tăng cao”, ông Cường cho hay.

Vừa qua, để tăng cung, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức đấu thầu vàng miếng, nhưng càng sau đấu thầu thì giá càng tăng, cho thấy giải pháp đấu thầu không đạt được mục tiêu. “Việc đấu thầu vàng lại là tác nhân đẩy giá vàng lên, chứ không phải kéo giá xuống. Theo tôi, đấu thầu vàng nếu muốn để giá xuống thì phải đưa giá tham chiếu xuống sát giá thế giới”, ông Cường đề xuất.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, đấu thầu không phải là giải pháp vẹn toàn để đạt mục tiêu. Đấu thầu vàng, nếu có hiệu quả, cũng chỉ là ngắn hạn, còn về lâu dài, mất cân bằng cung - cầu vẫn sẽ diễn ra, chênh lệch giá vàng vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Theo đó, các chuyên gia đề xuất cần phải xác định vàng là mặt hàng có tính chất hàng hóa hay là tiền tệ để có biện pháp quản lý phù hợp.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc AFA Capital cho rằng khi nói đến khái niệm rộng là vàng, thì thông thường các chính sách cần xác định vàng là một loại tiền đặc biệt hay chỉ là một loại hàng hóa thì mới có giải pháp. Nếu là hàng hóa thì phải có giải pháp tăng cung.

“Thực tế, hiện nay, người dân coi vàng như một sản phẩm đầu tư, nếu vậy Việt Nam có thể học tập các nước, ví dụ Trung Quốc họ có trung tâm lưu ký vàng, có giá tham chiếu và thực hiện vận hành sàn giao dịch tập trung. Cách vận hành này đã ổn định được thị trường vàng và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư”, ông Tuấn cho hay.

Ông Tuấn cho biết, trong quá trình làm việc, ông đã tiếp xúc rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, họ quan tâm đầu tư vào đâu khi lãi suất tiết kiệm thấp, trong khi thị trường trái phiếu chưa phát huy, bất động sản đòi hỏi quy mô vốn lớn. Vì vậy, họ quan tâm đến vàng nhiều hơn. “Theo đó, vàng nếu coi là một kênh đầu tư thì nên quản lý nó như một kênh đầu tư. Còn nếu nhìn là trang sức thì phải kiểm soát như là một loại hàng hóa và có khuyến khích tiêu thụ không?”, ông Tuấn đặt vấn đề.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng trên thế giới coi vàng là một loại hàng hóa rất bình thường, trái lại ở Việt Nam, vàng trở nên "ghê gớm" và không ít thời điểm chúng ta hoảng loạn vì vàng.

Ông Nghĩa cho rằng nên để vàng trở lại trạng thái "bình thường", không có gì quá ghê gớm để chúng ta phản ứng chính sách như thời gian vừa qua.

Theo chuyên gia này, các nước trên thế giới đều quản lý cung vàng trong nước thông qua chính sách thuế. Việt Nam cũng chỉ nên coi vàng là mặt hàng có tính thương mại hơn là mặt hàng có tính chất tiền tệ.

“Vàng không có ý nghĩa nào về chính sách tiền tệ, ngoại trừ khía cạnh dự trữ. Thay vì quá quan tâm đến vàng, chúng ta nên dành sự quan tâm cho các mặt hàng thiết yếu hơn, ví dụ xăng dầu. Theo tôi, quản lý vàng không quan trọng bằng quản lý giá xăng dầu. Vì xăng dầu tăng lập tức làm tăng lạm phát chi phí đẩy. Còn với vàng, do độc quyền, cấm nhập khẩu nên mới gây ra tình trạng này. Nếu chúng ta để tự do hóa thị trường vàng, thúc đẩy xuất khẩu vàng trang sức thì cân đối ngoại tệ không đáng lo”, ông Nghĩa nhận định.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, ngoài đấu thầu vàng, NHNN cần sớm xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, bỏ độc quyền nhập khẩu và xuất khẩu vàng nguyên liệu, cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo hạn ngạch. Nhà nước có thể quản lý vàng nhập khẩu thông qua chính sách thuế.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/can-phai-xac-dinh-vang-la-mat-hang-co-tinh-chat-hang-hoa-hay-la-tien-te-de-co-bien-phap-quan-ly-phu-hop-1099843.html