Cần hình thành liên minh để bảo vệ bản quyền báo chí

Việc bảo vệ bản quyền báo chí cần thiết phải hình thành một liên minh báo chí. Đây là nội dung được trao đổi tại phiên thảo luận chuyên đề 'Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số' trong Hội báo toàn quốc năm 2024 diễn ra chiều 16/3.

Vi phạm bản quyền báo chí thành thói quen

Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng biên Báo Dân trí cho biết, việc vi phạm bản quyền của báo Dân trí diễn ra thường xuyên. Các bài viết, chùm ảnh, video của báo Dân trí bị vi phạm và đưa lên các nền tảng như: Facebook, Tiktok, Youtube, các nền tảng video ngắn và các trang tin điện tử. Nghiêm trọng hơn là hành vi cắt xén, mạo danh, ghép nối các nội dung, định hướng và có tác động tiêu cực.

Nguyên nhân được cho là ý thức của người vận hành trang mạng, độc giả và những người tiếp nhận còn hạn chế về kiến thức kỹ năng để phân biệt được thông tin chính thống. Bên cạnh đó, việc thực thi và xử lý với hành vi vi phạm vẫn còn hạn chế.

Tổng biên tập Báo Dân trí Phạm Tuấn Anh chia sẻ tại phiên thảo luận (ảnh: Q.H)

Tổng biên tập Báo Dân trí Phạm Tuấn Anh chia sẻ tại phiên thảo luận (ảnh: Q.H)

Giải pháp hiện nay là đang áp dụng công nghệ phát hiện vi phạm, trực tiếp liên hệ trao đổi khắc phục, ủy quyền cho bên thứ ba để bảo vệ quyền lợi.

Tuy nhiên ông Tuấn Anh cho biết, đơn vị vẫn chưa chính thức khởi kiện bởi một phần thủ tục nhiêu khê và cách thức hoạt động của các đối tượng tinh vi nên gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin.

“Thời gian tới, rất mong được các cơ quan chức năng hướng dẫn thêm và có thể là làm điểm được một số các vụ mà kiện hoặc những vụ xử lý vi phạm một cách nghiêm trọng, có chế tài đủ tính răn đe để từ đó giúp cho các cơ quan báo chí thuận lợi hơn trong hoạt động thời gian tới”, ông Tuấn Anh nói.

Cần thiết hình thành liên minh báo chí

Bà Phan Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, trong bối cảnh công nghệ 4.0, vấn đề bản quyền đang ngày càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí chưa áp dụng chuẩn chỉ quy định pháp luật để xử lý vấn đề bản quyền và việc xử lý vẫn chưa thực sự quyết liệt.

Nếu không xử lý triệt để, việc vi phạm bản quyền sẽ trở thành thói quen. Vậy nên, cần có những hiệp hội, đại diện tổ chức tập thể làm cầu nối để đứng ra bảo vệ bản quyền cho các cơ quan báo chí.

Phiên thảo luận chuyên đề “Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số” trong Hội báo toàn quốc năm 2024 (Ảnh: Thu Hương)

Phiên thảo luận chuyên đề “Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số” trong Hội báo toàn quốc năm 2024 (Ảnh: Thu Hương)

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập báo Thanh niên, quy định pháp lý bất cập cho phép các trang tin điện tử có lúc núp bóng tạp chí điện tử trích dẫn nguồn tin để kiếm tiền quảng cáo, cộng thêm việc phát triển của mạng xã hội,.. là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sa sút doanh thu quảng cáo của những trang báo chí chính thống. Trong khi đó chế tài về vi phạm bản quyền còn hạn chế.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh niên (Ảnh: N.V)

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh niên (Ảnh: N.V)

Ông Toàn nhấn mạnh việc cần thiết hình thành liên minh bản quyền báo chí, trong đó, phải có sự kết hợp giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí - truyền thông cũng như doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích trong ngành báo chí - truyền thông.

Việc thực hiện phải bắt đầu ngay bằng việc xây dựng đội ngũ chuyên gia am hiểu luật pháp, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đề xuất lộ trình khả thi.

“Việc chấn chỉnh, dẹp bỏ nạn vi phạm bản quyền báo chí cần được đặt ra trong tổng thể một chiến lược hỗ trợ giúp các quan báo chí chính thống phục hồi và phát triển trong những điều kiện hoàn toàn mới. Trong không gian số nơi mà mọi tài nguyên đều là tiền bạc, là tài sản, là nguồn lực cao hơn nữa, là sự biểu hiện của chủ quyền quốc gia về tư tưởng và văn hóa”, ông Nguyễn Ngọc Toàn cho hay.

Vũ Hường/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/can-hinh-thanh-lien-minh-de-bao-ve-ban-quyen-bao-chi-post1083122.vov