Cần được trao quyền tự chủ lớn và toàn diện hơn nữa

Qua làm việc trực tiếp với Đại học Thái Nguyên, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023' do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh làm Trưởng đoàn, cho thấy, mặc dù đơn vị cơ bản đã thực hiện tự chủ tài chính, song giống nhiều cơ sở giáo dục đào tạo công lập khác, Đại học Thái Nguyên còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng biên chế, đặc biệt là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tự chủ tài chính nhưng không được tự chủ về biên chế

Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, PGS.TS Hoàng Văn Hùng cho biết, sau khi thực hiện giải thể, sáp nhập, tổ chức lại các đơn vị, số lượng đơn vị trực thuộc, đơn vị thuộc của Đại học Thái Nguyên tại thời điểm 31.12.2023 là 34 đơn vị, trong đó các đơn vị có tư cách pháp nhân trực thuộc Đại học Thái Nguyên là 21 (gồm 8 trường đại học và cao đẳng thành viên, 13 trung tâm trực thuộc và nhà xuất bản); 13 đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên không có tư cách pháp nhân. Các trường đại học thành viên, trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật, các Trung tâm cũng đã thực hiện tái cấu trúc lại bộ máy bên trong đơn vị theo hướng tự chủ.

Giám đốc Đại học Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng phát biểu

Về kết quả tinh giản biên chế, báo cáo cho thấy, Đại học Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm. Trong giai đoạn 2018 - 2023, Đại học Thái Nguyên đã thực hiện tinh giản 31 viên chức. Số lượng cấp phó trong các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện cơ bản theo quy định của Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7.10.2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với đó, Đại học Thái Nguyên đã thực hiện việc sử dụng, quản lý, tuyển dụng viên chức theo quy định của pháp luật; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng viên chức hàng năm; thực hiện việc sắp xếp, bố trí viên chức theo đề án vị trí việc làm.

Về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, tính đến ngày 31.12.2023, Đại học Thái Nguyên có 2 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (mức độ tự chủ tài chính nhóm 1); một đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (mức độ tự chủ tài chính nhóm 2); các đơn vị còn lại tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (mức độ tự chủ tài chính nhóm 3). Từ khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, kết hợp cải cách hành chính, quy trình xử lý công việc từng bước được chuẩn hóa, phân định rõ trách nhiệm từng bộ lên, thời gian giải quyết công việc được rút ngắn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị về cơ bản đáp ứng yêu cầu của công việc chuyện rút ngắn phần vào việc hoàn thành công việc được giao.

Giám đốc Đại học Thái Nguyên cũng cho biết, hầu hết các trường trực thuộc Đại học Thái Nguyên tự bảo đảm tới 90% chi thường xuyên và kinh phí Nhà nước cấp là rất nhỏ. Thế nhưng một nghịch lý là: Mặc dù đã thực hiện được phần nào cơ chế tự chủ về tài chính, song các trường lại bị “bó cứng” trong chỉ tiêu biên chế, không được tự chủ về biên chế. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ giao khoảng 2.500 biên chế cho Đại học Thái Nguyên. “Nếu chỉ bó hẹp trong chỉ tiêu biên chế được giao này, thì Đại học Thái Nguyên sẽ rất khó phát triển trong tương lai”, Giám đốc Đại học Thái Nguyên nói.

Nêu thực tế một số đơn vị còn thiếu nhân lực so với yêu cầu nhiệm vụ dẫn tới việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng, khác với các trường đại học ở những thành phố lớn, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… để thu hút được nhân tài, có bằng Tiến sĩ hay Thạc sĩ về giảng dạy cho đại học vùng như Đại học Thái Nguyên là cực kỳ khó. Do vậy, Đại học Thái Nguyên đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm thu hút nguồn nhân lực.

Cụ thể, Đại học Thái Nguyên xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Giám đốc Đại học Thái Nguyên ban hành kèm theo Quyết định 4368/QĐ-ĐHTN ngày 15.9.2023 quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao trong các đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên. Năm 2023, Đại học Thái Nguyên và các trường đại học thành viên thu hút được 15 người có trình độ tiến sĩ, 10 người có trình độ thạc sĩ các ngành đặc thù.

Giám đốc Đại học Thái Nguyên cũng cho biết, với đặc thù của đại học vùng, nguồn lực còn hạn chế, thì việc thực hiện chính sách thu hút là một khó khăn. Mặc dù Đại học Thái Nguyên và các trường đại học thành viên đã tìm mọi giải pháp để nâng cao thu nhập cho cán bộ, giảng viên nhưng vẫn nằm trong giới hạn của chính sách tiền lương, nên mức thu nhập thấp hơn nhiều so với các trường đại học tư thục, các doanh nghiệp bên ngoài, cộng với môi trường làm việc chưa hấp dẫn nên có tình trạng "chảy máu" chất xám, đặc biệt là giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Cần trao quyền tự chủ cao hơn cho đại học vùng

Xuất phát từ những khó khăn trong thực tế thực hiện cơ chế tự chủ đại học, Đại học Thái Nguyên kiến nghị, Quốc hội xem xét, tháo gỡ những bất cập về tự chủ đại học tại Luật Giáo dục Đại học nhằm trao quyền tự chủ cao hơn cho đại học vùng, đồng thời gắn với chất lượng cao và trách nhiệm xã hội, thực hiện các nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Trong đó, việc xác định rõ tính chính danh của 3 đại học vùng (Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng) đã được pháp luật quy định “khác biệt" với các đại học khác.

Lập luận mà Đại học Thái Nguyên đưa ra là, theo quan niệm phổ biến “đại học vùng” là cơ sở giáo dục đại học được thành lập ra chỉ tại một số vùng lãnh thổ cụ thể, thường là ở những vùng chậm phát triển về kinh tế - xã hội, để ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng, giúp vùng đó nhanh chóng đuổi kịp các vùng khác của đất nước, nhằm bảo đảm tiêu chí công bằng xã hội. Vì vậy, cần có một điều quy định riêng; Nghị định hướng dẫn cũng có những nội dung quy định riêng về Đại học vùng, Đại học Quốc gia. Trong đó, quy định về các đại học vùng cần thay đổi cơ cấu theo hướng chuyển đổi ngay từ mô hình “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành” sang mô hình “đại học đa lĩnh vực" có sự phân công, phân cấp hợp lý giữa đại học và các trường thành viên, bảo đảm phát huy tính chủ động, thế mạnh của từng trường, cùng với sức mạnh tổng hợp chung của cả đại học.

Đại diện Hội đồng Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh, khi các trường đại học thành viên được giao quyền tự chủ ngày càng nhiều, muốn đại học vùng phát huy hơn nữa vai trò dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho các trường đại học thành viên thì bản thân đại học vùng cần được trao quyền tự chủ lớn hơn, toàn diện hơn nữa. Đầu tư cho Đại học vùng cũng cần được quan tâm nhiều hơn để các trường đại học thành viên nhận thấy là thành viên trong đại học vùng có quyền tự chủ, được đầu tư nhiều hơn, có điều kiện phát triển thuận lợi hơn hẳn một trường đại học khác.

Qua trao đổi và thực tiễn giám sát, Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực và kết quả mà Đại học Thái Nguyên đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, kết quả quan trọng nhất trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy là xây dựng được mô hình quản trị nội bộ hiệu quả, bảo đảm đạt được mục tiêu tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nhấn mạnh vai trò của Đại học Thái Nguyên là đại học vùng, đại học công lập, đào tạo nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển bền vững vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và cả nước, Đoàn giám sát cũng ghi nhận những kiến nghị cụ thể, xác đáng của Đại học Thái Nguyên về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đặc biệt là cơ sở đại học. Đoàn giám sát cũng đề nghị, Đại học Thái Nguyên cần tiếp tục có những kiến nghị về chính sách thu hút nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. Tiếp tục có những kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/can-duoc-trao-quyen-tu-chu-lon-va-toan-dien-hon-nua-i371250/