Cái tên tiếp theo có thể tham gia 'Câu lạc bộ nghìn tỷ USD'

Giới chuyên gia đầu tư dường như đã xác định được cái tên tiếp theo tham gia 'Câu lạc bộ doanh nghiệp nghìn tỷ USD' thế giới.

Biểu tượng của nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: AFP

Biểu tượng của nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: AFP

Kể từ đầu năm ngoái, những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI) đã liên tục gây ra những thay đổi đáng chú ý không chỉ trong giới công nghệ mà còn lan sang lĩnh vực khác như tài chính. Điều đó được thể hiện rõ trong danh sách các công ty có giá trị nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường.

Microsoft đã gây chú ý trong khoảng một năm qua với những bước đi dứt khoát trong lĩnh vực AI tạo sinh và hiện là công ty duy nhất có vốn hóa thị trường trên 3.000 tỷ USD. Apple dù đã nhường ngôi vương về vốn hóa thị trường cho Microsoft nhưng vẫn tiếp tục bám trụ ở vị trí thứ hai với trị giá 2.900 tỷ USD.

Nvidia - hiện trị giá 2.300 tỷ USD - đã nhanh chóng thăng hạng nhờ các chip máy tính tập trung vào AI hàng đầu trong ngành. Alphabet, Amazon và Meta Platforms nằm trong top 10 công ty hàng đầu khác, với vốn hóa thị trường trong khoảng từ 1.200-2.100 tỷ USD.

Với mức vốn hóa thị trường khoảng 789 tỷ USD tính tới thời điểm này, có vẻ như công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) đang trên đà trở thành thành viên của câu lạc bộ này. Do nhu cầu ngày càng tăng về chip cần thiết cho AI, việc TSMC chính thức bước vào hàng ngũ trên có thể đến sớm hơn. Là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, TSMC đang ở một vị trí đáng ghen tị trong ngành. Công ty không sản xuất chất bán dẫn để sử dụng cho riêng mình mà ký hợp đồng sản xuất chúng cho nhiều công ty công nghệ lớn, bao gồm Nvidia, Arm Holdings, Advanced Micro Devices và Apple.

Đáng ghen tị hơn nữa, TSMC không phải tham gia cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành vị trí thống trị về chip AI khi họ là đối tác sản xuất của hầu hết các “ngôi sao” AI hiện thời.

Trước đây, phần lớn doanh thu của TSMC đến từ bộ vi xử lý dùng trong điện thoại thông minh. Nhưng điện toán hiệu năng cao (HPC), bao gồm chip dùng cho AI đã dần chiếm vị trí dẫn đầu trong hoạt động sản xuất của công ty và gần đây chiếm tới 46% doanh thu (theo báo cáo mới nhất). Theo các chuyên gia Phố Wall, TSMC dự kiến tạo ra doanh thu 84,8 tỷ USD vào năm 2024, mang lại tỷ lệ giá trên doanh thu (P/S - tỷ lệ so sánh thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp so với doanh thu mà doanh nghiệp tạo ra) ước khoảng 9,3. Giả sử tỷ lệ này không đổi, TSM sẽ phải tăng doanh thu thêm khoảng 107 tỷ USD hàng năm để đạt mức vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD. Điều thú vị là Phố Wall đang dự báo mức tăng trưởng doanh thu của TSMC là 22% trong cả năm 2024 và 2025. Nếu công ty đạt được những tiêu chuẩn khá hợp lý đó, công ty có thể dễ dàng đạt được mức vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD vào năm 2026. Thời điểm đó có thể đến sớm hơn nữa. Ban lãnh đạo TSMC kỳ vọng doanh thu liên quan đến AI của công ty sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 50% trong 5 năm tới và chiếm 20% tổng doanh thu của công ty vào năm 2028. Mục tiêu đó không phải viển vông. Theo công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company, AI tạo sinh dự kiến sẽ tạo ra giá trị kinh tế từ 2.600 tỷ USD đến 4.400 tỷ USD mỗi năm trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, các ước tính này có thể tiếp tục tăng cao hơn nữa khi có nhiều ứng dụng cho AI tham gia vào thị trường.

Hương Thủy (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ca-i-ten-tie-p-theo-co-the-tham-gia-cau-la-c-bo-nghi-n-ty-usd/333646.html