Bảo tồn, phát huy giá trị di sản gốm Việt

Hội thảo mang tới nhiều thông tin về gốm Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề gốm cổ truyền ở Việt Nam.

Ngày 18/5, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương (tỉnh Thừa Thiên Huế) tổ chức Hội thảo “Gốm Việt Nam: Bảo tồn di sản và phát triển đương đại”.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận và chia sẻ nhiều thông tin nghiên cứu mới nhất liên quan đến các chuyên đề gốm Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề gốm cổ truyền ở Việt Nam trong bối cảnh đương đại.

 GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung trình bày tham luận về lịch sử đồ gốm. Ảnh: N.Minh

GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung trình bày tham luận về lịch sử đồ gốm. Ảnh: N.Minh

Theo GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), ở Việt Nam, đồ gốm xuất hiện khá sớm, gắn với kinh tế trồng trọt, định cư và công cụ mài.

Những phát hiện khảo cổ học Việt Nam hiện nay xác nhận có bốn khu vực đồ gốm sớm nhất, nằm ở ven biển từ Bắc vào Nam gồm Cái Bèo, Tràng An, Đa Bút và Quỳnh Văn.

GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho rằng, qua thời gian, kỹ thuật làm gốm ngày càng được cải tiến và phát triển, từ việc nặn bằng tay đơn giản đến việc sử dụng bàn xoay và lò nung chuyên dụng. Sự phát triển của đồ gốm đã góp phần quan trọng vào việc định hình các nền văn minh sơ khai, đóng vai trò thiết yếu trong sự tiến bộ của nhân loại.

Nhắc đến gốm không thể không nhắc sông Hương chảy qua Kinh thành Huế. Một khối lượng lớn các loại gốm được vớt lên từ dòng sông này phản ánh cụ thể, chân xác đời sống sinh hoạt của cư dân qua các thời kỳ lịch sử, từ khi con người biết làm gốm, trồng lúa từ hàng ngàn năm trước cho đến tận ngày nay.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, gọi là đồ gốm sông Hương nhưng thực ra bao gồm cả đồ sành, đồ gốm, đồ bán sứ, đồ sứ với chủng loại vô cùng phong phú: bình, ché, hũ, vò, ấm, bát, chén, dĩa, tô, chân đế, bát bồng, nắp, bình vôi, nồi, chum, vại, chì lưới…

 Trưng bày gốm bên lề hội thảo. Ảnh: N.Minh

Trưng bày gốm bên lề hội thảo. Ảnh: N.Minh

Tuy nhiên, gốm sông Hương mới được chú ý trong khoảng một thế kỷ trở lại đây thông qua hoạt động chài lưới và trục vớt cổ vật, cát sỏi từ lòng sông của cư dân vạn đò và những người sống bằng nghề sông nước.

TS. Nguyễn Anh Thư (Đại học Văn hóa Hà Nội) khẳng định, những đồ gốm cổ được trục vớt từ sông Hương đã phản ánh rõ nét tiến trình phát triển của Huế qua 3 giai đoạn chính: nhóm gốm tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh thiên niên kỷ II trước Công nguyên đến những thế kỷ đầu Công nguyên; nhóm gốm Champa từ thế kỷ II đến thế kỷ XIV; nhóm đồ sành, sứ, đồ gốm men của người Việt trải dài qua các giai đoạn lịch sử từ thời thuộc Hán cho đến thời Nguyễn và sau này.

Theo nghiên cứu của TS. Anh Thư, dựa vào chức năng có thể phân định đồ gốm vớt sông Hương thành 3 nhóm chính đó là đồ đun nấu, đồ dùng sinh hoạt và đồ đựng.

Những đồ gốm cổ ở sông Hương là nguồn tư liệu vật chất quý giá giúp các nhà nghiên cứu nhận diện một phần quan trọng các giá trị lịch sử - văn hóa Huế trong bối cảnh dòng chảy lịch sử - văn hóa miền Trung Việt Nam.

Kiến trúc sư Huỳnh Văn Huỳnh (Bình Dương) cho rằng, để giữ gìn nghề gốm không chỉ kế thừa được kỹ thuật, tinh thần và triết lý của làng nghề, mà bắt đầu giữ gìn bằng cách thực hành để những kỹ thuật ấy không bị mất đi.

Ngoài ra, việc thiết kế những sản phẩm mới phải thể hiện rõ đặc điểm của làng nghề, tránh trường hợp bỏ gốc lấy ngọn, để khi nhìn vào sản phẩm, mọi người có thể nhận ra ngay là sản phẩm của làng nghề đó.

Hội thảo cũng được nghe chia sẻ về quá trình hồi sinh gốm Phước Tích (Thừa Thiên Huế), gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm của người Khmer ở Nam Bộ.

Từ những nghiên cứu và kinh nghiệm thực hành, nghệ nhân các làng nghề đã phát huy giá trị gốm Việt bằng cách thổi một làn gió mới với các thiết kế đương đại; hoặc biến nghề gốm và sản phẩm gốm thủ công thành tài nguyên du lịch...

 Nghệ nhân làng nghề trình diễn vuốt gốm thủ công. Ảnh: N.Minh

Nghệ nhân làng nghề trình diễn vuốt gốm thủ công. Ảnh: N.Minh

Bên lề Hội thảo còn diễn ra hoạt động trưng bày chuyên đề gốm Phước Tích; trưng bày tác phẩm gốm Bát Tràng, gốm Hương Canh của họa sĩ Lê Thiết Cương; tác phẩm gốm Phù Lãng của họa sĩ Vũ Hữu Nhung; giao lưu với nghệ nhân các làng gốm ở Việt Nam...

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-gom-viet-post296023.html