Bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng

Trước diễn biến phức tạp của các loại tội phạm tấn công vào hoạt động của hệ thống ngân hàng, các cơ quan chức năng, chủ công là lực lượng công an, đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, phòng ngừa.

Đối tượng trong vụ cướp ngân hàng tại phường Tam Phước bị công an bắt giữ. Ảnh: T.Danh

Đối tượng trong vụ cướp ngân hàng tại phường Tam Phước bị công an bắt giữ. Ảnh: T.Danh

Song mấu chốt của vấn đề vẫn là sự cảnh giác của mỗi người dân, cán bộ, nhân viên ngân hàng để sớm phát hiện hành vi của tội phạm.

* Hoạt động của tội phạm nhắm vào hệ thống ngân hàng ngày càng phức tạp

Theo đánh giá của Công an tỉnh, những năm gần đây, do ảnh hưởng của đời sống kinh tế - xã hội đã làm phát sinh các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt tội phạm tấn công vào lĩnh vực ngân hàng.

Phát biểu tại Hội thảo về Đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống ngân hàng được tổ chức mới đây, Phó giám đốc Công an tỉnh, thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn cho biết, qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh cho thấy, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của hệ thống ngân hàng diễn ra rất phức tạp, cả về số vụ lẫn mức độ thiệt hại. Đối tượng phạm tội ngày càng đa dạng, bao gồm người Việt Nam và cả người nước ngoài, hoạt động trong nước hoặc xuyên quốc gia với công nghệ cao. Bên cạnh đó, còn xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, tinh vi, manh động hơn; một số vụ sử dụng vũ khí để thực hiện hành vi phạm tội.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 42 ngân hàng thương mại với 61 chi nhánh và 233 phòng giao dịch trực thuộc, 22 chi nhánh ngân hàng cấp 2; 34 quỹ tín dụng nhân dân; 5 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên hỗ trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm (Quỹ CEP).

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cướp ngân hàng xảy ra tại các phòng giao dịch ở Biên Hòa, Vĩnh Cửu.

Cụ thể, ngày 28-12-2022, Từ Thanh Tùng (29 tuổi, ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) dùng súng giả xông vào Phòng giao dịch Thạnh Phú, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh huyện Vĩnh Cửu Bắc Đồng Nai (thuộc ấp 2, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) uy hiếp những người có mặt tại đây để cướp khoảng 20 triệu đồng của một người dân đến giao dịch. Chỉ sau ít giờ truy xét, lực lượng công an đã bắt giữ Tùng khi đối tượng đang tìm cách bỏ trốn.

Trước đó, vào tháng 9-2022, tại Phòng giao dịch Tam Phước - chi nhánh thành phố Biên Hòa (thuộc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, đóng tại khu phố Long Đức 3, phường Tam Phước) cũng xảy ra vụ cướp. Đối tượng Lê Huy Dũng (34 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa, tạm trú xã An Phước, huyện Long Thành) dùng súng uy hiếp nhân viên phòng giao dịch để cướp số tiền hơn 800 triệu đồng. Đối tượng này sau đó cũng bị bắt giữ.

Ngoài các vụ việc trên, thời gian gần đây, các đối tượng tội phạm lợi dụng các hoạt động giao dịch, dịch vụ chuyển tiền qua tài khoản, không dùng tiền mặt để thực hiện hành vi phạm tội.

Như vụ án xảy ra trên địa bàn huyện Nhơn Trạch vào đầu năm 2024, nạn nhân đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt cả trăm tỷ đồng bằng chiêu thức chuyển tiền qua các tài khoản ngân hàng.

Hay như trường hợp anh V.V.T. (ngụ huyện Trảng Bom) đã bị các đối tượng lừa đảo yêu cầu cài đặt ứng dụng khai báo thuế online để được giảm thuế xảy ra vào cuối năm 2023. Khi anh T. làm theo đã bị mất số tiền gần 1,2 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Theo cơ quan công an, sau khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng tội phạm nhanh chóng tiêu hủy chứng cứ, dùng nhiều thủ đoạn để đối phó với các cơ quan quản lý, cơ quan công an, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy vết. Tài sản thiệt hại trong các vụ án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng ngày càng nhiều. Đã có nhiều vụ nạn nhân mất hàng chục tỷ đồng, có vụ cả trăm tỷ đồng.

* Cảnh giác trước những giao dịch, hoạt động bất thường

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của các loại tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp, công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại hệ thống các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Phó giám đốc Công an tỉnh, thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn cho biết, để đảm bảo công tác ANTT tại các hệ thống ngân hàng, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, trong đó Phòng An ninh kinh tế với vai trò thường trực, đơn vị chủ công của Công an tỉnh chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Lực lượng công an phải thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình liên quan; tham mưu, hướng dẫn cho các ngân hàng trong công tác đảm bảo an ninh thông tin.

Đối với ngành ngân hàng, Công an tỉnh sẽ tổ chức các biện pháp công tác đảm bảo an ninh, an toàn các hoạt động giao dịch, kinh doanh, phát triển của hệ thống các ngân hàng. Các ngân hàng phải nâng cao ý thức cảnh giác, quan tâm, phối hợp, đồng hành cùng lực lượng công an trong công tác đảm bảo ANTT; thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong quá trình hoạt động của các ngân hàng qua các kênh thông tin.

Lãnh đạo Công an tỉnh đề nghị các ngân hàng có các biện pháp tự bảo vệ như: lắp đặt hệ thống camera giám sát, thiết bị báo động để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao ý thức hoạt động của lực lượng bảo vệ, các tổ tự quản về ANTT tại ngân hàng.

Phía các ngân hàng phải tăng cường hơn nữa công tác phối hợp lực lượng công an, các tổ chức cung cấp ứng dụng dịch vụ thanh toán để xây dựng quy trình phối hợp nhằm hạn chế tình trạng sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ, ngăn chặn sớm dòng tiền và việc vi phạm pháp luật. Đồng thời, tăng cường an ninh, bảo mật hệ thống thông tin, phòng chống mã độc, mua bán dữ liệu khách hàng; triển khai các giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng tài khoản ngân hàng “rác”, sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để phục vụ hoạt động vi phạm pháp luật như: lừa đảo, đánh bạc, rửa tiền...

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh, thượng tá Nguyễn Đình Khuyên cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa các loại tội phạm xảy ra tại các hệ thống ngân hàng, cần sự nỗ lực phối hợp giữa các lực lượng chức năng. Trong đó công tác tuyên truyền để nâng cao hiểu biết cho người dân vẫn là quan trọng nhất.

Lực lượng Công an tỉnh sẽ thường xuyên phối hợp với các cấp ủy chính quyền để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật trong việc phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm này. Đối với các ngân hàng, cần nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp với lực lượng công an để tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của tội phạm đến khách hàng. Khi phát hiện có những giao dịch bất thường, phải cảnh báo đến khách hàng hoặc trao đổi với cơ quan công an để phòng ngừa.

Phó chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai NGUYỄN THANH THỦY cho biết, thời gian vừa qua, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động tại các tổ chức tín dụng luôn được Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các tổ chức tín dụng thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh các quy định, tránh sơ hở để các đối tượng tội phạm lợi dụng hoạt động.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/bao-dam-an-ninh-an-toan-cho-hoat-dong-ngan-hang-2b95319/