Bài 2: Những bi kịch từ vay tiền online qua app

Giao diện trên app một hợp đồng vay 50 triệu đồng nhưng số tiền phải trả là 109 triệu đồng

Giao diện trên app một hợp đồng vay 50 triệu đồng nhưng số tiền phải trả là 109 triệu đồng

Với thủ tục vay tiền online đơn giản, nhanh chóng, không cần thế chấp, không cần tài sản đảm bảo… đã khiến nhiều trường hợp người vay trở thành những “con nợ” không lối thoát, gây hệ lụy đến gia đình, xã hội…

Nhiều người “sập bẫy” vay tiền qua app phải trả lãi suất cao thông qua các dạng phí, bảo hiểm khoản vay... dẫn đến hệ lụy là đẩy gia đình rơi vào cảnh khốn đốn vì phải trả khoản nợ lớn. Riêng bản thân một số người nợ tiền vì lo lắng mà khủng hoảng về tinh thần.

* App vay tiền bủa vây “con nợ”

Hơn 1 năm nay, bà Trần Thị Khê (ngụ H.Trảng Bom) luôn sống trong cảnh phập phồng vì chủ nợ của con trai bà có thể xuất hiện bất cứ lúc nào để đòi nợ hoặc thông báo số nợ mới của con trai và yêu cầu bà phải trả bớt nợ cho con trai với những lời hăm dọa.

Bà Khê cho biết, con trai bà đi làm ăn ở TP.HCM đã nhiều năm, bỗng dưng một ngày con trai bà về nhà với một nhóm người và xin bà trả giúp số nợ 500 triệu đồng cả vốn lẫn lãi cho các chủ nợ là nhóm người lạ mặt. Tuy bất ngờ và rất giận con nhưng bà Khê vẫn phải gom góp tiền để trả nợ cho con. Những tưởng đã xong khoản nợ của con, chỉ vài tháng sau, con trai bà lại trở về với số tiền nợ 300 triệu đồng cần xin mẹ trả giúp. Bức xúc vì người con gây nợ nần, bà Khê tra hỏi thì biết, người con trai đã vay tiền online và đang trả nợ trên 5 app cho vay tiền, nếu không trả đúng hạn thì chủ nợ sẽ xuất hiện, tìm về nơi ở của người vay để đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Vì thương con nên bà Khê vẫn phải bấm bụng trả nợ dần số tiền 300 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Phương (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), một sinh viên mới ra trường đã rơi vào vòng luẩn quẩn của tình trạng vay tiền qua app khiến cho gia đình và chị phải trải qua cơn sóng gió vì bản thân chị suýt trở thành người không tỉnh táo, còn cha mẹ thêm gánh nặng nợ nần.

Để tránh rơi vào “bẫy” vay tiền lãi cao qua các app, người dân nên cẩn trọng, xem xét kỹ các khoản phí, thời gian trả nợ. Khi phát hiện bị lừa vay “tín dụng đen” nên báo với cơ quan chức năng để hỗ trợ ngăn chặn kịp thời.

Chị Phương cho biết, cuối năm 2021, chị vay 20 triệu đồng của một công ty tài chính chuyên cho vay tiền qua app. Tuy nhiên, trên app vay tiền không chỉ thể hiện số tiền chị Phương vay mà tổng nợ lên 36 triệu đồng vì số tiền vay đã được cộng lãi và chia đều thời gian trả trong vòng 36 tháng. Vài tháng sau, chị Phương tiếp tục vay một gói mới 50 triệu đồng và tổng nợ của gói này lên 109 triệu đồng. Nơi chị Phương vay tiền là tổ chức tín dụng được cấp phép nên số tiền thực tế chị Phương nợ 70 triệu đồng cho 2 gói vay đã được tổ chức này cập nhật lên hệ thống ngân hàng chung. Dù đã trả được 13 triệu đồng cho gói vay 20 triệu đồng và 12 triệu đồng cho gói vay 50 triệu đồng, nhưng khi kiểm tra trên hệ thống, số nợ gốc của chị Phương vẫn nằm im con số 70 triệu đồng; như vậy, 25 triệu đồng chị Phương trả hàng tháng kia vẫn chưa được trừ vào phần gốc mà chị Phương đã vay.

Thư báo điện tử đến khách hàng về tiến độ trả nợ nhưng trên thực tế, khách vẫn còn nợ nguyên số tiền gốc dù đã trả được nhiều kỳ

Thư báo điện tử đến khách hàng về tiến độ trả nợ nhưng trên thực tế, khách vẫn còn nợ nguyên số tiền gốc dù đã trả được nhiều kỳ

* Trả hết nợ vẫn chưa thoát nợ

Vay tiền qua app rất dễ và nhanh nhưng muốn trả nợ thì không hề dễ và nhanh. Thậm chí, có trường hợp trả hết nợ vẫn chưa thoát được nợ.

Anh Ngô Quang Thịnh (ngụ TT.Định Quán, H.Định Quán) là chủ một doanh nghiệp nhỏ tại H.Định Quán kể, vì giúp bạn nên anh Thịnh đã đứng tên vay hộ một khoản tiền 15 triệu đồng qua app; người bạn của anh cũng đã trả nợ theo đúng kỳ hạn quy định. Tuy nhiên, sau khi trả xong số nợ và lãi đã vay, anh Thịnh bất ngờ được nhân viên của bên cho vay thông báo anh vẫn còn nợ khoản tiền phí bảo trì tài khoản vay, bảo hiểm gói vay… trị giá 15 triệu đồng. Sau khi nghe thông tin, anh Thịnh đã đề nghị phía công ty cho vay giảm mức thu và được nhân viên hứa hẹn sẽ đề xuất giúp anh lên công ty. Do bận nhiều công việc nên anh Thịnh cũng quên luôn việc trả nợ gói vay phát sinh, cho đến cuối năm 2022, anh Thịnh liên hệ với ngân hàng để vay vốn đầu tư dây chuyền sản xuất thì tá hỏa khi nghe ngân hàng từ chối với thông báo, anh thuộc đối tượng nợ xấu, không được vay ở bất kỳ ngân hàng nào trong vòng 5 năm. Điều này cho thấy, dù thời gian qua anh đã trả hết số nợ theo thông báo trên app nhưng phía tổ chức tài chính vẫn chưa xóa nợ gốc của anh trên thông tin chung về khách hàng của hệ thống ngân hàng, điều này khiến anh gặp nhiều khó khăn vì không có vốn tái sản xuất, phát triển doanh nghiệp.

Tình trạng vay nặng lãi ẩn dưới vỏ bọc các app vay tiền online đã xuất hiện nhiều năm nay và được các cơ quan chức năng cảnh báo, thế nhưng thực trạng trên vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí diễn biến ngày càng phức tạp. Thực trạng trên đã khiến nhiều gia đình khốn đốn vì gánh nặng nợ nần, có người đã phát bệnh tâm thần vì quá lo lắng.

Bà Trần Thị Khê, người đang mang gánh nặng nợ nần do con trai gây ra cho biết, tại các app cũng như hợp đồng vay tiền không thể hiện mức lãi suất, hơn nữa các công ty tài chính này lợi dụng người dân đang cần tiền có nhu cầu vay đã tiếp cận với những lời lẽ mời chào hấp dẫn khiến cho nhiều người sập bẫy phải ôm cục nợ lớn gấp đôi số tiền vay thực. Bà Khê tâm sự: “Tôi rất mong các cơ quan chức năng có hướng xử lý những vụ việc như thế này để người dân không bị mắc lừa, đặc biệt là có cách xử lý những trường hợp cho vay nặng lãi núp bóng app vay tiền online đang lộng hành như hiện nay”.

Ngọc Liên - Hải Quân - Trần Danh

Bài 3: Người dân cẩn trọng với các app vay tiền

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202307/ngan-chan-tin-dung-den-tra-hinh-bai-2-nhung-bi-kich-tu-vay-tien-online-qua-app-3172201/