Bài 1: Sá xị Chương Dương - 'cơn khát ngọt ngào' của tuổi thơ

LTS: Như một quy luật sinh tồn của cuộc sống. Mỗi một thương hiệu đã trải qua những câu chuyện thăng trầm nhất để đến bây giờ, có những cái tên đang dần được hồi sinh và có những cái tên đã đi vào quá vãng. Thỉnh thoảng người tiêu dùng Việt lại nhớ về những cái tên đó như một ký ức ngọt ngào gắn liền với thời bao cấp khổ cực, gắn liền với tuổi thơ hồn nhiên.

Và giờ đây, trên những kệ hàng hóa của những siêu thị lớn với vô vàn các sản phẩm mới, người ta lại thấy xuất hiện trở lại của những chai dầu gội Bồ Kết màu đen của ngày xưa, thấy cục xà bông Cô Ba, kem Dạ Lan và gói mì Miliket, hay đơn giản nhất là lon nước sá xị Chương Dương - những sản phẩm luôn một thời xuất hiện trong góc bếp của các bà nội trợ.

Loạt bài Những thương hiệu “Vang bóng một thời” mong muốn được kể lại cho bạn đọc của TBTCVN những câu chuyện thăng trầm của những thương hiệu “nhìn là nhớ ngày xưa”, kể về cuộc đời của những con người đã sinh ra những “đứa con thương hiệu”cùng cuộc chiến gìn giữ và phát triển nó như thế nào…

Và, những cái tên đó vẫn gắn liền với đời sống của hàng triệu người dân Việt bằng những ký ức ngọt ngào và hiện tại đầy tự hào…

Hương vị của hoài niệm, yêu thương

Hồng Lợi - bạn tôi ở Mỹ vừa về Việt Nam, vào nhà thay đồ xong là hắn gọi thằng cháu, mua cho tau ổ bánh mì Hòa Mã và chai sá xị Chương Dương. Đòi bánh mì Hòa Mã (trên đường Cao Thắng) thì tôi hiểu được, vì gần đây báo chí nước ngoài ca tụng bánh mì Việt Nam là thức ăn ngon của du khách quốc tế, mà Hòa Mã là thương hiệu bánh mì kẹp thịt có tiếng ở quận 3.

Còn sá xị Chương Dương là lon nước ngọt cũng bình thường thôi mà sao hắn ghiền đến như vậy, tôi thắc mắc hỏi. Hắn trả lời, tau không nói sá xị Chương Dương ngon hơn Coca Cola hay Pespsi, nhưng nó có hương vị riêng mà các thức uống khác không giống.

Hồi trước, tau khoái sá xị Chương Dương lắm, mùa hè ăn cơm xong mà má cho tiền đi mua chai sá xị Chương Dương là sướng tê người. Qua Mỹ uống Coca cũng đã, nhưng hương vị sá xị Chương Dương vẫn không làm tau quên được, cũng như xà bông Cô Ba không thơm hơn xà bông Coast hay Zest nhưng mỗi khi dùng xà bông Việt Nam cái hương vị làm nhớ thời thơ ấu má gội đầu cho: thơm sảng khoái.

Giữa năm 1977, Tập đoàn B.G.I chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho Việt Nam với tên gọi Nhà máy Nước ngọt Chương Dương, trực thuộc Công ty Rượu Bia miền Nam. Năm 1993, công ty đổi tên thành Công ty Nước giải khát Chương Dương trực thuộc Tổng công ty Rượu Bia, Nước giải khát Việt Nam.

Ở bên đó, đi siêu thị, tau vẫn ước gì ở trên kệ có cái chai sá xị Chương Dương, chắc tau mua uống hàng ngày luôn. Mỗi lần về Việt Nam, kiểu gì thì kiểu, cứ sá xị Chương Dương mà uống cho nó thỏa “cơn khát ngọt ngào của tuổi thơ” tau mà thôi!

Hắn nhắc tôi nhớ mà như giảng bài cho tôi: Chương Dương là hãng nước ngọt được tiếp thu từ Tập đoàn B.G.I của Pháp có tuổi đời ngang ngửa với hắn, Nhâm Thìn 1952 nhờ vậy nên dễ nhớ. Đây là hãng nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á nên lúc đó bán chạy nhất miền Nam Việt Nam cho đến năm 1975, nhất là sá xị và bạc hà của BGI rất được ưa chuộng.

Người uống sá xị Chương Dương chỉ thích nhất mặt hàng này, nên sá xị cạnh tranh lại các thương hiệu khác vào những năm 1980, ai cũng thích uống. Tôi không cãi hắn vì đó là thực tế, bà ngoại tôi lúc đó 65 tuổi mỗi khi đau bệnh, cảm gió không ăn cơm được đều uống sá xị và ăn bánh in, loại bánh làm bằng bột nếp đóng khuôn bên ngoài phong bao giấy đỏ thường cúng trên bàn thờ.

Bánh in là bột nếp rang được xay nhuyễn, sá xị là thức uống trợ tiêu hóa, dùng hai thứ này đủ dinh dưỡng và không làm cơ thể khó chịu.

Thời đó, mấy bà má còn có bài thuốc trị kiết lị từ sá xị Chương Dương hết sức hiệu quả, đó chính là lấy trứng gà ta đánh lên bông rồi đổ nước sá xị vào uống một hơi. Cái vị béo béo bùi bùi của trứng gà, hóa với vị thơm đặc biệt của sá xị đó là một mùi vị không bao giờ tôi quên.

Bây giờ thi thoảng, không bị gì, nhưng nhớ cái mùi vị đó, tôi lại bảo con gái làm cho một ly trứng gà sá xị Chương Dương. Con người ta, đôi khi sống hạnh phúc và mỉm cười vu vơ cũng chỉ nhờ vào một hương vị của ký ức.

Sản phẩm cũ lại là ưu thế

Hơn 70 năm, sau bao thăng trầm, sá xị Chương Dương giờ lại tự hào đứng ngang hàng cùng những thương hiệu đồ uống có tiếng trong nước và trên thế giới. Người tiêu dùng Việt Nam lại vui hơn khi từ siêu thị lớn đến siêu thị nhỏ, từ quầy tạp hóa đến quán ăn, nhà hàng… nơi đâu cũng có thể dễ dàng có được chai sá xị Chương Dương thơm lừng mát lạnh.

Anh Lê Hải, đại lý nước ngọt ở chợ Phạm Văn Hai cho biết, hiện nay sá xị Chương Dương, ngoài loại chai nhựa và lon thì còn có loại chai thủy tinh giá rẻ được thị trường ưa chuộng. Một két 24 chai giá có 80.000 đồng, tính ra chỉ hơn 3.300 đồng/chai.

Giá này những người bán trên xe đẩy ở trường tiểu học học bán cho học sinh một ly sá xị 5.000 đồng vẫn có lời (chai được 2 ly).

Đứa em tôi, nhà ở Củ Chi mấy năm trước lấy nước ngọt Chương Dương chai chiết ra bịch ny long cột lại, đặt vào tủ lạnh làm nước đá bịch đủ màu bán 5.000 đồng dạng sinh tố bịch, cũng sống qua ngày.

Nhắc đến nước ngọt đựng chai, tôi chợt nhớ đến hồi xưa, ngày Tết nhà tôi mua 2 két nước ngọt về để dành đãi khách. Một két nước ngọt Chương Dương dặn đại lý lấy nhiều màu, sá xị màu nâu, bạc hà màu xanh, lemonade (nước chanh) màu trắng, crem soda màu xanh nhạt chưng trên bàn phòng khách cùng với hoa quả, bánh mứt chung rất xôm tụ. Cứ khách lớn tuổi và trẻ con đến thì cứ khui ra tùy theo sở thích mà chủ nhà sẵn sàng chiêu đãi.

Mấy năm trước để cạnh tranh với các hãng nước ngọt nước ngoài, Chương Dương cũng sản xuất các loại khác như nước cam, nước dâu, nước nha đam cho đa dạng nhưng cũng không lật ngược được xu thế trên thị trường! Hồi năm ngoái trên mạng rộ lên câu chuyện tiệm A Xúc ở Hải Thượng Lãn Ông có bán nước ngọt Chương Dương giá 10.000 đồng/ly, nhiều người đến uống để tìm lại ký ức tuổi thơ.

A Xúc cho biết nước ngọt trong chai thủy tinh ngon hơn nước ngọt trong chai nhựa, điều này tôi chưa kiểm chứng nhưng có nhiều khách hàng đồng ý với nhận xét của người bán. Riêng tôi, người hoài cổ thì nhìn động tác người bán khui chai nước ngọt rớt nắp cũng thấy đã hơn mở nút trong chai nhựa. Những tay sưu tầm đồ cổ có dịp lại đây nhặt nút khoén (nắp chai nước ngọt) để làm kỷ vật.

Hương vị ký ức để mà nhớ, mà thương

Từ khi anh Lê Hải cho biết, một két nước ngọt giá 80.000 đồng, tôi chợt nghĩ: hay là năm nay mình chuyển tông sang uống nước ngọt Chương Dương vừa rẻ lại vừa “ thời thượng”. Hàng loạt chai thủy tinh với nước đủ màu đỏ, xanh, vàng, trắng trưng trên bàn tiếp khách không giống nhà nào có kiến trúc hiện đại.

Mình tái lập lại khung cảnh ăn Tết xưa ở thôn quê trông cũng lạ, cũng hấp dẫn. Thế nhưng, không biết công ty còn sản xuất nhiều loại nước ngọt như trước không, hay chỉ còn mỗi sá xị thôi. Biết rằng, dùng chai thủy tinh là bất tiện cho người mua và nhà sản xuất, nhưng nó cũng hạn chế được ô nhiễm môi trường do chai nhựa bỏ ra.

Mua nước ngọt để ăn Tết trong nhà có sẵn hai két chai thủy tinh không, đem ra đại lý đổi lấy nước, còn dùng tiền thế chai như trước đây liệu đại lý có chịu không? Công ty nên định giá cho các đại lý. Nói là vậy, cũng chỉ là quan điểm và ước muốn cá nhân cứ theo đuổi một hương vị ký ức để thấy cuộc đời còn có nhiều điều để mà nhớ mà thương.

Lương Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-1-sa-xi-chuong-duong-con-khat-ngot-ngao-cua-tuoi-tho-138857.html