Bác kháng cáo vụ 1 người dân kiện nhà mạng đòi lại 141 sim điện thoại bị thu hồi

Cho rằng nhà mạng thu hồi sim không đúng hợp đồng ký kết giữa hai bên nên người một người dân kiện nhà mạng để đòi lại 141 sim điện thoại.

Ngày 22-5, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa nguyên đơn là ông Lữ Việt Long và bị đơn là Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT).

Theo đó, HĐXX đã bác kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu của ông Long về việc buộc VNPT phải trả lại 141 sim di động đã thu hồi.

Kiện vì bị nhà mạng thu hồi 141 sim điện thoại

Tại tòa, đại diện VNPT TP.HCM cho biết việc thu hồi sim của ông Long là có căn cứ. Bị đơn trước khi thu hồi sim đã nhắn tin yêu cầu người dùng mang giấy tờ tùy thân đến điểm giao dịch gần nhất để xác thực thông tin cá nhân. Tuy nhiên, ông Long sau khi nhận được tin nhắn không có dấu hiệu phản hồi. Sau khi thuê bao bị khóa một chiều, nguyên đơn vẫn không có động thái phản ứng. Vì vậy, sau đó các thuê bao này đều bị khóa hai chiều, chấm dứt hợp đồng.

Nguyên đơn thì cho rằng VNPT TP.HCM không đưa ra các chứng cứ xác thực đã thông báo vào các số sim đã thu hồi. Ông Long khẳng định sử dụng các sim này cho cá nhân, không mua bán. Ông cũng cho hay chưa nhận được các tin nhắn thông báo do nhà mạng gửi đến.

Theo HĐXX, số sim của ông Long đã vi phạm tiêu chí nhà mạng và nhà mạng đã cung cấp phụ lục chi tiết tin nhắn gửi thông báo tới ông Long nhưng sau đó ông Long đã không phản hồi, không thực theo thông báo. Sau khi bị khóa một chiều, ông Long vẫn không ý kiến, không đăng ký thông tin thuê bao như tin nhắn gửi đến. Trong thời hạn 6 tháng, người dùng có thể yêu cầu mở lại. Tuy nhiên quá thời hạn, ông Long vẫn không có phản hồi hay ý kiến gì. Vì vậy việc thu hồi sim là phù hợp.

Nội dung vụ án thể hiện, ngày 10-5-2018 ông Lữ Việt Long ký hợp đồng với Trung tâm kinh doanh VNPT TP.HCM - Chi nhánh Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT Vinaphone) để mua 154 sim điện thoại. Tuy nhiên sau đó 154 sim điện thoại này đã bị nhà mạng thu hồi không rõ nguyên nhân (13 sim được hòa mạng trả lại nên thực tế chỉ có 141 sim bị thu hồi).

 Ông Lữ Việt Long bị bác kháng cáo, bác yêu cầu khởi kiện đòi nhà mạng trả lại 141 sim điện thoại. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Ông Lữ Việt Long bị bác kháng cáo, bác yêu cầu khởi kiện đòi nhà mạng trả lại 141 sim điện thoại. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Ông Long cho rằng VNPT không cung cấp được biên bản vi phạm hợp đồng, biên bản ra quyết định thu hồi 154 sim số, biên bản vi phạm hành chính nên việc nhà mạng thu hồi là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của mình nên đã khởi kiện ra TAND quận 3 yêu cầu tòa án buộc VNPT phải hoàn trả lại 141 sim đã được đăng ký quản lý và sử dụng theo hợp đồng đã ký.

Theo nguyên đơn, VNPT Vinaphone ngưng quyền sử dụng 141 sim theo hợp đồng đã ký đối với ông Long là vi phạm hợp đồng mà các bên đã ký kết. Vì cho đến nay VNPT Vinaphone không có văn bản nào ban hành để chấm dứt hợp đồng với ông Long và ông cũng chưa có văn bản nào xử phạt vi phạm hành chính đối với mình.

Về phía bị đơn, quá trình xét xử sơ thẩm đại diện của VNPT và luật sư đều cho biết VNPT Vinaphone thực hiện đúng quy định pháp luật về việc xử lý và thu hồi quyền sử dụng 141 sim số di động của ông Long vì Nghị định 49/2017 không quy định hình thức phải thông báo cho người sử sụng dịch vụ viễn thông là bằng văn bản hay tin nhắn, cuộc gọi từ đó yêu cầu bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Vấn nạn sim rác gây hệ lụy xấu cho xã hội

Xử sơ thẩm vào tháng 12-2023, HĐXX TAND quận 3 nhận định vấn nạn sim rác, sim không chính chủ phát tán các cuộc gọi rác, tin nhắn rác, đe dọa, lừa đảo, khủng bố, gây nên hệ lụy xấu, nhức nhối, mất trật tự an ninh cho người dân dân và toàn xã hội. Do đó từ Chính phủ cho đến Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông, các Tổng công ty dịch vụ viễn thông và các Doanh nghiệp viễn thông đã có những văn bản chỉ đạo, giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Theo bản án sơ thẩm, nhằm thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông với Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh xã hội, ba nhà mạng lớn nhất của Việt Nam gồm Vinaphone, Mobiphone và Vietel đã thỏa thuận về việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn và xử lý sim rác. Trên cơ sở đó VNPT VinaPhone đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai xử lý sim nghi ngờ kích hoạt sẵn trên toàn hệ thống.

Theo đó, qua rà soát của hệ thống VNPT Vinaphone cho thấy các thuê bao của ông Lữ Việt Long có những dấu hiệu của việc nghi ngờ kích hoạt sẵn: Tiêu chí theo thực tế sử dụng (phát sinh dưới 3 ngày trong tháng, phát sinh cước tiêu dùng ở tất cả các tài khoản dưới 3.000 đồng...), cá nhân đăng ký sử dụng số lượng nhiều sim số lên đến 154 thuê bao nhập sẵn thông tin thuê bao với nhiều dấu hiệu bất thường trong quá trình sử dụng.

Do đó, việc VNPT Vinaphone thực hiện các bước để thu hồi 141 sim là phù hợp với tiêu chuẩn, chiến lược, theo đúng các văn bản, chủ trương chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cũng theo bản án sơ thẩm, bị đơn đã cung cấp rõ chứng cứ chi tiết thể hiện trước khi thu hồi 141 sim của nguyên đơn đã gửi tổng cộng 775 tin nhắn thông báo vào 141 sim yêu cầu ông Long phối hợp chuẩn hóa thông tin nếu không sẽ bị khóa một chiều và thu hồi sim.

Cạnh đó, bản chất hợp đồng hai bên ký là hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông, không phải là hợp đồng mua bán tài sản. Sim số không thuộc quyền sở hữu của khách hàng, khách hàng chỉ có quyền sử dụng và cam kết tuân thủ quyền sử dụng đó. Do đó, nghĩa vụ của khách hàng là phối hợp với Nhà mạng để đảm bảo sử dụng thuê bao đúng quy định pháp luật.

Từ đó, TAND quận 3 đã tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bac-khang-cao-vu-1-nguoi-dan-kien-nha-mang-doi-lai-141-sim-dien-thoai-bi-thu-hoi-post790595.html