Áp lực 'cuộc chiến chip', công ty bán dẫn hàng đầu rời Trung Quốc

King Yuan Electronics (KYEC), một trong 10 nhà thầu thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn thuê ngoài (OSAT) hàng đầu thế giới, cuối tuần qua cho biết họ sẽ bán cổ phần của mình trong công ty con King Long Technology (trụ sở tại thành phố Tô Châu) của Trung Quốc và rời khỏi thị trường Trung Quốc đại lục.

Tuyên bố của King Yuan cho biết: “Do tác động của địa chính trị đối với chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, chẳng hạn như những hạn chế của Mỹ đối với công nghệ bán dẫn của Trung Quốc, môi trường sinh thái sản xuất chất bán dẫn ở Trung Quốc đã thay đổi, cùng với sự cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt. Hội đồng quản trị đã đưa ra quyết định rút khỏi hoạt động kinh doanh sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc".

Không gian làm việc bên trong nhà máy của KYEC.

Đại diện của công ty cho biết bằng cách bán bớt tài sản ở Trung Quốc, KYEC sẽ có thể đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động tại Đài Loan như mua sắm các thiết bị cần thiết để kiểm tra và lắp ráp chip cho các ứng dụng cao cấp như trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán hiệu năng cao (HPC).

Động thái này thể hiện sự thay đổi đáng kể trong chiến lược đầu tư của King Yuan, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cái gọi là "cuộc chiến chip" giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bằng cách bán bớt cổ phần của mình trong King Long Technology, KYEC đang tìm cách giảm thiểu rủi ro phát sinh từ những căng thẳng này và tập trung hoạt động vào một môi trường ổn định và hỗ trợ hơn ở Đài Loan.

Hiện Trung Quốc đang xây dựng hàng chục nhà máy mới, ngành kinh doanh thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn được cho là sẽ phát triển mạnh ở nước này.

Tuy nhiên, những bất ổn do căng thẳng giữa Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ gây ra sẽ gây thêm rủi ro cho các công ty có trụ sở tại Đài Loan như KYEC, đó là lý do tại sao họ đang "tháo chạy" khỏi Trung Quốc đại lục, theo DigiTimes.

Căng thẳng cuộc chiến chip

Trung Quốc đang tích cực hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn trong nước bằng nguồn tài trợ khổng lồ lên tới hàng chục tỷ USD.

Trong một động thái làm leo thang căng thẳng trong cuộc chiến công nghệ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi cuối tháng 3 đã công bố các quy tắc mới nhằm hạn chế xuất khẩu chip và công cụ sản xuất chip AI sang Trung Quốc.

Gần như cùng lúc với việc Mỹ công bố bản cập nhật quy tắc xuất khẩu mới, trong cuộc gặp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố "không thế lực nào có thể ngăn chặn sự phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc".

Hà Lan là nơi đặt trụ sở của ASML - tập đoàn công nghệ lớn nhất châu Âu chuyên cung cấp các thiết bị sản xuất chip. ASML cũng là nơi duy nhất cung cấp máy khắc quang học tia cực tím (EUV) dùng cho các dòng chip tiên tiến.

Trước sức ép từ Mỹ và Chính phủ Hà Lan, ASML đã buộc phải tính toán lại việc xuất khẩu các thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, đặc biệt là EUV. Rõ ràng là Mỹ đã thành công trong việc ngăn chặn trước mắt việc xuất khẩu các công nghệ sản xuất chip AI sang Trung Quốc.

Bắc Kinh thời gian gần đây đã đưa ra các hướng dẫn nhằm loại bỏ dần các chip Intel và AMD của Mỹ khỏi máy tính cá nhân và máy chủ của chính phủ.

Intel và AMD dự kiến sẽ phải gánh chịu hậu quả trước bước đi mới nhất của Trung Quốc. Đất nước tỷ dân này vốn là thị trường lớn nhất của Intel vào năm ngoái và chiếm hơn 27% tổng doanh thu của Intel.

Bộ đôi này cung cấp hầu hết các chip được sử dụng trên toàn thế giới cho mạng di động. Giờ đây, họ sẽ không chỉ mất đi một số khách hàng lớn nhất mà còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất chip Trung Quốc.

Theo DigiTimes

Không gian làm việc bên trong nhà máy của KYEC.

Vy Ba

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ap-luc-cuoc-chien-chip-cong-ty-ban-dan-hang-dau-roi-trung-quoc-20180504224298142.htm