Ai 'ghìm cương' được giá vàng SJC?

Giá vàng tăng liên tiếp nhiều tháng qua bất chấp nỗ lực bán ra hàng nghìn miếng vàng của Ngân hàng Nhà nước. Hiện Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt nhằm chặn đà tăng mạnh của giá vàng, đặc biệt là vàng SJC.

Vàng như “con ngựa bất kham”

Theo nhiều chuyên gia, giá vàng trong nước trong nửa năm 2024 trở thành chủ đề nóng trong điều hành chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước. Dường như thị trường vàng “miễn nhiễm” trước rất nhiều chính sách và định hướng được đưa ra bởi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính trong thời gian qua.

Tính đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức đấu vàng miếng lần thứ 5 và chỉ có hai phiên thành công. Tổng khối lượng vàng trúng thầu kể từ đầu đợt mở thầu đến nay là 6.800 lượng vàng, trong tổng số 16.800 lượng vàng được rao bán.

Trong khi đó, tại các cửa hàng vàng, đại lý của Bảo Tín Minh Châu, DOJI hay PNJ, vàng SJC đều khan hiếm. Ngày 10/5 và ngày 11/5, hầu hết các cửa hàng vàng tại Hà Nội ngừng giao dịch chiều bán vàng SJC ra, thậm chí vàng nhẫn cũng “hết bay”.

Tại phòng giao dịch của DOJI trên phố Cầu Giấy, khách có tiền mua vàng ngày 10-11/5 chỉ được nhận vàng vào các ngày 20-25/5, tức là 10 ngày sau mới được cầm vàng, “sờ” vàng của mình.

Bà Trương Thúy Hà (Cầu Giấy) cho biết: Giá vàng tăng nóng trong nhiều ngày qua khiến bà sốt ruột. Trong hai ngày 9-10/5, bà đã cùng người thân trong gia đình săn mua vàng nhưng đều không mua được trực tiếp mà bắt buộc phải đặt mua trước, nhận hóa đơn và hẹn ngày lấy vàng đến ngày 20/5.

Vì sao vàng như con ngựa bất kham?

Trước việc giá vàng tăng nóng xô đổ mọi kỷ lục, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp có nhiều chỉ đạo xung quanh thị trường vàng, trong đó yêu cầu bình ổn thị trường vàng bằng các biện pháp khác nhau, như tăng nguồn cung, cho đấu thầu giá vàng và sửa đổi Nghị định 24/2012 về kinh doanh vàng…

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức đấu vàng miếng lần thứ 5 và chỉ có hai phiên thành công. Tổng khối lượng vàng trúng thầu kể từ đầu đợt mở thầu đến nay là 6.800 lượng vàng, trong tổng số 16.800 lượng vàng được rao bán (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, giá vàng SJC vẫn tăng rất mạnh từ mốc 82 triệu đồng trong tháng 3, tăng lên 85 rồi 92,4 triệu đồng/lượng (ngày 10/5) - mức cao nhất trong lịch sử giá vàng Việt Nam.

Trao đổi nhanh với PV, ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng cho hay: “Rõ ràng chúng ta thấy ảnh hưởng lớn từ việc đấu thầu vàng thất bại khiến thị trường vàng trong nước biến động cao như hiện nay. Thị trường vàng rất cần một chính sách căn cơ, đột phá, đúng và trúng vào bản chất của giá vàng”.

Theo ông Hùng, nguyên nhân tăng giá vàng SJC, vàng nhẫn tròn trơn trong nước thời gian qua đến từ nhiều yếu tố. Trước mắt đó là xu hướng găm giữ vàng do lo ngại lạm phát của người dân Việt Nam khi các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn (trong đó có tín dụng - lãi suất thấp), kênh huy động vốn (chứng khoán, trái phiếu) đang có nhiều bất ổn sau nhiều biến động xấu từ năm 2023…

Ngoài ra, giá vàng tăng mạnh do tác động từ tăng giá vàng quốc tế, những bất ổn từ thị trường tài sản quốc tế. Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng trong 18 tháng liên tiếp, ngoài ra nền kinh tế Mỹ cũng bất ổn với chính sách lãi suất của FED… Đó là những nguyên do khiến giá vàng thế giới thay đổi nhanh, biến động dữ dội.

“Nhưng, có một chi tiết chúng ta cần nhắc đến là giá vàng miếng trong nước hiện nay chênh lệch biên độ lớn so với giá vàng thế giới từ 20-25 triệu đồng/lượng. Đây là dữ liệu cho thấy bất ổn của thị trường và quản lý thị trường vàng trong nước”, ông Hùng nói.

Cũng trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế độc lập Bùi Trinh cho rằng: Giá vàng tăng quá cao tác động rất lớn đến thị trường và nền kinh tế. Thứ nhất là vàng tăng giá kéo theo nguy cơ lạm phát gia tăng và tâm lý bất ổn của người dân, đặc biệt là người nghèo.

“Hiện nay, vàng là kênh tài sản có giá trị thanh khoản rất lớn và nhanh. Nếu trường hợp, giá vàng cứ như con ngựa bất kham như vậy, giá hàng hóa khác sẽ tăng theo giá vàng, hệ lụy lớn đến nền kinh tế”, ông Trinh nói.

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính bày tỏ quan điểm: “Việc 5 lần đấu thầu, 3 lần thất bại, bị hủy bỏ cho thấy chính sách của Ngân hàng Nhà nước chưa đúng, trúng và cần thay đổi mạnh hơn.

“Phản ứng chính sách nửa vời, gây tác dụng ngược cho thị trường. Hiện nay, SJC do Ngân hàng Nhà nước quản, nhưng lại không kiểm soát được giá, nguồn cung ngoài thị trường khan hiếm, nhưng đấu thầu thất bại. Tại sao? Phải tìm ra nguyên nhân có động cơ trục lợi, thao túng giá vàng hay không?”.

Chuyên gia Thịnh cho rằng: Giải pháp cần có ngay lúc này là tìm ra gốc rễ tại sao giá vàng SJC do Nhà nước quản lý lại chênh lệch hàng chục triệu đồng với giá vàng miếng thế giới, trong khi đó vàng nhẫn chỉ chênh lệch vài triệu đồng? Rõ ràng việc độc quyền vàng SJC đã khiến nó trở nên “được giá” hơn so với các loại vàng khác.

“Việt Nam có thiếu vàng không? Tôi cho rằng nền sản xuất của chúng ta không thể tiêu thụ số lượng lớn vàng như hiện nay. Vàng tại Việt Nam đang là kênh cất giấu, trú ẩn của tài sản. Biện pháp bãi bỏ độc quyền, đưa SJC trở thành một trong những loại vàng bình thường, sẽ khiến cho mặt bằng giá của SJC trở lại. Còn nếu chúng ta tiếp tục nhập khẩu vàng, sẽ không thể giải cơn khát giá vàng, mà chỉ làm gia tăng bất ổn của thị trường”, vị chuyên gia này cho hay.

An Hạ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ai-ghim-cuong-duoc-gia-vang-sjc-post295206.html