Ai Cập: Phái đoàn Hamas và Israel không đạt thỏa thuận về lệnh ngừng bắn ở Gaza

Kênh truyền hình Al-Qahera News dẫn một nguồn tin cấp cao của Ai Cập cho biết các phái đoàn của Hamas và Israel đã rời Cairo ngày 9/5 sau 2 ngày đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza mà không đạt thỏa thuận nào, mặc dù phái đoàn an ninh Ai Cập đã nỗ lực hết sức để thu hẹp bất đồng về các vấn đề gây tranh cãi.

Khói bốc lên sau vụ oanh kích của Israel xuống TP Rafah, Dải Gaza, ngày 7/5. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Ezzat al-Rishq, một quan chức của Hamas, cho hay phái đoàn Hamas đã rời Cairo để trở lại thủ đô Doha của Qatar, đồng thời khẳng định phong trào này vẫn cam kết "chấp nhận đề xuất do các nhà hòa giải đưa ra".

Trong khi đó, một nguồn tin của Mỹ thân cận với các cuộc đàm phán nói với kênh truyền hình Al-Jazeera rằng Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã rời Cairo trở về Mỹ sau khi các cuộc đàm phán tại Cairo kết thúc.

Vòng đàm phán mới nhất ở Cairo đã được nối lại vào ngày 7/5, với sự tham gia đầy đủ của tất cả 5 phái đoàn, trong bối cảnh cuộc xung đột Gaza ngày càng leo thang nguy hiểm khi quân đội Israel tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào TP Rafah ở phía Nam Gaza. Ai Cập cùng với các nhà hòa giải quốc tế đang tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa hai bên.

Trong một diễn biến khác, tại cuộc gặp ở Cairo ngày 9/5, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Jordan Bisher Khasawneh phản đối cuộc tấn công quân sự của Israel vào TP Rafah, đồng thời cảnh báo về những hậu quả nhân đạo thảm khốc của hoạt động này.

Hai quan chức nhấn mạnh các hoạt động quân sự như vậy sẽ cắt đứt huyết mạch quan trọng của Gaza và phá hủy tuyến đường an toàn chủ chốt được sử dụng để vận chuyển viện trợ nhân đạo và sơ tán những người Palestine bị thương để điều trị y tế.

Tổng thống El-Sisi và Thủ tướng Khasawneh kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài, cũng như công nhận một Nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền dựa trên đường biên giới ngày 4/6/1967, với Đông Jerusalem là thủ đô. Tuyên bố của Phủ Tổng thống Ai Cập nêu rõ sự công nhận này "sẽ mang lại công lý và đạt được an ninh và ổn định trong khu vực, mở ra triển vọng phát triển cho tất cả các dân tộc trong khu vực".

Trong khi đó, lãnh đạo nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế ngày 9/5 tiếp tục nhấn mạnh ý nghĩa và sự cần thiết phải đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai những nỗ lực chung để đảm bảo sự thành công của tiến trình trung gian hiện nay nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và ngăn chặn nguy cơ xung đột lan rộng ra toàn khu vực.

Tổng thống El-Sisi và Tổng Thư ký Guterres cũng cảnh báo về những hậu quả thảm khốc xuất phát từ chiến dịch quân sự trên bộ mới nhất của Israel nhằm vào thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza, hành động đang gây cản trở nghiêm trọng đối với hoạt động sơ tán dân thường bị thương và công tác cứu trợ nhân đạo.

Bên cạnh đó, ông El-Sisi và ông Guterres còn nêu bật sự cần thiết phải đảm bảo quyền tự quyết của người dân Palestine thông qua hành động công nhận Nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định hành động này sẽ ngăn chặn xung đột lan rộng, cũng như thúc đẩy sự ổn định và cùng chung sống của người dân trong khu vực.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã điện đàm với Tổng Thư ký Guterres, trong đó kêu gọi các bên nỗ lực hơn nữa vì một lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt ở Dải Gaza.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran đánh giá cao các nỗ lực của Tổng Thư ký LHQ nhằm chấm dứt chiến dịch tấn công của Israel vào Gaza, kêu gọi gia tăng áp lực lên Tel Aviv để phản đối mọi động thái leo thang trong thời gian tới.

Về phần mình, Tổng Thư ký Guterres lên tiếng cảm ơn lập trường và những hành động của Iran nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực, cam kết sẽ tiếp tục gây sức ép với Tel Aviv và tham vấn Mỹ cũng như các quốc gia có ảnh hưởng khác nhằm chấm dứt ngay lập tức chiến sự, sớm mở lại cửa khẩu Rafah và những cửa khẩu quan trọng khác vào Gaza.

Cũng trong ngày 9/5, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) ngày 9/5 tuyên bố đã phải tạm thời đóng cửa trụ sở ở phía Đông Jerusalem do “những đối tượng cực đoan người Israel” phóng hỏa khu vực này sau nhiều tuần xảy ra các vụ tấn công liên tiếp.

Phát biểu trên mạng xã hội X, người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini xác nhận: “Tối nay, cư dân Israel đã phóng hỏa 2 lần xung quanh trụ sở UNRWA ở phía Đông Jerusalem… Các nhân viên LHQ đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng... Tôi đã quyết định đóng cửa khu phức hợp cho đến khi an ninh được khôi phục một cách chắc chắn”.

UNRWA đóng vai trò là hệ thống hỗ trợ quan trọng đối với người dân Palestine, đặc biệt là ở khu vực Gaza. Cơ quan này sắp xếp nơi tạm trú, phân phối thực phẩm, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân Gaza.

Nhà Trắng ngày 9/5 dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng chiến dịch quân sự quy mô lớn của Israel tại Rafah sẽ không thúc đẩy mục tiêu đánh bại phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Phát biểu trước báo giới, Điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nêu rõ: “Theo quan điểm của ông ấy (Biden), chiến dịch tấn công Rafah sẽ không thúc đẩy được mục tiêu đó”. Theo ông Kirby, Hamas đã bị Israel gây áp lực lớn và hiện có nhiều biện pháp tốt hơn để truy lùng tàn dư của giới lãnh đạo phong trào này, thay vì một chiến dịch có rủi ro cao đối với dân thường.

Tuy nhiên, quan chức Nhà Trắng cũng lưu ý: “Lập luận cho rằng bằng cách nào đó, chúng tôi đang rời xa Israel hoặc không sẵn lòng giúp họ đánh bại Hamas là không phù hợp với thực tế”.

Cũng trong ngày 9/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuyên bố chiến dịch quân sự lớn ở Rafah sẽ làm suy yếu vị thế của Israel trong những cuộc đàm phán giải thoát con tin với Hamas.

Ông Miller nhấn mạnh Washington tiếp tục phối hợp với Israel liên quan đến các nội dung sửa đổi đối với đề xuất ngừng bắn do Hamas đưa ra, đồng thời cho biết các bên đang từng bước hoàn thiện văn bản của một thỏa thuận, song quá trình này vấp phải “muôn vàn khó khăn”.

Trong một diễn biến khác, một quan chức cấp cao của Israel cùng ngày cho biết vòng đàm phán hiện nay ở Cairo (Ai Cập) về thỏa thuận trả tự do cho các con tin đã kết thúc mà không có giải pháp rõ ràng do những bất đồng. Theo quan chức trên, phái đoàn Israel đang trở về nước và Tel Aviv sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự ở Rafah cùng các khu vực khác ở Dải Gaza như kế hoạch đã định.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 9/5 đã phản bác tuyên bố của Tổng thống Biden về việc Mỹ tạm dừng cung cấp một số loại vũ khí cho Israel nếu tấn công Rafah, khẳng định nước này sẵn sàng hành động độc lập trong trường hợp cần thiết.

Thủ tướng Netanyahu nêu rõ: “Như tôi đã nói, nếu cần thiết, chúng tôi sẽ chiến đấu bằng tay không… Nhưng chúng tôi có nhiều hơn thế”, đồng thời khẳng định “chúng tôi sẽ cùng nhau chiến thắng”.

Cùng ngày, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) - Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari - khẳng định quân đội nước này có đủ vũ khí cần thiết cho những hoạt động ở Rafah và các chiến dịch khác theo kế hoạch.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng tuyên bố các lực lượng nước này sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động quân sự ở Dải Gaza, cho dù Mỹ để ngỏ khả năng dừng cung cấp đạn pháo và các vũ khí khác cho Israel. Trong thông điệp video trên mạng xã hội X, ông Netanyahu nhấn mạnh Israel sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tại Gaza cho dù sức ép như thế nào.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/316198/ai-cap--phai-doan-hamas-va-israel-khong-dat-thoa-thuan-ve-lenh-ngung-ban-o-gaza.html