60% khách đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông bỏ xe máy cá nhân

Đây là thông tin được TS Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) chia sẻ tại Hội thảo: 'Giải bài toán phát triển giao thông đô thị' diễn ra tại Hà Nội sáng nay 22/5.

Theo TS. Vũ Hồng Trường, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã vận hành được gần 3 năm và bước đầu được đánh giá là thành công.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ngày càng thu hút người dân bỏ xe cá nhân. Ảnh minh họa

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ngày càng thu hút người dân bỏ xe cá nhân. Ảnh minh họa

Cụ thể, ông Trường cho biết: Đến nay tuyến đã được đông đảo người dân ghi nhận là phương tiện đi lại nhanh chóng, an toàn, xanh, sạch, đẹp. Hiện tại, mỗi ngày có trên 35 ngàn hành khách sử dụng tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông là phương tiện đi lại trong đó 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% còn lại là đi lại với các mục đích khác.

Nếu như thời gian đầu hành khách đi lại trên tuyến chủ yếu là những người đi trải nghiệm thì hiện tại đã trở thành hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng với tỉ lệ bình quân trong ngày chiếm 70% đặc biệt khách đi lại bằng vé tháng trong giờ cao điểm chiếm trên 85%. Điều này thực sự đã góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên hành lang tuyến giờ cao điểm, từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Cùng đó, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen đi lại theo hướng chuyển dịch từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng đồng thời tạo dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, lịch sự.

"Nếu như trong giai đoạn đầu, người dân chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân để tiếp cận các nhà ga của tuyến thì hiện nay người dân đã chấp nhận đi bộ để tiếp cận các nhà ga (thậm chí trên 2 km) và sử dụng xe buýt cũng như các phương tiện công cộng khác để tiếp cận các nhà ga.

Cũng theo kết quả điều tra khảo sát, trên 60% hành khách có xe máy và 18% có ô tô con nhưng vẫn sử dụng ĐSĐT để đi lại với những chuyến đi trong vùng phục vụ của tuyến", ông Trường nói và biết thêm, di chuyển tàu điện còn giúp giảm thiểu TNGT do phương tiện vận tải công cộng nói chung, đặc biệt ĐSĐT là phương tiện thân thiện và an toàn. Việc thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ TNGT nhất là với các đô thị đang sử dụng xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu như ở Việt Nam hiện nay.

Cũng theo ông Trường trong giai đoạn đầu, vẫn còn những hành vi chưa đẹp trên các nhà ga và trên tàu như: Vứt rác bừa bãi, nói chuyện ồn ào, không nhường ghế cho người già, phụ nữ, trẻ em… thì đến nay chỉ còn lại những hình ảnh đẹp về sự chấp hành nội quy đi tàu, về sự thân thiện giữa nhân viên quản lý vận hành của Hà Nội Metro với hành khách.... Điều đáng mừng là văn hóa này đang từng bước lan tỏa sang các phương tiện công cộng khác ở Hà Nội như: BRT, xe buýt điện…

Hơn nữa, sau gần 3 năm vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội Metro đã từng bước xây dựng được đội ngũ những nhà quản lý, những người hoạch định chính sách, những người vận hành khai thác theo hướng chuyên nghiệp và đặc biệt là bước đầu hình thành một số lượng lớn người dân luôn ưu tiên lựa chọn phương tiện công cộng làm phương tiện đi lại yêu thích, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp. Đây cũng chính là lực lượng tuyên truyền viên thúc đẩy sử dụng vận tải công cộng và giao thông xanh trong phát triển bền vững.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/60-khach-di-tau-dien-cat-linh-ha-dong-bo-xe-may-ca-nhan-192240522093306181.htm