17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng, hơn nửa số này chưa được phát hiện

Theo Thống kê, nước ta hiện có khoảng 17 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp. Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có tới trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị.

Một số yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh lý khá phổ biến có thể gặp ở mọi đối tượng, nếu không được kiểm soát tốt bệnh có thể tiến triển gây biến chứng nguy hiểm. Các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp là:

Tuổi tác, nhất là ở người từ 45 tuổi trở lên.
Thừa cân béo phì
Sử dụng rượu bia, thuốc lá làm tăng huyết áp và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do tăng huyết áp.
Ăn nhiều muối, ít rau quả.
Ít hoạt động thể lực.
Căng thẳng tâm lý.
Mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, đái tháo đường, …
Nguy cơ tăng huyết áp gia tăng nếu trong gia đình đã có người bị tăng huyết áp.

Huyết áp được xác định dựa trên 2 chỉ số (huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương). Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Phần lớn tăng huyết áp ở người trưởng thành là không rõ nguyên nhân (tăng huyết áp nguyên phát), chỉ có khoảng 10% các trường hợp là có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát).

Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như "kẻ giết người thầm lặng", là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm trên 35% tổng số ca tử vong toàn quốc.

Tăng huyết áp nếu không được kiểm soát tốt bệnh có thể tiến triển gây biến chứng nguy hiểm

Tăng huyết áp nếu không được kiểm soát tốt bệnh có thể tiến triển gây biến chứng nguy hiểm

Thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát tốt huyết áp

Cần thay đổi lối sống khoa học

Hạn chế uống rượu, bia và các thức uống có cồn khác.

– Bỏ hút thuốc.

– Thường xuyên tập thể dục, ít nhất 30 phút mỗi ngày.

– Tập thư giãn và giảm tối đa stress.

– Ngủ đủ giấc, ngủ trưa khi cần thiết.

– Cố gắng duy trì cân nặng ở mức lý tưởng.

Chế độ dinh dưỡng

Cần ăn nhiều trái cây và rau củ. Hạn chế muối và chất béo.

– Kiểm tra nhãn thực phẩm khi đi mua sắm, hạn chế thức ăn nhanh và các món chiên xào.

– Lượng muối ăn hàng ngày nên hạn chế dưới 2,4 g (khoảng 1/2 muỗng cà phê). Thực hiện bằng cách không nêm mặn khi nấu, hạn chế chấm thêm nước mắm, muối, nước tương khi ăn…

– Nên ăn các chất béo chưa bão hòa có nhiều trong cá, các loại hạt, dầu ô liu, dầu hạt vải và quả bơ. Hạn chế ăn các chất béo đã bão hòa như thịt, sữa, lòng đỏ trứng, sữa nguyên kem, da động vật, phủ tạng động vật.

– Tránh ăn bánh ngọt có nhiều chất béo, bánh nướng và các sản phẩm đóng hộp khác.

Cần tuân thủ dùng thuốc điều trị tăng huyết áp

– Tăng huyết áp không thể khỏi hoàn toàn, cần điều trị lâu dài và có thể kéo dài đến suốt đời. Nên cần phải tuân thủ dùng thuốc mỗi ngày theo sự hướng dẫn của bác sĩ, ngay cả khi cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh.

– Không được tự ý đổi liều hay ngưng dùng thuốc, bởi việc ngưng đột ngột có thể gây tăng huyết áp đến mức nguy hiểm.

– Tập thói quen dùng thuốc vào thời gian cố định.

– Khi lỡ quên dùng một liều thuốc, không được dùng liều gấp đôi ở lần tiếp theo.

Thường xuyên tập thể dục, ít nhất 30 phút mỗi ngày

Thường xuyên tập thể dục, ít nhất 30 phút mỗi ngày

Theo dõi sức khỏe định kỳ

Huyết áp tăng cao có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, ngoài ra những vấn đề sức khỏe thường tiến triển âm thầm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vì vậy người bệnh cần chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ thường xuyên bằng cách thăm khám 3-6 tháng 1 lần hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ để được kiểm tra huyết áp và theo dõi tình hình sức khỏe.

Quy trình đo huyết áp đúng

- Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 – 10 phút trước khi đo huyết áp.

- Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ. Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.

- Tư thế đo chuẩn:

Người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu tay ngang mức với tim, chân chạm sàn, không bắt chéo chân (Ngoài ra, có thể đo ở các tư thế nằm, đứng). Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.

Quấn băng quấn đủ chặt trên cánh tay, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm. Đặt máy ở vị trí để đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.

Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạnh cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2-3mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập.

Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.

Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.

Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ.

Người bị bệnh tăng huyết áp bên cạnh áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài tại cơ sở y tế và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngày Thế giới phòng chống tăng huyết áp năm 2024 với chủ đề "Hãy đo đúng và kiểm soát tốt huyết áp để sống khỏe, sống lâu", tập trung vào vấn đề giảm ăn muối, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia và tăng cường hoạt động thể lực.

Cách tốt nhất để bảo vệ bạn trước bệnh tăng huyết áp nói riêng cũng như các bệnh lý khác đó là khám sức khỏe định kỳ. Bởi đa số người bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng và không biết bản thân mình đang mắc bệnh. Vì thế, đi khám sức khỏe định kỳ và đo chỉ số huyết áp thường xuyên sẽ giúp bạn phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Đặc biệt, đối tượng người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) nên đi thăm khám sức khỏe thường xuyên từ 1 - 2 lần/ năm. Vì đây là nhóm đối tượng dễ bị tăng huyết áp và có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao nhất, cần được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

BS Nguyễn Tuấn Khánh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/17-trieu-nguoi-mac-tang-huyet-ap-o-cong-dong-hon-70-so-nay-chua-duoc-dieu-tri-169240517155907404.htm