Phật giáo thời Lý - Trần với tinh thần phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân

Đạo Phật thời Lý - Trần với tinh thần phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân đã sinh ra những thiền sư luôn hướng về cuộc sống, hòa nhập với cuộc đời. Điều này cắt nghĩa tại sao ở nước ta thời nào cũng có những vị thiền sư tận tụy hy sinh cho đất nước, cho dân tộc và nhiều ngôi chùa lại thờ các vị anh hùng cứu nước, anh hùng văn hóa. Vì thế, Phật giáo thời Lý - Trần là một Đạo Phật mang tính dung hợp và nhập thế cao, đáp ứng được yêu cầu của thời đại.

Khái quát về hai triều đại Lý - Trần

Triều đại nhà Lý tồn tại 216 năm (1009 - 1225) trải qua 9 đời vua, là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến ở Việt Nam. Triều Lý để lại nhiều dấu ấn lịch sử sâu sắc trên các lĩnh vực khác nhau, như: kinh tế, chính trị, văn hóa… Dấu ấn quan trọng nhất trên lĩnh vực chính trị của thời Lý là sự kiện lịch sử năm 1010, sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã cho dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình ra Thăng Long, Hà Nội. Thăng Long từ đó trở thành thủ đô văn hiến ngàn đời sau của dân tộc Việt Nam.

Trên lĩnh vực văn hóa, triều Lý đã lấy đạo Phật làm quốc giáo. Sự hưng thịnh của đạo Phật thời Lý biểu hiện rõ nhất ở tổ chức tăng đoàn. Với số lượng tín đồ đông đảo, hầu như trên cả nước từ vua, quan đến dân đều theo đạo Phật. Dưới thời Lý, các nhà sư được ban hiệu Quốc sư như: Vạn Hạnh, Thông Biện, Viên Chiếu, Viên Thông, Không Lộ. Vai trò chủ yếu của các Quốc sư thời Lý là những cố vấn đắc lực giúp vua hiểu biết về giáo lý đạo Phật và vận dụng trong quốc sách, ngoài ra khi cần, các Quốc sư còn cố vấn cho vua những vấn đề về chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa...

Triều đại nhà Trần tồn tại 174 năm (1226 - 1400) với 12 đời vua. Trong 10 triều đại phong kiến Việt Nam thì thời nhà Trần là triều đại hùng mạnh nhất của lực lượng quân đội với nhiều chiến công hiển hách. Về tôn giáo, triều đại nhà Trần cũng phát triển rực rỡ với việc dung hợp các tư tưởng tôn giáo đương thời để hình thành Phật giáo Trúc Lâm - Phật giáo Nhất tông - Phật giáo Đại Việt.

Các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam đều thống nhất rằng, dòng Phật giáo Trúc Lâm là một bước phát triển mạnh mẽ của tư tưởng Phật giáo Việt Nam, đã có nhiều đóng góp lớn cho văn hóa dân tộc, là một dòng thiền độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc. Những giá trị của Phật giáo Trúc Lâm vẫn ảnh hưởng sâu sắc và cố kết sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ngày nay.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, việc nhà Trần lên thay nhà Lý vào đầu thế kỷ XIII là quy luật tất yếu khách quan, cần thiết và kịp thời cho sự phục hưng nước Đại Việt bị suy yếu nghiêm trọng cuối thời nhà Lý. Nếu không có sự xuất hiện của nhà Trần, nước Đại Việt sẽ khó tồn tại trong bối cảnh cát cứ (Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng) bên trong và họa giặc Mông - Nguyên bên ngoài như các nước Đại Lý, Nam Tống láng giềng. Nguyên nhân cơ bản nhất cho những thành công của nhà Trần là chính sách đoàn kết nội bộ của những nhà lãnh đạo.

Phật giáo thời Lý - Trần với tinh thần phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cốt lõi của tinh thần phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân chính là tinh thần sống đạo, tinh thần nhập thế, “hòa quang đồng trần”, “đạo đời hòa hợp”. Tinh thần đó được biểu hiện sinh động trong đời sống Đạo, bao giờ cũng đặt sự tồn vong, sự phát triển của Phật giáo trong sự tồn vong và phát triển chung của đất nước. Điều đó có nghĩa đời sống Đạo của người con Phật luôn song hành với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Lịch sử dân tộc Việt Nam trải hàng nghìn năm đấu tranh vì độc lập, vì tự do cho đồng bào và cho Tổ quốc trên tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Phật giáo với tinh thần “cởi áo cà sa khoác chiến bào” thời nào cũng gắn bó máu thịt cùng dân tộc để bảo vệ sự tồn vong của đất nước. Những khi nước nhà giành được độc lập, ý thức tự chủ của dân tộc càng được phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo của các vị minh quân là những Phật tử thuần thành thì Phật giáo càng có điều kiện phát triển và ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng nhân dân, dùng giáo lý đạo Phật để xây dựng nền tảng đạo đức xã hội; các thành phần trong xã hội đều hướng tới xây dựng một đời sống thiện lành, đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Và như thế, các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đã chủ trương xây dựng Đại Việt thành Phật quốc ngay giữa cõi đời. Do đó, Phật giáo và dân tộc Việt đã làm nên hào khí Đông A ngút trời của một thời Lý - Trần.

Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần được kế thừa và phát triển trên cơ sở của các nguồn Phật giáo du nhập vào Việt Nam thời đó:

Một là, Phật giáo Đại thừa với khuynh hướng Thiền học từ Nam Ấn trực tiếp truyền sang bằng đường biển vào khoảng cuối thế kỷ I trước Công nguyên, cũng có thể là vào những năm đầu sau Công nguyên với kinh văn hệ Bát nhã.

Hai là, Thiền tông Ấn Độ truyền sang Trung Quốc rồi đến Việt Nam bởi vai trò của ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi vào thế kỷ VI với tư tưởng vô trụ, siêu việt hữu - vô.

Ba là, Thiền tông Trung Quốc truyền vào Việt Nam bởi vai trò của ngài Vô Ngôn Thông vào năm 820 với tư tưởng trực nhận và trực giác cùng pháp môn Đốn ngộ và tư tưởng Phật tại tâm. Bốn là, dòng thiền Thảo Đường thế kỷ thứ XI với chủ trương thiền, tịnh song tu.

Phật giáo thời Lý - Trần dung hợp cả Phật - Đạo - Nho và tinh thần bất khuất, tự lập, tự cường của dân tộc Việt Nam. Thời Lý - Trần, mặc dù chưa có sắc chỉ công nhận Phật giáo là quốc giáo, nhưng trong tâm thức người Việt và các nghiên cứu lịch sử sau này đều thừa nhận thời Lý - Trần Phật giáo đã trở thành quốc giáo.

Với bản chất giáo lý thâm huyền và cách thức truyền bá giáo lý dung thông, vô ngại, Phật giáo chủ trương hòa đồng với các tôn giáo khác trong xã hội để kiến tạo một xã hội phát triển, hài hòa, bình đẳng, an lạc, giải thoát. Do đó có thể nói giữa Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo có mối quan hệ đồng quy, cộng hưởng.

Với tư tưởng bình đẳng và tầm nhìn chiến lược, các nhà lãnh đạo đất nước thời Lý - Trần chủ trương xây dựng một nền văn hóa có sự dung hòa, cân bằng, phù hợp giữa ba tôn giáo lớn trong xã hội bấy giờ là Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và văn hóa truyền thống của người Việt. Điều này thể hiện ở các chính sách của triều đình Lý - Trần như: vừa cho dựng chùa, lập các đạo cung, đạo quán, xây đền miếu; vừa đặt giai phẩm cho tăng đạo, sắc phong cho các vị Nho thần; cho dựng văn miếu và Quốc Tử Giám mở khoa thi Nho học nhưng đồng thời mở cả khoa thi Tam giáo dành cho quan lại chuyên trách việc tôn giáo, tế lễ hoặc những người đứng đầu các đền miếu, chùa chiền.

Phật giáo Lý - Trần, là sự kết tinh những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc, dung hợp cả tịnh độ tông, mật tông, tín ngưỡng dân gian của người Việt và thần thuật của Đạo Lão nên mới có câu chuyện thiền sư Vạn Hạnh tiên đoán việc xã tắc; thiền sư Minh Không dùng pháp thuật để chữa bệnh trừ tà, giáng long phục hổ, bay trên không, đi dưới nước; thiền sư Từ Đạo Hạnh đầu thai để trả thù cho cha…

Phật giáo thời Lý - Trần đã uyển chuyển, dung hợp, khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ để phù hợp với thực tiễn của đất nước và mang tính đại chúng sâu rộng. Riêng quan điểm tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm - một Phật giáo nhất tông đã tác động nhiều đến xã hội, giúp con người rèn luyện luân lý đạo đức hơn là tôn giáo, góp phần duy trì bình ổn xã hội Đại Việt, góp phần tạo nên chiến công oanh liệt với ba lần đại thắng Nguyên Mông.

Nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn đã từng nhận xét, triều đại nhà Lý vững chắc và thịnh vượng ngự trị trên 200 năm thực thi nhờ tinh thần Phật giáo. Như vậy, Phật giáo đời Lý đã hun đúc nên những ông vua Phật tử thuần thành làm cầu nối cho Phật giáo đời Trần đạt đến đỉnh cao trong lịch sử để khẳng định quyền tự chủ, tự cường của một đất nước hào hùng, bất khuất.

Các vị vua thời Lý - Trần đã dùng chính sách trị dân có tính khoan hồng, kết hợp giữa pháp trị với đức trị. Như chúng ta thấy, sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, là một Phật tử thuần thành, ông liền ra lệnh hủy bỏ hết mọi hình cụ trong ngục và cho xây dựng nhiều chùa mới trong nước. Lý Thái Tông khi đem quân dẹp loạn Chiêm Thành, Ngài thấy cảnh loạn binh, xác chết thành núi, máu chảy thành sông, động lòng mà hạ lệnh rằng “Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha”1.

Lý Thánh Tông, vị vua thứ 3 nhà Lý, nổi tiếng là một ông vua nhân từ. Một hôm thiết triều, ông chỉ vào công chúa Động Thiên đứng cạnh mà bảo các quan rằng: “Lòng trẫm yêu dân như yêu con trẫm vậy. Hiềm vì trăm họ làm càn cho nên phải tội, trẫm lấy làm thương lắm, vậy từ nay về sau tội gì cũng giảm bớt đi…”. Sang thời Trần, Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn thể hiện rõ tinh thần gần gũi, gắn bó với Nhân dân. Hiếm thấy một ông vua nào như Ngài đã từng bỏ ngựa, bỏ kiệu, đi bộ đến “khắp nơi thôn xóm khuyến hóa dân chúng từ bỏ những dâm từ, đồng thời dạy họ tu hành Thập thiện”2. Ngài giàu lòng nhân ái, độ lượng, bao dung, cảm thông nỗi khổ của Nhân dân, tôn trọng Nhân dân, thấy rõ vai trò trọng yếu của Nhân dân đối với quốc gia, xã tắc.

Hàng ngày, lúc đi lại trong thành, gặp dân, Ngài thường chào dân trước, quan theo hầu thắc mắc, Ngài bảo: “Ngày thường thì có thị vệ hai bên, đến khi nước nhà hoạn nạn thì chỉ có bọn ấy đi theo thôi”3. Đối với người có công, kẻ có tội, vua Trần Nhân Tông thưởng, phạt nghiêm minh theo phép nước. Khi cấp dưới mắc trọng tội, tuy vẫn xử tội theo quốc pháp, nhưng với những quan, tướng có tài (Trần Khánh Dư, Phí Mạnh...), Ngài độ lượng dung thứ, cho họ cơ hội để sửa sai và để họ lấy công chuộc tội. Với những kẻ thuộc tôn thất nhà Trần như Trần Ích Tắc, Trần Kiện... hèn nhát đầu hàng, làm tay sai cho giặc, Ngài cho đổi từ họ Trần thành họ Mai, gọi bọn họ là “ả” vì cho họ là nhát như đàn bà (Ả Trần, Mai Kiện...).

Đối với đám hạ quan trong triều nhất thời sợ giặc chưa kịp gửi văn thư xin đầu hàng thì giặc rút về nước, khi đất nước hòa bình, Ngài sai người đốt hủy hết số văn thư đó và bảo rằng: “Thế giặc lớn như thế đến ta còn hoang mang, huống chi người khác”. Ngài không truy cứu mà độ lượng bao dung, cho họ yên tâm được sống để có cơ hội chuộc tôị4. Vua Trần Nhân Tông đã vượt qua luật lệ nhà Trần vốn chỉ cất nhắc đề bạt bổ nhiệm những người trong huyết thống dòng tộc vào chức vụ quan trọng của triều đình. Với Ngài, ai là người có tài có đức, bất kể xuất thân ở thành phần xã hội nào nếu có lòng phò vua giúp nước thì đều được Ngài xem xét cất nhắc bổ dụng, không cần phải thuộc dòng dõi tôn thất (như: Lý Đạo Tái, Nguyễn Khoái, Lê Tòng Giáo, Đinh Củng Viên...), không cần phải thi cử đỗ đạt, mặc dù tuổi còn trẻ (như: Đỗ Khắc Chung, Đoàn Nhữ Hài...) hoặc là người dân tộc thiểu số (như: Lương Uất, Hà Tất Năng...), thể hiện tâm lượng bao dung rộng lớn của nhà Phật, không vì tình cảm cá nhân riêng tư hay vì lợi ích của dòng tộc họ Trần mà cất nhắc, sử dụng người không có thực tài.

Ngài sống giản dị, không ham quyền chức. Ngay từ khi 16 tuổi, Ngài đã không màng chức vị và có ý nhường vị trí Hoàng Thái tử cho em, nhưng vì vua cha, Ngài đành phải nhận lãnh ngôi vị Hoàng Thái tử. Đang làm vua, ở tuổi 35, Ngài lìa bỏ cung vàng điện ngọc, mặc áo thô, đi hài cỏ, lên rừng thẳm non cao Yên Tử tu khổ hạnh. Trước khi qua đời, Ngài không muốn tổ chức lễ tang cho mình thật linh đình. Ngài chỉ báo cho người trong sơn môn để họ làm lễ hỏa thiêu tại Ngọa Vân (Yên Tử) và chỉ báo về triều đình khi đã hỏa thiêu xong.

Chính sự hội tụ bằng chất liệu từ bi và trí tuệ trong giáo lý đạo Phật, cùng triết lý sống hướng thiện, “thương người như thể thương thân”, yêu quê hương đất nước của người dân Việt mà 54 dân tộc anh em đã chung sống thanh bình trong một đại gia đình Việt Nam có truyền thống văn hóa lịch sử nghìn năm văn hiến. Đây cũng xem như một đặc trưng của Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, suy cho cùng, chính sự hiện thực hóa của tinh thần phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân đã được Phật giáo đồ Việt Nam một lòng vận dụng trong tiến trình tham gia đóng góp cho sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam phát triển giàu mạnh hướng tới hùng cường.

Lịch sử dân tộc đã chứng minh, khi nào Phật giáo hưng thịnh thì đất nước hùng cường. Trong tâm thức người Việt, thời Lý, thời Trần Phật giáo là quốc giáo, là nền tảng văn hóa, đạo đức, tinh thần của dân tộc, đó là chất liệu để cố kết và xây dựng nước Đại Việt hào hùng, bất khuất. Mỗi hành giả Phật giáo Việt Nam hướng tâm hành trì tu tập đến đâu sẽ trải nghiệm không gian tâm linh đến đó, an trú trong Giáo pháp và pháp luật, an trú trong thiền định để bừng sáng trí huệ, đây cũng chính là cảnh giới thập phương chư Phật mà các hành giả Phật giáo hướng đến.

Nhận thức quy luật vận hành của thế giới, chúng ta nhận thức được sinh diệt biến đổi của vạn pháp, trong hữu có vô; vô và hữu không khác gì bóng trăng dưới đáy nước, từ đó không còn giữ tâm niệm phân biệt thì khoảng cách giữa ta và người; giữa chúng sinh và Phật không còn xa. Hiểu được vạn vật đồng nhất thể, “Lý bất phân thù, vật vô vô đối” con người sẽ biết sống yêu thương và trách nhiệm; hiểu được sinh tử và Niết bàn là một, phiền não cũng chính là bồ đề sẽ tạo ra sức mạnh, nội lực để góp phần kiến tạo một xã hội văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Nhìn nhận về chân giá trị của Phật giáo Lý - Trần, chính là việc hành giả Phật giáo hiện hữu ngay trong đời sống thực tại, “sống là tu”, “tu là sống”, không hẳn phải lên non cao hay vào rừng thẳm; không hẳn phải xa đời, lánh thế mà cốt tủy của một vị hành giả Phật giáo là trực nhận được bản tâm vốn có xưa nay của mình và lấy đó làm nền tảng tu học; lấy chính tập nghiệp của mình làm phương tiện tiến tu, giác ngộ, độ sinh.

Với tinh thần này, người hành giả Phật giáo sẽ hóa hiện mình trong từng hơi thở cuộc sống; cân bằng giữa thân và tâm; không dừng lại ở giải thoát cá nhân mà hòa hợp trong mối tương giao giữa cái chung với cái riêng, giữa cá nhân với tập thể; giữa hương vị giải thoát của bản thân và hạnh phúc của nhân sinh. Người hành giả Phật giáo bước đi trên con đường cao rộng, đó chính là dấn thân để kiến tạo một đời sống hạnh phúc, sáng tươi, hòa nhập với xã hội và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Chú thích:

1. Đại Việt sử ký toàn thư (tái bản 2011), Nxb. Thời đại, Hà Nội, tr. 198.

2. Thánh Đăng Lục Giảng Giải, Nxb. Tổng hợp, 1999, tr. 103.

3. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 321.

4. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 318.

VŨ ĐĂNG MINH - Trưởng Ban Tôn giáo,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/phat-giao-thoi-ly-tran-voi-tinh-than-phung-dao-yeu-nuoc-ho-quoc-an-dan-57047.html