Người có tiền mua bất động sản 'để đấy', người có nhu cầu thực khó tiếp cận

Lãng phí trong triển khai các dự án đầu tư bất động sản được đề cập trong báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023

Chiều 15-5, tiếp tục phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, tuy đạt nhiều kết quả tích cực song công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lo ngại trước tình trạng tiền "chôn" trong bất động sản. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lo ngại trước tình trạng tiền "chôn" trong bất động sản. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật cũng như việc thực thi thiếu nhất quán của một số địa phương khiến cho việc triển khai các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn, ách tắc, lãng phí, nhiều dự án phải dừng thi công do vướng thủ tục pháp lý, doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, còn nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước. Tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án do chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường...

Cơ quan thẩm tra cho biết hiện cả nước hiện còn 404/908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích là 18.308/28.155 ha chưa được xử lý.

Theo ông Lê Quang Mạnh, còn tồn tại lãng phí trong triển khai các dự án đầu tư bất động sản. Về nguyên nhân, cơ quan thẩm tra cho biết có vướng mắc về pháp lý triển khai dự án trong đó có quy định về phương pháp định giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ chế phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất.

Cùng với đó, doanh nghiệp khó khăn trong việc huy động vốn dẫn đến nhiều dự án phải giãn tiến độ, dừng triển khai; khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023.

Cho ý kiến về nội dung này tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh còn nhiều công trình bị chậm tiến độ. Trong đó, việc thu hồi đất, bàn giao mặt bằng không đáp ứng yêu cầu dẫn đến chậm tiến độ chung của cả dự án. Bên cạnh đó, một số dự án quan trọng của quốc gia đang chậm tiến độ do thiếu vật liệu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng đầu cơ bất động sản. Theo ông, người có tiền mua bất động sản để đấy, trong khi người có nhu cầu thực thì không tiếp cận, không mua được.

Điều khiến ông Vũ Hồng Thanh lo ngại là tiền đổ vào bất động sản, không đưa vào lao động, sản xuất. Đây cũng là vấn đề đã được nêu tại phiên làm việc cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội trước đó. Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ phải có giải pháp xử lý, không thì nguồn lực xã hội, của đất nước bị chôn vào thị trường bất động sản.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguoi-co-tien-mua-bat-dong-san-de-day-nguoi-co-nhu-cau-thuc-kho-tiep-can-196240515164641429.htm