Mở ra cơ hội việc làm mới cho người dân

Việc triển khai các dự án tại Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân huyện Vạn Ninh, nhất là lao động làm nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Do vậy, ngày 19-3, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định triển khai Đề án hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất thực hiện các dự án trên địa bàn huyện nhằm chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm ổn định cho người dân.

8 mô hình đào tạo, giải quyết việc làm

Triển khai Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 298, ngày 27-3-2023, khu vực Bắc Vân Phong (thuộc huyện Vạn Ninh) sẽ có nhiều dự án được thực hiện theo định hướng quy hoạch như: Khu du lịch cao cấp tại đảo Hòn Lớn và bán đảo Hòn Gốm; cảng trung chuyển, cảng du lịch quốc tế; các công trình dịch vụ hậu cần cảng, công nghiệp, khu đô thị du lịch và đô thị đan xen… Khi triển khai các dự án phải di dời toàn bộ người dân, ảnh hưởng lớn đến đời sống, hoạt động sản xuất, nhất là lao động, ngư dân trên địa bàn huyện có nguồn sống chủ yếu dựa vào hoạt động nuôi trồng thủy sản ao đìa, lồng bè và khai thác ven bờ...

Lao động trên các lồng bè nuôi tôm tại huyện Vạn Ninh.

Lao động trên các lồng bè nuôi tôm tại huyện Vạn Ninh.

Qua khảo sát của các ngành chức năng, việc triển khai các dự án của các nhà đầu tư chiến lược tại huyện Vạn Ninh sẽ có 72.438 người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng. Đồng thời, số lượng lao động trong ngành thủy sản hiện nay mới chỉ có 84 người có trình độ đại học, cao đẳng; 64 người trình độ trung cấp; 119 người trình độ sơ cấp; 718 người có chứng chỉ nghề dưới 3 tháng. Trong khi đó, dự báo quy mô lao động phục vụ cho mục tiêu phát triển các ngành kinh tế tại KKT Vân Phong trong thời gian tới cần một lượng lớn lao động đáp ứng cả về chất và lượng. Cùng với đó, cơ cấu lao động sẽ chuyển dịch mạnh từ nông - lâm - ngư nghiệp sang khu vực dịch vụ, du lịch, thương mại và công nghiệp. Chính vì vậy, việc triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân nơi đây rất cần thiết, nhằm chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao chất lượng lao động, thu nhập cho người dân theo hướng ổn định, bền vững.

Người dân xã Vạn Thọ thu hoạch ốc hương nuôi trong các ao đìa.

Người dân xã Vạn Thọ thu hoạch ốc hương nuôi trong các ao đìa.

UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai chính sách hỗ trợ theo 8 mô hình. Trong đó, chú trọng mô hình hỗ trợ đào tạo nghề dành cho lao động từ 16 đến 25 tuổi, tham gia học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng ở các ngành nghề thuộc lĩnh vực: Thương mại - dịch vụ và du lịch - nhà hàng - khách sạn, chế biến, cơ khí, dệt may, điện - điện tử, điện lạnh dân dụng. Đối với lao động từ 26 đến 35 tuổi, thực hiện mô hình đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng ở các ngành nghề phi nông nghiệp. Với lao động ngư nghiệp, thực hiện mô hình sinh kế khai thác trên biển thông qua hỗ trợ đào tạo chuyển đổi từ đánh bắt ven bờ sang đánh bắt xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá. Lao động từ 35 đến 60 tuổi được hỗ trợ mô hình sinh kế học nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng ở các nghề: Dịch vụ, nghiệp vụ bảo vệ, chăm sóc cây cảnh, nhà hàng - khách sạn, nông nghiệp công nghệ cao. Với những lao động từ 50 tuổi trở lên, tùy theo địa bàn định cư, sẽ triển khai mô hình sinh kế đào tạo, chuyển đổi ngành nghề dựa vào phát triển các nghề truyền thống, buôn bán, dịch vụ nhỏ lẻ. Cùng với đó, triển khai mô hình hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu áp dụng cho lao động từ 18 đến 35 tuổi. Đặc biệt, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật sẽ được hỗ trợ học nghề và các nhà đầu tư dự án ưu tiên tạo việc làm tại chỗ. Người dân còn được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để tự tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hay đi làm việc ở nước ngoài...

Mong được chuyển đổi nghề

Kết quả khảo sát của các ngành chức năng cho thấy, đa số người dân nằm trong khu vực các dự án đều mong muốn được hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm ổn định lâu dài, nhất là trong các lĩnh vực: Nhà hàng, khách sạn, điện - điện tử, điện lạnh dân dụng, hàn, cơ khí, dịch vụ, du lịch, công nghiệp. Ông Lê Văn Khánh (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) cho biết, gia đình ông có 5 nhân khẩu, đều trông nhờ vào nghề nuôi tôm hùm. Những năm qua, việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, thiên tai. Nhiều lần ông tính chuyển đổi nghề nhưng không có bằng cấp, chứng chỉ. Hiện ông cũng đã nắm thông tin Nhà nước, tỉnh sẽ thu hồi đất khu vực này để triển khai các dự án phát triển KKT Vân Phong; đồng thời sẽ có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp mới cho người dân bị ảnh hưởng. Ông rất mừng và mong tỉnh sớm triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề phù hợp và tạo việc làm mới với thu nhập ổn định.

Lồng bè nuôi tôm, cá của người dân trên khu vực biển huyện Vạn Ninh.

Lồng bè nuôi tôm, cá của người dân trên khu vực biển huyện Vạn Ninh.

Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, việc triển khai các dự án tại KKT Vân Phong sẽ mở ra một tương lai, diện mạo mới cho địa phương. Đồng thời, chính khu vực này sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm bền vững, ổn định với mức thu nhập cao cho người dân địa phương. Do vậy, trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân; tích cực phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhất là chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp.

Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, dự kiến UBND tỉnh sẽ dành hơn 359 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm cho các nhóm đối tượng lao động tại huyện Vạn Ninh bị ảnh hưởng bởi các dự án. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đang hướng dẫn các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai đề án nhằm đem lại kết quả cao nhất. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho người dân; tổ chức đào tạo nghề phù hợp cho người dân theo định hướng của tỉnh đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, sở sẽ sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đặc thù trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định rõ việc hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí để đảm bảo duy trì cuộc sống trong quá trình người lao động tham gia đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp.

PHÚ AN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202405/mo-ra-co-hoi-viec-lam-moicho-nguoi-dan-8c91cfc/