Làng giữ rừng...

(Báo Quảng Ngãi)- Từ chân cầu treo bắc qua suối Trà Bói, xã Trà Giang (Trà Bồng), chúng tôi đi bộ ngược lên phía thượng nguồn chừng 4km đường rừng gần 2 giờ đồng hồ, thì đến một thung lũng nằm lọt thỏm giữa rừng phòng hộ. Nơi đây có 14 nóc nhà với hơn 60 nhân khẩu sống chan hòa với núi rừng, thiên nhiên trong lành.

Tổ 4, thôn 2, xã Trà Giang (hay còn gọi là nóc Ông Đến) như một thung lũng nằm biệt lập giữa rừng xanh. Muốn đến được nóc Ông Đến, chúng tôi phải đi qua 2 chiếc cầu treo bắc qua suối Trà Bói, vượt đường rừng với toàn dốc dựng đứng. Quá trình di chuyển, tay chúng tôi phải nương vào những thân cây 2 bên bìa rừng, còn chân bám vào các mỏm đá nhích từng bước một.

Muốn đến được tổ 4, thôn 2, xã Trà Giang (Trà Bồng), người đi phải vượt qua khoảng 4km đường rừng với dốc đá dựng đứng.

Muốn đến được tổ 4, thôn 2, xã Trà Giang (Trà Bồng), người đi phải vượt qua khoảng 4km đường rừng với dốc đá dựng đứng.

Trong rừng có rất nhiều loại cây có giá trị như sến, bầu gió, chò, lim... Ngoài màu xanh, trong rừng còn nhiều loại cây lá màu đỏ hoặc đọt lá màu tím, như tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm sinh động. Sau 5 lần nghỉ lấy sức và vượt qua dốc Dương, rồi tiếp tục băng qua đoạn đường rừng gập ghềnh với nhiều chiếc cầu ngắn ghép bằng 2 miếng ván, chúng tôi cũng chạm chân đến thung lũng giữa rừng phòng hộ.

Muốn đến được nóc Ông Đến, người đi phải vượt qua hai chiếc cầu treo và khoảng 4km đường rừng.

Muốn đến được nóc Ông Đến, người đi phải vượt qua hai chiếc cầu treo và khoảng 4km đường rừng.

Già làng Hồ Xuân Đến trao đổi với lực lượng kiểm lâm huyện Trà Bồng về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng.

Già làng Hồ Xuân Đến trao đổi với lực lượng kiểm lâm huyện Trà Bồng về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng.

Băng qua khỏi đường rừng, cánh đồng lúa đang vào mùa gặt hiện ra. Chiếc máy gặt lúa cầm tay được người dân quơ qua, quơ lại thoăn thoắt. Trên những đám ruộng vừa gặt xong, đàn trâu, bò đang nhởn nhơ gặm cỏ. Bên cạnh cánh đồng là con suối nhỏ nước trong vắt, mát lạnh. Đây cũng là nguồn nước tưới mát cho cánh đồng quanh năm, đem lại mùa màng tươi tốt. Xa xa là những mái nhà lợp ngói và cỏ tranh thấp thoáng. Người dân ở đây chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là đã đến rừng phòng hộ. Cạnh cổng làng là cây quế cổ thụ được dân làng gìn giữ để bảo tồn nguồn giống quế bản địa. Khung cảnh ở thung lũng giữa rừng thật đẹp và bình yên.

Ngoài trồng lúa nước, người dân ở nóc Ông Đến còn phát triển chăn nuôi trâu, bò.

Ngoài trồng lúa nước, người dân ở nóc Ông Đến còn phát triển chăn nuôi trâu, bò.

Ngoài canh tác lúa nước, phát triển chăn nuôi trâu, bò, người dân ở nóc Ông Đến còn chịu khó vào rừng để khai thác các sản vật dưới tán rừng như rau ranh, măng rừng, mật ong, mây, các loại dược liệu quý và xuống suối bắt ốc đá, cá niên. Cũng nhờ những sản vật từ rừng mà dân làng mới có tiền trang trải cuộc sống và cho con cái ăn học. Bởi vậy, đối với họ rừng giống như báu vật. Người dân giữ gìn rừng như giữ gìn chính ngôi nhà của họ.

Từ bao đời nay, người dân ở nóc Ông Đến luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Hôm chúng tôi đến, người dân đang tập trung tại cánh đồng nơi đầu làng để gặt lúa giúp nhà anh Hồ Văn Thắng. Người đảm nhận khiêng máy tuốt lúa ra ruộng, người phụ trách cắt lúa, tuốt lúa, xúc lúa vào bao... Tất cả không ai bảo ai, họ cùng nhau lao động trong tiếng nói cười rôm rả.

“Sáng nay, tôi định ở nhà giê mấy bao lúa để mai còn đi rừng hái rau ranh, nhưng khi biết nhà anh Thắng gặt lúa, tôi gác lại việc nhà để cùng mọi người tham gia gặt lúa giúp anh Thắng. Ở đây ai cũng vậy, nhà nào có việc thì nhà kia giúp đỡ và ngược lại”, chị Hồ Thị Sung chia sẻ.

Chúng tôi tìm đến nhà già làng Hồ Xuân Đến (70 tuổi) đúng lúc ông vừa mới đi thu hoạch quế trên rừng về. Gặp chúng tôi, già Đến không giấu nổi niềm vui. Già Đến bảo, lúa năm nay được mùa hơn mấy vụ trước, bà con trong làng không thiếu gạo ăn. Còn trên rừng quế đang vào mùa lột vỏ. Giờ dân trong làng không còn lo “mùa giáp hạt”, làm mùa nắng để dành mùa mưa, nhiều người đã có của ăn của để. Người dân ở đây rất biết ơn rừng. Trong kháng chiến, rừng che bộ đội, rừng vây quân thù. Hòa bình, rừng cho người dân nguồn sống. Ai ai cũng có ý thức bảo vệ rừng rất tốt, nên không có đối tượng xấu nào dám bén mảng vào rừng để khai thác gỗ.

Người dân ở nóc Ông Đến phơi quế để mang xuống trung tâm xã bán cho thương lái.

Người dân ở nóc Ông Đến phơi quế để mang xuống trung tâm xã bán cho thương lái.

Cây quế cổ thụ được người dân nóc Ông Đến bảo tồn, gìn giữ làm nguồn giống quế bản địa.

Cây quế cổ thụ được người dân nóc Ông Đến bảo tồn, gìn giữ làm nguồn giống quế bản địa.

Không chỉ giúp nhau cùng làm kinh tế, mà bất kể trong làng có việc gì, mọi người đều đồng lòng gánh vác. Điều kiện đi lại khó khăn nên mỗi lần trong làng có người đau ốm, những người đàn ông trẻ, khỏe của làng đều không nề hà việc khiêng người bệnh đến Trạm Y tế xã để thăm khám hoặc chuyển lên tuyến trên. “Nửa đêm, có người bị ngã gãy chân. Không thể để người bệnh chịu đau đến sáng hôm sau mới chữa trị, nên chúng tôi đặt người bị thương vào võng và cử 4 thanh niên trong làng thay phiên nhau cõng xuống đường lớn đưa đi bệnh viện. Đi xong về, anh em mệt không thể đi làm nổi nhưng cứu người là trên hết”, anh Hồ Văn Thắng kể.

Tuy sống biệt lập và việc đi lại còn rất khó khăn, nhưng tất cả những đứa trẻ ở nóc Ông Đến từ 4 tuổi trở lên đều được đưa xuống trung tâm xã để học. Những đứa trẻ học mầm non và tiểu học sẽ được ba mẹ đưa đến trường vào chiều Chủ nhật và đón về vào chiều thứ 6 khi kết thúc buổi học. Để có điều kiện vừa làm kinh tế, vừa chăm con, những người có con trong độ tuổi đi học mầm non và tiểu học ở làng sẽ phân công, chia ca, mỗi người sẽ phụ trách một đêm để trông nom tất cả những đứa trẻ trong làng. Dân làng bảo rằng “không phải ở trên núi là không biết chữ, mù kiến thức” nên bằng mọi giá phải cho con đi học để sau này có kiến thức, xin đi làm ở công ty. Đời ông, đời cha đã khổ, không thể để lớp trẻ khổ theo.

Hôm chúng tôi lên nóc Ông Đến, chị Hồ Thị Trâm đang chuẩn bị vài bộ quần áo, cùng một ít tiền để xuống trung tâm xã thay ca cho một phụ huynh khác trong làng cũng có con đang học ở Trường Tiểu học Trà Giang. Chị Trâm chia sẻ, 2 đứa con lớn đang học ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Trà Bồng có thể tự lo, còn 1 đứa mới học lớp 2, còn nhỏ quá nên tối tôi phải xuống để lo cho con. Hôm nay đi rừng kiếm được ít rau ranh, ốc đá, sẵn tiện mang xuống xã để bán lấy tiền mua bột giặt, nước mắm, dầu ăn mang về dùng.

Học sinh ở nóc Ông Đến được tạo điều kiện học tập tại Trường Tiểu học Trà Giang.

Học sinh ở nóc Ông Đến được tạo điều kiện học tập tại Trường Tiểu học Trà Giang.

Ở nóc Ông Đến, gia đình chị Hồ Thị Kính được xem là “gia đình hiếu học” của làng, bởi cả 3 đứa con đều được đến trường. Trong đó, 2 đứa học cấp 3 và 1 đứa học lớp 9. Mỗi ngày, chị Kính đều vào rừng khai thác các sản vật từ rừng rồi đem xuống chân cầu treo để bán hoặc đổi thịt, cá, mắm, muối... Ngày nào cũng vậy, có đổi món gì thì chị cũng dành lại ít nhất 60 nghìn đồng để lo chi phí cho con ăn học. Trung bình mỗi tháng, chị Kính phải dành dụm 1,8 triệu đồng gửi xuống cho 2 con lớn nộp học phí và sinh hoạt, còn đứa nhỏ thì được Nhà nước lo. “Bây giờ muốn xin vào các nhà máy, công ty làm công nhân cũng phải có bằng tốt nghiệp THPT. Vì vậy, dù khổ đến mấy tôi cũng quyết không để con thiếu cái chữ”, chị Kính tâm sự.

Người dân ở nóc Ông Đến băng rừng xuống trung tâm xã mua các vật dụng cần thiết về dùng.

Người dân ở nóc Ông Đến băng rừng xuống trung tâm xã mua các vật dụng cần thiết về dùng.

Chia tay người dân ở nóc Ông Đến khi mặt trời dần đứng bóng. Những người thu hoạch lúa ở cánh đồng đầu làng đã thu dọn máy móc và vác những bao lúa nặng trĩu băng qua con suối nhỏ trở về làng. Họ hẹn nhau chiều sẽ cùng vào rừng bẻ măng, hái rau ranh và lột vỏ quế theo đơn đặt hàng của những tiểu thương dưới xuôi. Qua cách trò chuyện rôm rả của họ, chúng tôi hiểu rằng, người dân ở đây không thể sống thiếu rừng...

Bài, ảnh: HỒNG HOA

Thiết kế, trình bày: VÕ VĂN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202405/lang-giu-rung-d6551b7/