Các hiệp định thương mại tự do tại châu Á-Thái Bình Dương đã mang lại thành công lớn cho Mỹ

Theo trang Nikkei Asia, Mỹ trong thời gian dài liên tục tăng cường hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác châu Á -Thái Bình Dương nhằm mở rộng ảnh hưởng khắp khu vực.

Tăng cường các FTA tại châu Á – Thái Bình Dương

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã và đang tạo ra cấu trúc và khuôn khổ mới để đẩy mạnh vai trò của Mỹ ở khu vực.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại một sự kiện trong Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ -Thái Bình Dương (IPEF) ở Tokyo năm 2022. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại một sự kiện trong Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ -Thái Bình Dương (IPEF) ở Tokyo năm 2022. Ảnh: Reuters

Mỹ trong thời gian dài liên tục thúc đẩy hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác châu Á -Thái Bình Dương nhằm mở rộng ảnh hưởng khắp khu vực.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một thỏa thuận giữa hai hay nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhằm mục đích tự do hóa thương mại về một hoặc một số nhóm mặt hàng nào đó bằng việc cắt giảm thuế quan, có các quy định tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các thành viên. Sự ra đời, phát triển của FTA gắn liền với quá trình phát triển của thương mại thế giới.

Thương mại là chiến lược và các FTA gắn kết địa chính trị và kinh tế giữa Mỹ với các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiệp định FTA giữa Washington với Australia, Singapore và Hàn Quốc đã mang lại cho Mỹ lợi thế quan trọng trong khu vực thời gian dài vừa qua.

Phù hợp với chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đã nhận ra tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác và đồng minh, như đã thấy trong loạt sáng kiến ấn tượng mà Washington đang triển khai, bao gồm Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF), nhóm Bộ tứ QUAD, Liên minh quân sự giữa 3 nước Anh - Mỹ - Australia (viết tắt là AUKUS), Sáng kiến về công nghệ quan trọng và mới nổi giữa Mỹ và Ấn Độ...

Đáng chú ý, Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Singapore (USSFTA) không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là mục tiêu chiến lược cho sự hiện diện nhiều hơn của Mỹ tại châu Á.

20 năm FTA giữa Mỹ và Singapore được xem là một thành công vượt trội trong quan hệ thương mại hai nước. Năm 2003, thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều mỗi năm giữa Mỹ và Singapore chỉ đạt khoảng 40 tỷ USD. Hai thập kỷ sau, khối lượng hàng năm đã tăng gấp ba lần, lên hơn 122 tỷ USD, trong đó Mỹ hiện có thặng dư thương mại với Singapore hơn 38 tỷ USD.

Tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực

Ngoài thương mại, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Singapore Gan Kim Yong cũng lưu ý Singapore và Mỹ vào tháng 4/2024 đã mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như quan hệ đối tác về khí hậu và quan hệ đối tác vì tăng trưởng và đổi mới - một nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.

USSFTA đã cho thấy tầm quan trọng địa chiến lược của các FTA trong việc thúc đẩy lợi ích quốc gia và chiến lược. USSFTA không chỉ mang lại các lợi ích kinh tế mà xa hơn là đạt được các mục tiêu chiến lược, làm sâu sắc hơn sự tham gia của Mỹ vào khu vực, là tiền đề để Mỹ đạt được các FTA khác với các nước khác trong khu vực.

Vì vậy, sự tham gia của Mỹ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương là rất quan trọng. Trong cuộc khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, người Singapore thể hiện sự yêu thích đáng kể đối với Mỹ. Hai thập kỷ tăng cường hợp tác kinh tế, cùng với các mối quan hệ quân sự và ngoại giao chặt chẽ, đã giúp nước Mỹ trở nên khá giả hơn.

Với Washington, nền kinh tế số 1 thế giới thừa nhận đã trải qua những khó khăn từ thương mại và toàn cầu hóa. Tuy nhiên, các FTA của Washington với Australia, Hàn Quốc và Singapore đang giúp Mỹ đạt được nhiều tín hiệu tích cực về kinh tế. Từ đó, các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng muốn tăng cường quan hệ với Mỹ và tăng cường sự tham gia của Washington với khu vực.

Dưới thời Tổng thống Biden hay cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã thúc đẩy chính sách đối ngoại ở một mức độ lớn hơn.

Nếu như dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, chính sách đối ngoại của Mỹ trở nên mang tính giao dịch nhiều hơn thì theo lời của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, cách tiếp cận này đã được giảm nhẹ dưới thời Tổng thống Biden và Mỹ hiện đã chính thức thúc đẩy "mạng lưới hợp tác tự củng cố" để thúc đẩy lợi ích quốc gia.

Trang Nikkei Asia dẫn tin, việc tạo ra mạng lưới địa chính trị mạnh mẽ nhất không chỉ đòi hỏi sự đan xen của các mối quan hệ ngoại giao, quốc phòng và phát triển mà còn cả các mối quan hệ thương mại. Các FTA được thực hiện đúng cách có thể tăng cường nỗ lực này./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-tai-chau-a-thai-binh-duong-da-mang-lai-thanh-cong-lon-cho-my-20240515104141586.htm