Áp dụng điều ước quốc tế trong đấu tranh với tội phạm mua bán người

Qua 10 năm thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (từ năm 2013 đến 2023), công tác phòng, chống tội phạm mua bán người của Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, góp phần hạn chế tội phạm mua bán người ở Việt Nam. Và một trong những kết quả đạt được, chính là tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm này.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Nhận diện những thay đổi trong hoạt động của tội phạm mua bán người trong xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, Thượng tá Bùi Đức Tài, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho hay, từ năm 2012 đến năm 2022, tổng số vụ án về mua bán người được khởi tố trên 1.700 vụ với 3.059 bị can. Riêng năm 2023, khởi tố mới 88 vụ/216 đối tượng phạm tội mua bán người theo các tội danh được quy định tại Điều 150, Điều 151 BLHS, xác định có 215 nạn nhân bị mua bán. Trong đó, mua bán người trong nội địa là 45 vụ (chiếm 51,13%)/141 đối tượng/111 nạn nhân; mua bán người ra nước ngoài có 43 vụ (chiếm 48,87% tổng số vụ)/75 đối tượng/104 nạn nhân.

Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận một em bé bị bán sang Trung Quốc. Ảnh Nguyễn Hoàng

Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận một em bé bị bán sang Trung Quốc. Ảnh Nguyễn Hoàng

Cũng theo Thượng tá Bùi Đức Tài, trong thực tiễn đấu tranh các vụ án mua bán người gần đây cho thấy, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nhiều trường hợp phạm tội có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao, bóc lột nạn nhân, cơ quan điều tra đã triệt xóa, bóc gỡ các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Bên cạnh thủ đoạn truyền thống với hình thức gặp gỡ để tiếp xúc làm quen trực tiếp với nạn nhân, tội phạm mua bán người có xu hướng thay đổi phương thức, triệt để lợi dụng những tiện ích, tính cạnh tranh của các nền tảng mạng xã hội thu hút người dùng, từ đó, chuyển sang lợi dụng sự kết nối, tiện ích tương tác người dùng, chế độ ẩn danh bảo mật thông tin người gửi của các nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng trên internet để tiếp cận nạn nhân…

Tội phạm mua bán người hiện nay không bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mà hầu hết đối tượng móc nối giữa trong nước và nước ngoài, xuyên biên giới và lợi dụng công nghệ để hạn chế xuất hiện trực tiếp, tránh sự kiểm tra của các thủ tục xuất nhập cảnh, lựa chọn các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới để tiếp cận nạn nhân. Do đó, để đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, cần xác định công tác hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng.

Cục Cảnh sát hình sự đã thực hiện trách nhiệm, nghiêm túc chỉ đạo, định hướng của Ban Chỉ đạo 138 (Bộ Công an), phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động triển khai hiệu quả nhiều hoạt động hợp tác quốc tế liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người. Cục Cảnh sát hình sự đã ban hành kế hoạch năm về công tác đấu tranh chống tội phạm mua bán người và kế hoạch thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, xác định tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là một trong những nội dung trọng tâm. Cụ thể, phối hợp với lực lượng chức năng các nước, các tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol, Aseanapol), trao đổi thông tin, phối hợp điều tra các vụ án, bắt giữ, chuyển giao, truy nã đối tượng phạm tội và giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ nạn nhân bị mua bán theo các văn bản hợp tác về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên.

Điển hình như thực hiện các Hiệp định song phương ký kết giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia…; đồng thời cử 2 tổ công tác phối hợp đấu tranh, triệt phá vụ án mua bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc. Đơn cử, từ ngày 4/12/2023 đến ngày 6/12/2023, phối hợp tham gia Đoàn công tác liên ngành do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc làm Trưởng đoàn tiến hành hỗ trợ và bảo hộ 1.019 công dân Việt Nam được sơ tán từ Myanmar về nước, nhập cảnh tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài.

Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an các địa phương rà soát, phân loại, nhằm phát hiện các đối tượng nghi có dấu hiệu phạm tội trốn truy nã, đưa người sang lao động bất hợp pháp, tham gia các đường dây lừa đảo trực tuyến do người nước ngoài làm chủ. Qua đó, đã phát hiện đối tượng có quyết định truy nã của Công an huyện Tân Uyên, Lai Châu; 2 đối tượng có quyết định truy tìm của Công an TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình và Công an huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Trong các đợt mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người từ năm 2021 đến năm 2023, đã điều tra, khám phá 174 vụ/314 đối tượng, giải cứu trên 200 nạn nhân (chiếm 60% là các vụ mua bán người ra nước ngoài).

Cục Cảnh sát hình sự và Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ký kế hoạch, phối hợp chỉ đạo lực lượng Công an, Biên phòng của 44 tỉnh có biên giới (đường bộ, đường biển) tiếp nhận vụ án, vụ việc để xác minh, điều tra khởi tố trên 50 vụ án mua bán người xuyên quốc gia và mua bán người ra nước ngoài; hợp tác với cơ quan chức năng Campuchia, Lào và Trung Quốc duy trì đường dây nóng, gặp gỡ, đàm phán nhằm chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về. Triển khai nhiều kế hoạch phối hợp tuần tra chung, kiểm tra, kiểm soát biên giới phòng, chống di cư trái phép và mua bán người...; chỉ đạo hệ Phòng Cảnh sát hình sự tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra tội phạm mua bán người, tiếp nhận thông tin, tin báo để giải cứu nạn nhân.

Ngoài ra, Cục Cảnh sát hình sự đã tham mưu Bộ Công an và hướng dẫn Công an các địa phương xây dựng, quản lý, vận hành 53 mô hình Phòng Điều tra tại các địa phương phục vụ lấy lời khai nạn nhân trong các vụ mua bán người; tập huấn kỹ năng điều tra thân thiện cho Công an 63/63 địa phương để không làm tái tổn thương nạn nhân trong quá trình giải quyết vụ án; năm 2022, phối hợp với Báo Công an nhân dân trao 300 suất quà trị giá trên 300 triệu đồng cho các nạn nhân bị mua bán tại các địa phương.

Chú trọng công tác phòng ngừa

Để có những giải pháp, đấu tranh hiệu quả với tội phạm này, Cục Cảnh sát hình sự cho hay, cần hoàn thiện và sớm trình Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống mua bán người để tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Tăng cường phòng, chống tội phạm mua bán người trên không gian mạng, tăng tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm mua bán người; chú trọng công tác phòng ngừa từ cơ sở, nhất là nhóm có nguy cơ cao (người lao động mất việc, giãn việc, học sinh, sinh viên, nhóm có thu nhập thấp, địa bàn khó khăn…); giao chỉ tiêu đến Công an địa phương về số vụ mua bán người được điều tra, khám phá hằng năm, phương châm không để khó khăn trong xác minh, giải cứu nạn nhân để vụ án, vụ việc bị đình chỉ, kéo dài.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả các hiệp định hợp tác đa phương, song phương giữa Việt Nam với các nước, nhất là với Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc về phòng, chống mua bán người; duy trì giao ban, gặp gỡ đàm phán, thiết lập đường dây nóng nhằm chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; chủ động phối hợp và tranh thủ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ giúp đỡ về tài chính, tư vấn chuyên môn kỹ thuật trong việc hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống mua bán người phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Phối hợp tích cực với Biên phòng địa phương đẩy mạnh trao đổi thông tin với các đơn vị đối đẳng địa phương của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam; nước có đông nạn nhân là người Việt Nam nhằm trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng, xác định đầu mối phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã đối tượng phạm tội và giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ nạn nhân bị mua bán.

Xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm nói riêng, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là trong việc tổ chức triển khai các chương trình hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm, giúp Công an các đơn vị, địa phương tham gia một cách chủ động, tích cực trong các cơ chế hợp tác đa phương. Đồng thời, chú trọng thúc đẩy công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại một cách hiệu quả, kịp thời để các nước, các tổ chức quốc tế hiểu hơn về những cam kết của Việt Nam trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

Minh Hiền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/ap-dung-dieu-uoc-quoc-te-trong-dau-tranh-voi-toi-pham-mua-ban-nguoi-i731349/