Ai quyết định giá vàng miếng SJC?

Theo chuyên gia, ngoài yếu tố kỹ thuật như giá vàng thế giới, phí gia công, thuế… yếu tố cung - cầu, tâm lý thị trường chính là tác nhân ảnh hưởng lớn nhất đến giá vàng miếng SJC.

Thị trường vàng đang trải qua giai đoạn "sốt nóng" nhất trong khoảng một thập niên trở lại đây. Trong đó, vàng miếng SJC liên tục được các doanh nghiệp đẩy giá tăng cao, lần lượt vượt qua các mốc 70 triệu đồng, 80 triệu và mới nhất là 90 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm bị nới rộng lên gần 20 triệu/lượng.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng miếng SJC đã đạt đỉnh lịch sử mới ở 90,1 - 92,4 triệu đồng/lượng (mua - bán), cao hơn tới 18,4 triệu/lượng so với đầu năm, tương đương mức tăng ròng gần 25% chỉ sau chưa đầy 5 tháng.

Những nhà đầu tư mua vàng ở đỉnh năm 2023 (80,3 triệu đồng/lượng) đến nay cũng đã lãi xấp xỉ 10 triệu đồng/lượng.

Ai quyết định giá vàng?

Đáng chú ý, giá vàng miếng SJC liên tục phá đỉnh diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang liên tục tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng để cung ứng thêm vàng ra thị trường. Đây là hành động được nhà điều hành đưa ra với kỳ vọng kìm hãm đà tăng phi mã của giá vàng trong nước.

Tuy nhiên, dù đã cung ứng khoảng 6.800 lượng vàng ra thị trường qua 2/5 phiên đấu thầu thành công, giá vàng miếng SJC vẫn tăng chưa ngừng nghỉ.

Nói về biến động giá vàng trong nước, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không thuộc mặt hàng cần bình ổn giá.

Lý do là bởi vàng được sử dụng chủ yếu cho mục đích đầu tư, tích trữ, trang sức chứ không phải là mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu dân sinh.

Đặc biệt, theo ông Thái, giá vàng biến động mạnh do nhiều yếu tố quốc tế như tình hình kinh tế, chính trị, biến động tỷ giá hối đoái nên việc bình ổn giá vàng có thể gây tốn kém chi phí cho ngân sách và tiềm ẩn nguy cơ thao túng thị trường.

Ngoài ra, thị trường vàng tự do hoạt động theo cơ chế cung - cầu. Việc can thiệp quá mức của Nhà nước vào giá vàng có thể làm giảm tính hiệu quả của thị trường, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

“Với góc nhìn pháp lý, có thể khẳng định NHNN không có nghĩa vụ can thiệp giá vàng. Thay vào đó, nhà điều hành chỉ tập trung vào các nhiệm vụ chính như quản lý hoạt động kinh doanh, ổn định thị trường ngoại hối và cung cấp thông tin thị trường cho người dân", luật sư Hồng Thái phân tích.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, số lượng vàng khai thác trung bình mỗi năm của Việt Nam rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước nên buộc phải nhập khẩu vàng từ thế giới. Nhu cầu nhập khẩu khá lớn nhưng nguồn cung lại hạn hẹp do đó giá vàng trong nước trước đây chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá thế giới.

Trên lý thuyết, giá vàng trong nước sẽ được các doanh nghiệp tính bằng công thức giá vàng thế giới nhập khẩu, cộng với chi phí sản xuất, bảo trì, thuế, phí, lợi nhuận...

Giá vàng người dân đang giao dịch là giá thị trường, do thị trường quy định, mà chủ yếu là do yếu tố tâm lý và cung - cầu quyết định

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh

“Tuy nhiên, hiện tại, mức giá mà người dân đang giao dịch là giá thị trường, do thị trường quy định, mà chủ yếu là do yếu tố tâm lý và cung - cầu quyết định”, ông Thịnh nhận định.

Theo vị chuyên gia, nhiều năm trước, các doanh nghiệp không in dập vàng miếng SJC nên thị trường chỉ lưu thông vàng miếng SJC từ các phiên đấu giá và còn cất trong kho của các doanh nghiệp.

Giai đoạn 2013-2014, giá vàng miếng SJC chỉ chênh lệch với giá vàng nhẫn khoảng 2,5-3 triệu đồng/lượng. Sau đó cung - cầu mặt hàng này tăng mạnh hơn khiến độ chênh bị kéo giãn, hiện chênh lệch hàng chục triệu đồng.

Cũng trong giai đoạn này, giá vàng nhẫn duy trì chênh lệch 1,5-2,5 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới. Theo thời gian, hiện chênh lệch này đã nới rộng lên gần 6 triệu đồng.

"Điều này cho thấy nhu cầu về vàng của người dân tăng lên làm giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng miếng SJC bị đẩy lên cao", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Vàng đấu thầu ra thị trường quá ít

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng lượng vàng đấu thầu của NHNN thực hiện thời gian qua chỉ đáp ứng khoảng 2-3% nhu cầu thị trường. Điều này dẫn tới dù đã đẩy ra thị trường hàng nghìn lượng vàng, giá mặt hàng này vẫn tăng phi mã.

Đồng thời, ông Khánh cho rằng giá tham chiếu trong các phiên đấu thầu mà NHNN đưa ra ở mức cao so với giá mua vào trên thị trường, nên kết quả trúng thầu thấp, lượng vàng đưa ra càng ít hơn, khó đáp ứng được nguồn cung. Từ đó tạo tâm lý thị trường càng kỳ vọng giá vàng tiếp tục tăng, khiến nhiều người chưa mua được vàng "đứng ngồi không yên".

Tuy vậy, các vị chuyên gia đều cho rằng đã có những tác động "thao túng" giá từ bên thứ 3 khi muốn giữ lại vàng để đầu cơ, bán ra nhỏ giọt, đợi giá lên cao rồi mới "xả hàng". Điều này vô hình trung làm nguồn cung vàng bị bóp nghẹt, tạo tâm lý người mua cảm thấy thiếu vàng.

 Chuyên gia cho rằng lượng vàng miếng NHNN bơm ra qua kênh đấu thầu chỉ đáp ứng khoảng 2-3% nhu cầu thị trường. Ảnh: Trương Hiếu.

Chuyên gia cho rằng lượng vàng miếng NHNN bơm ra qua kênh đấu thầu chỉ đáp ứng khoảng 2-3% nhu cầu thị trường. Ảnh: Trương Hiếu.

Từ phía doanh nghiệp, chia sẻ trong phiên họp với NHNN trước đó, bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc SJC, cho biết việc sản xuất vàng miếng SJC được quản lý rất chặt chẽ từ năm 2012, khi Chính phủ và NHNN lựa chọn SJC là thương hiệu vàng quốc gia.

Theo đó, quy trình sản xuất vàng miếng từ cân đo, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra sản phẩm được NHNN quản lý rất chặt. SJC chỉ đứng vai trò gia công và được hưởng 140.000 đồng/lượng vàng thành phẩm.

Theo bà Hằng, việc giá vàng miếng SJC chênh cao so với vàng thế giới hay các mặt hàng vàng khác trong nước, công ty này không được hưởng lợi.

"Thực tế, trên thị trường, các đơn vị tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp có quyền từ chối mua - bán vàng miếng, nhưng SJC vì được lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia nên đối với tất cả nhu cầu mua - bán trên thị trường, đều phải thực hiện”, bà Hằng nói.

Vị lãnh đạo SJC cũng cho biết thêm từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định 24/2012 được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh từ hơn 300-400 tỷ đồng/năm đến nay chỉ đạt vài chục tỷ đồng/năm.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-quyet-dinh-gia-vang-mieng-sjc-post1475204.html