Ứng dụng công nghệ để phát triển thương mại điện tử và logistics bền vững

Việc ứng dụng công nghệ trong logistics và thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích, theo đó tối ưu hiệu quả của các hoạt động của các lĩnh vực trên, đồng thời góp phần giảm chi phí logistics.

Logistics góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Logistics góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á (với khoảng 43,9 triệu người). Thương mại điện tử là ngành có tác động tương hỗ với ngành dịch vụ logistics, góp phần quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Đó là thông tin đáng chú ý được chia sẻ tại hội thảo "Ứng dụng công nghệ để phát triển thương mại điện tử và logistics hiện đại, bền vững" do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (16/05/2024) tại Hà Nội. Đây cũng là vấn đề đặt ra nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo yêu cầu của Chính phủ.

Thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.

Để có được Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao, đạt 14-16%/năm với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh đến vai trò của thương mại điện tử.

“Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á (khoảng 43,9 triệu người), do vậy dịch vụ logistics đáp ứng cho nhu cầu ngành thương mại điện tử luôn là cần thiết. Xu hướng Chuyển đổi Số, thay đổi hành vi mua sắm và các yếu tố tác động khác đang đưa thương mại điện tử thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua,” ông Trần Thanh Hải nói.

 Các đại biểu tham dự tọa đàm về logistics. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Các đại biểu tham dự tọa đàm về logistics. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cũng theo đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 (theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ) là “Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn.” Cùng với đó, Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nhấn mạnh logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên Chuyển đổi Số trước.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Là một trong những ngành then chốt, giới chuyên gia cho rằng, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh chuyển đổi số để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.

Việc ứng dụng công nghệ trong logistics và thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích, theo đó tối ưu hiệu quả của các hoạt động của hai ngành này, từ đó góp phần giảm chi phí logistics nói chung cho toàn bộ nền kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu trọng yếu của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với Việt Nam khi mà chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) cho rằng mấu chốt đầu tiên đối với phát triển thương mại điện tử bền vững cũng như phát triển bền vững nói chung phải đến từ nhận thức. Sự chuyển đổi nhận thức từ cơ quan quản lý Nhà nước mà cụ thể hơn là phải có được khung khổ chính sách pháp luật đồng bộ, phù hợp, thì mới điều chỉnh hành vi kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hành vi tiêu dùng.

“Nói vậy nhưng quan trọng hơn là đến từ nhận thức của doanh nghiệp đối với chủ thể hoạt động kinh tế nói chung và thương mại điện tử nói riêng và với các doanh nghiệp lớn, nhận thức của họ dẫn đến sự thay đổi, chuyển đổi nhận thức trong cả hệ sinh thái của chuỗi cung ứng…,” bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng, giảm thiểu phát thải carbon, xả thải bao bì gây ô nhiễm môi trường nhờ việc tối ưu lộ trình vận chuyển cũng như quản trị tốt việc giao hàng dựa trên các ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Những lợi ích này không chỉ mang lại giá trị cho từng doanh nghiệp dưới góc độ kinh tế và chất lượng dịch vụ mà còn tác động chung đến toàn ngành logistics và thương mại điện tử cũng như nền kinh tế.

 Doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội logistics Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay việc ứng dụng Chuyển đổi Số trong hoạt động về logicstics nói chung, các hoạt động vận tải nói riêng là một nhu cầu hết sức cần thiết trong việc chủ động thích ứng, thay đổi, đáp ứng các yêu cầu liên quan đến vấn đề về hạ tầng.

Liên quan đến vấn đề về quy trình và các vấn đề về công nghệ, các đơn vị logicstics và các công ty xuất nhập khẩu, hiện nay doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc phát triển các dịch vụ, chuỗi cung ứng hướng tới các dịch vụ toàn cầu để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới thì với việc ứng dụng Chuyển đổi Số cũng như hướng tới áp dụng các công nghệ Xanh trong lĩnh vực về vận tải, kho bãi, bao bì và đặc biệt là hướng tới áp dụng theo quy trình logistics ngược - tức là quy trình thu gom, xử lý vấn đề về rác thải, tạo ra một chu trình kinh tế tuần hoàn, tối ưu tận dụng việc tái sử dụng các nguồn lực. Đó cũng là xu hướng mà hiện nay các đơn vị xuất nhập khẩu cũng như là logistics đang hướng tới áp dụng rất mạnh.

Cũng theo các chuyên gia, khi các thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam chủ yếu là các nước phát triển, như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản… đòi hỏi các tiêu chuẩn “Xanh” trong từng sản phẩm ngày càng cao, do đó, từng lĩnh vực trong chuỗi cung ứng, từ nguồn nguyên liệu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ - trong đó có logistics, thương mại điện tử cũng cần phải đáp ứng các yêu cầu này. Việc ứng dụng công nghệ là yêu cầu tiên quyết để Việt Nam phát triển thương mại điện tử và logistics hiện đại, bền vững./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ung-dung-cong-nghe-de-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-va-logistics-ben-vung-post950761.vnp