Truy tố Trưởng Ban Quản lý và nhân viên để xảy ra cháy chợ Sóc Sơn

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 3 bị can trong vụ án cháy chợ loại II huyện Sóc Sơn (gọi tắt là chợ Sóc Sơn) xảy ra cách đây 6 năm.

Ba bị can trong vụ án này gồm: Ngô Văn Giang (sinh năm 1978, nguyên Trưởng Ban Quản lý chợ Sóc Sơn), Phạm Đức Nam (sinh năm 1972, nguyên Phó Trưởng Ban Quản lý chợ) và Nguyễn Văn Tươi (sinh năm 1974, nhân viên Ban Quản lý chợ) bị Viện Kiểm sát truy tố về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo quy định tại Điều 313, khoản 1, điểm d - Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, khoảng 5 giờ 45 phút ngày 21/6/2018, tổ bảo vệ trực ca đêm của Ban Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn gồm anh Ngô Quý Hiếu và Phạm Văn Hải tiến hành mở cửa khu vực chợ chính và mở cầu giao cung cấp điện cho các ki-ốt kinh doanh các của tiểu thương. Sau khi mở cửa, anh Hiếu tiến hành kiểm tra các dãy hàng thuộc khu vực bán hàng giày, dép không phát hiện dấu hiệu bất thường rồi đi về phòng làm việc của Ban quản lý chợ. Đến khoảng 5 giờ 55 phút, chị Trần Thị Chanh là người bán hàng dừa đến vỉa hè phía Tây khu chợ chính thì phát hiện tại ki-ốt bán giày dép liền nhau số 52, 41, 34 thuộc dãy B2 của hộ nhà bà Đinh Thị Hà và bên cạnh là ki ốt sô 43 dãy B2 của chị Nguyễn Thị Kim Dung bị cháy và không thấy có người trong khu vực cháy nên hô hoán.

Được người dân thông báo, anh Hiếu ngắt cầu dao toàn bộ hệ thống điện của chợ Sóc Sơn và cùng một số tiểu thương sử dụng bình bọt (CO₂) chữa cháy tiến hành dập lửa. Đồng thời, anh Hiếu mở khóa buồng máy bơm nước chữa cháy cố định, tiến hành khởi động máy bơm nước để chữa cháy, máy bơm nổ nhưng khi tăng ga thì máy tắt, không lên nước, lửa cháy lan rộng sang các ki-ốt xung quanh. Do dùng bình chữa cháy và máy bơm chữa cháy di động (công suất nhỏ) không dập được lửa nên đám cháy đã bùng to và cháy lan khắp khu vực chợ chính. Đến khoảng 7 giờ 45 phút cùng ngày, đám cháy mới được dập tắt.

Theo kết luận định giá tài sản, hậu quả vụ cháy đã gây thiệt hại về tài sản của Ban quản lý chợ Sóc Sơn và 176 bị hại là các tiểu thương kinh doanh trong chợ với tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là hơn 400 triệu đồng. Trong đó, tổng thiệt hại của Ban Quản lý chợ Sóc Sơn là hơn 387 triệu đồng.

Ngoài ra, quá trình điều tra về phần mua sắm trang thiết bị phòng cháy chữa cháy của Ban Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn, Cơ quan điều tra xác định: Ban Quản lý chợ Sóc Sơn đã được UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt 3 gói thầu, trong đó có Gói thầu 1 cung cấp, lắp đặt trang thiết bị phòng cháy chữa cháy với giá hơn 147 triệu đồng, theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn, một túi hồ sơ.

Sau khi được UBND huyện Sóc Sơn duyệt dự toán, Ngô Văn Giang đã chỉ đạo Bùi Thị Ngọc Mai (là kế toán Ban Quản lý chợ Sóc Sơn) liên hệ, tìm đơn vị cung cấp. Mai lên mạng tìm hiểu và liên hệ với Công ty trách nhiệm hữu hạn phòng cháy chữa cháy Thắng Lợi (Công ty Thắng Lợi) đưa ra báo giá thấp hơn so với các đơn vị khác.

Sau khi liên hệ với Công ty Thắng Lợi, Mai đã báo lại Giang về giá một số loại hàng phòng cháy chữa cháy của Công ty Thắng Lợi thì Giang chỉ đạo Mai điều chỉnh giá, làm hợp đồng sao cho phù hợp với dự toán đã được phê duyệt.

Mặt khác, trong hợp đồng, Ban Quản lý chợ Sóc Sơn ký hợp đồng mua của Công ty Thắng Lợi là máy bơm chữa cháy, động cơ xăng V30 AS, nhưng thực tế máy bơm do Công ty Thắng Lợi giao cho Ban quản lý chợ là máy bơm chạy dầu, hãng Huyndai, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng Tecno Việt (trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh) lắp ráp trong nước, không có kiểm định, giá 50 triệu đồng (không đúng với chủng loại ghi trong hợp đồng).

Sau khi thanh lý hợp đồng, Mai được nhận lại số tiền chênh lệch giữa giá thực tế với giá trị ký trong hợp đồng là 20 triệu đồng. Số tiền này, Giang chỉ đạo để ngoài sổ sách kế toán của Ban Quản lý chợ, chỉ đạo chia cho 9 người có liên quan từ 1 - 3 triệu đồng, trong đó Giang hưởng 3 triệu đồng. Quá trình điều tra vụ án, Ngô Văn Giang cùng những người này đã tự nguyện giao nộp lại số tiền đã nhận để phục vụ công tác điều tra, giải quyết vụ án.

Về trách nhiệm dân sự trong vụ án, các tiểu thương bị thiệt hại trong vụ cháy chợ yêu cầu được bồi thường tổng số hơn 81 tỷ đồng, nhưng do các tiểu thương bị cháy hết tài sản và sổ sách, không kê khai chi tiết được mặt hàng, số lượng, nơi mua hàng thiệt hại, không cung cấp được hóa đơn chứng từ mua, bán nên không có căn cứ định giá giá trị thiệt hại. UBND huyện Sóc Sơn đã có quyết định hỗ trợ thiệt hại cho các tiểu thương này tổng số hơn 2,5 tỷ đồng.

Kim Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phap-luat/truy-to-truong-ban-quan-ly-va-nhan-vien-de-xay-ra-chay-cho-soc-son-20240517110111387.htm