TPHCM: Tăng cường giải pháp hỗ trợ xuất khẩu

Xác định xuất khẩu là một trong những trụ cột kinh tế, TP Hồ Chí Minh luôn nỗ lực và linh hoạt tận dụng mọi nguồn lực, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Cảng biển TP Hồ Chí Minh lọt top 30 cảng container hàng đầu thế giới về lưu lượng

Duy trì vị trí dẫn đầu

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 4, TP Hồ Chí Minh vẫn duy trì là địa phương dẫn đầu cả nước về xuất khẩu với 14,78 tỷ USD, tăng 15,92% (tương đương kim ngạch tăng hơn 2 tỷ USD) so với cùng kỳ 2023.

4 địa phương xuất khẩu chục tỷ đô tính hết tháng 4 gồm: TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Bình Dương. So với cùng kỳ 2023, số lượng tỉnh, thành phố xuất khẩu chục tỷ đô tăng 2 địa phương là Thái Nguyên và Bình Dương. Ngoài ra, còn nhiều tỉnh, thành phố đạt kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD như Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai…

Theo đánh giá tại tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội thường kỳ diễn ra đầu tháng 5 của UBND TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, làm gia tăng chi phí vận chuyển, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, các ngành, lĩnh vực kinh tế của thành phố đang trên đà phục hồi, trong đó sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ đã có sự chuyển biến tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, có thể thấy, xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của TP Hồ Chí Minh với mức tăng trưởng ấn tượng và đồng đều ở các thị trường chính. Cụ thể, khu vực thị trường châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất là 59,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp qua cảng TP. Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD, tăng tới 80,6%. Kế tiếp đó là khu vực thị trường châu Mỹ đạt 2,6 tỷ USD, tăng 57,2% và chiếm tỷ trọng 20,5%; khu vực thị trường châu Âu đạt 2 tỷ USD, tăng 56,7% và chiếm tỷ trọng 15,8%. Còn khu vực thị trường châu Phi đạt 202,6 triệu USD, tăng 46,1% và chiếm tỷ trọng 1,6%...

Đáng chú ý, một số mặt hàng, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao kỷ lục. Đơn cử máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng 113,4%; hàng dệt may đạt 1,2 tỷ USD, tăng 40,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt gần 913 triệu USD, tăng 40,6%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng đạt hơn 241 triệu USD, tăng 47,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 175,6 triệu USD, tăng 80,3%; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù đạt 141,8 triệu USD, tăng 47,7%...

Đây là những con số đáng ghi nhận và thể hiện sự phục hồi bứt phá của hoạt động sản xuất - thương mại của TP Hồ Chí Minh bất chấp nhiều khó khăn đang bủa vây, tình hình thế giới vẫn còn nhiều biến động, bất lợi. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đánh giá, trong gần nửa đầu năm nay, năng lực của các doanh nghiệp đã cải thiện nhiều nhờ sự thích ứng và tận dụng được cơ hội của thị trường, điều này tạo niềm tin tăng trưởng tích cực trong cả năm 2024.

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ xuất khẩu

Dự báo từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phải đối diện với nhiều rủi ro, từ vấn đề vận tải, logistic cho đến thị trường. Trong bối cảnh đó, lời khuyên các chuyên gia dành cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói riêng là cần phải phối hợp, tận dụng tốt các nguồn lực về tự nhiên, về cơ sở hạ tầng; tận dụng linh hoạt và triệt để các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và chính sách hiện có để phát triển đa dạng các chủng loại hàng hóa và mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, tăng giá trị gia tăng hàng xuất khẩu, nhanh chóng chuyển từ sản xuất gia công, lắp ráp sang sản xuất thiết kế, chế tạo.

Chia sẻ với báo giới tại "Triển lãm quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh lần thứ 3 năm 2024" (HCMC FOODEX 2024) ngày 15/5, đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố cam kết đồng hành, triển khai nhiều giải pháp thiết thực và quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối nguồn vốn hỗ trợ để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh...nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Song song với đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vận dụng thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; tổ chức phổ biến, tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ, các quy định về phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật tại thị trường xuất khẩu đế nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó trước các biến đổi trên thế giới, tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Đồng thời tăng cường cung cấp thông tin các thị trường xuất nhập khẩu, đẩy mạnh xây dựng mạng lưới; phối hợp với hiệp hội ngành hàng hỗ trợ tạo sự liên kết giúp doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm bắt tay với các đơn vị có hệ thống phân phối lớn, đủ khả năng mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị xuất khẩu.

Tố Uyên

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tphcm-tang-cuong-giai-phap-ho-tro-xuat-khau-post114115.html