Nỗi lo thời tiết nắng nóng làm gián đoạn việc học tập của trẻ em châu Á

Tháng 4 vừa qua, nhiều quốc gia ở châu Á đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục khiến chính phủ quyết định đóng cửa trường học. Điều này đã cho thấy rõ tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu đe dọa việc học tập của hàng triệu trẻ em tại châu lục này.

Học sinh đến trường dưới trời nắng gay gắt tại Manila, Philippines ngày 2/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Học sinh đến trường dưới trời nắng gay gắt tại Manila, Philippines ngày 2/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi những cơn mưa đã phần nào giúp giảm nền nhiệt ở một số khu vực, các chuyên gia cảnh báo rằng thách thức lớn hơn vẫn tồn tại, khi nhiều quốc gia chưa chuẩn bị tốt để giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu đối với giáo dục. Châu Á đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, dẫn đến những đợt sóng nhiệt diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và với cường độ dữ dội hơn.

Hơn nữa, bầu không khí ấm hơn sẽ giữ nhiều độ ẩm hơn, dẫn đến mưa lớn và lũ lụt. Điều này có thể làm hư hại các trường học, thậm chí khiến những nơi này không thể được sử dụng làm nơi trú ẩn khi xảy ra thảm họa. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng còn làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng và ô nhiễm không khí, khiến nhiều trường học tại nhiều nước phải đóng cửa, đặc biệt là ở Ấn Độ và Australia.

Năm 2023, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo cuộc khủng hoảng khí hậu đã trở thành hiện thực đối với trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương. Các em phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt do những tác động của biến đổi khí hậu, khi trường học phải ngừng giảng dạy trực tiếp do nhiệt độ tăng cao để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Nắng nóng, mất điện khiến sức khỏe của các em lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, dẫn đến việc học tập không hiệu quả.

Bà Salwa Aleryani, chuyên gia y tế của UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, việc đóng cửa trường học do thời tiết khắc nghiệt gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với những cộng đồng dễ bị tổn thương, thiếu tài nguyên như máy tính, mạng Internet và sách.

Ông Shumon Sengupta tại Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) cho biết tháng 4 đánh dấu tháng thứ 11 liên tiếp thế giới ghi nhận mức nhiệt độ cao kỷ lục, và xu hướng này thể hiện rõ ở Bangladesh. Các trường học trên hầu khắp châu Á không được trang bị cơ sở vật chất để đối phó với những hậu quả ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Rủi ro còn vượt ra ngoài lớp học, vì học sinh thường phải đi bộ một quãng đường dài đến trường và có thể gặp nguy cơ bị say nắng. Trong khi đó, việc học tại nhà có thể khiến các bậc cha mẹ không thể giám sát trẻ thường xuyên, làm tăng nguy cơ lao động trẻ em, tảo hôn và nạn buôn bán người trái phép.

Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng tới việc học tập theo cách gián tiếp. Tình trạng thiếu lương thực dẫn đến việc trẻ em phải nghỉ học để đi làm hoặc gia đình các em không có đủ kinh phí để chi trả.

Một số quốc gia giàu có trong khu vực đã thực hiện các giải pháp để bảo vệ việc học tập của trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu. Tại Nhật Bản, chưa đến một nửa số trường công lập được lắp đặt máy điều hòa vào năm 2018, nhưng con số này đã tăng lên hơn 95% vào năm 2022 sau một loạt đợt nắng nóng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các tác động đều có thể được giảm thiểu, ngay cả ở các nền kinh tế phát triển. Chính quyền Australia đã nhiều lần phải đóng cửa trường học vì nạn cháy rừng.

Ông Sengupta cho rằng các nước đang phát triển trong khu vực cần được hỗ trợ để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tuy nhiên giải pháp thực sự duy nhất cho cuộc khủng hoảng này nằm ở việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ, đó chính là biến đổi khí hậu. Theo đó, các chính phủ và các nhà hoạch định chính sách phải ưu tiên các giải pháp chống biến đổi khí hậu để đảm bảo việc học tập cho trẻ em.

Linh Tô (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/noi-lo-thoi-tiet-nang-nong-lam-gian-doan-viec-hoc-tap-cua-tre-em-chau-a-20240516184852931.htm