Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT: Phân loại rác thải sinh hoạt là bài toán khó giải

Tại diễn đàn 'Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt', nhiều chuyên gia cho rằng, phân loại rác thải sinh hoạt đang là vấn đề còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Mang lại lợi ích lâu dài

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam và Tạp chí điện tử Môi trường và cuộc sống, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) và Công ty Cổ phần nước - môi trường Bình Dương đã tổ chức diễn đàn "Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt".

TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra 6 điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Trong đó, Điều 75 của Luật này quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Nghị định số 45 của Chính phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2025, nhưng, nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.

"Phân loại rác thải sinh hoạt sẽ mang lại lợi ích lâu dài nhưng là khó khăn trước mắt. Việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn", TS Ngọc cho biết thêm.

Tại diễn đàn, đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương và 30 đơn vị, công ty đang hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng nêu ra thực trạng, khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt hiện nay.

Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Ông Lê Hải Bằng, Phó chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết, trên địa bàn tỉnh có gần 300 dự án sản xuất, kinh doanh cùng 11 cụm công nghiệp.

Sự phát triển của các cụm công nghiệp đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của toàn tỉnh, tuy nhiên, nó cũng đặt ra vấn đề về việc quản lý chất thải công nghiệp.

Một số vướng mắc, khó khăn trong công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại tỉnh Thái Nguyên được ông Bằng chỉ ra bao gồm: khó khăn về nguồn nhân lực, không được hướng dẫn cụ thể khi nhận quyết định phụ trách công việc quản lý chất thải rắn, nhiều nhà máy xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh còn "ngại" tiếp nhận chất thải sinh hoạt hay hạ tầng về thu gom, xử lý rác thải vẫn chưa được đồng bộ.

Bên cạnh những lý do trên, ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, nhiều người coi thường chuyện thu gom rác và cho rằng đó là việc của công nhân môi trường.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Nguyễn Tuấn Anh.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Nguyễn Tuấn Anh.

Quốc hội sẽ giám sát tối cao trong lĩnh vực môi trường

Ông Nguyễn Hoàng Lân, đại diện Công ty Cổ phần nước - môi trường Bình Dương cũng chia sẻ, với đặc thù rác thải ở Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung là rác thải chưa phân loại, không có công nghệ nào xử lý được nếu không tiến hành phân loại rác ngay từ đầu.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cũng sẽ gặp phải một số khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt như khó khăn về nguồn vốn khi chi phí thu gom, xử lý còn tương đối cao.

Về công nghệ, công ty cho biết, đa phần rác thải sinh hoạt ở Việt Nam có độ ẩm cao, nhiều chất hữu cơ và chưa được phân loại. Vì vậy, nếu áp dụng nguyên mẫu công nghệ của các nước Âu - Mỹ hay Nhật vào Việt Nam thì sẽ không hiệu quả, nếu xét cả về tài chính và kỹ thuật.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng đưa ra nhận định, cho đến thời điểm hiện tại, việc phân loại rác thải tại nguồn và công tác quản lý nhà nước về vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập.

Ông cũng cho biết thêm, dự kiến trong năm 2025, Quốc hội sẽ thực hiện hoạt động giám sát tối cao trong lĩnh vực môi trường, đây cũng là dịp để rà soát lại những nội dung của công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đánh giá cao và tin tưởng diễn đàn không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia cùng các cơ quan ban, ngành địa phương trình bày thực trạng, những khó khăn, thách thức trong việc xử lý rác thải sinh hoạt mà còn là kênh thông tin hữu ích cho Quốc hội tham khảo trong thời gian tới trong việc quy định chi tiết các văn bản pháp luật và công tác giám sát trong việc thu gom, xử lý và phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguyen-thu-truong-bo-tnmt-phan-loai-rac-thai-sinh-hoat-la-bai-toan-kho-giai-19224051719091403.htm