Năm ngày xuôi theo sông Cánh Hòm

Trong 'gia đình' các dòng sông ở Quảng Trị, sông Cánh Hòm có vẻ khiêm nhường bên cạnh những chị em tên tuổi như Hiền Lương, Thạch Hãn…

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Năm ngày xuôi theo sông Cánh Hòm của tác giả Phạm Xuân Dũng.

Chính vì vậy, chúng tôi đã dành năm ngày đi theo dòng sông làm ký sự truyền hình để sẻ chia đến khán giả. Làng Mai Xá Thị, xã Gio Mai là nơi hợp lưu 3 con sông Quảng Trị: Thạch Hãn, Hiếu Giang và Cánh Hòm.

Sông Cánh Hòm đặc biệt, khác với những con sông còn lại ở tỉnh Quảng Trị. Sông tự nhiên thì Hiền Lương, Hiếu Giang, Thạch Hãn, Ô Lâu… riêng sông đào thì có Vĩnh Định được trang trọng khắc trên vạc đồng ở kinh thành Huế. Chỉ có Cánh Hòm một nửa trời sinh, một nửa người đào mà thành nhưng nhân tạo lớn hơn thiên phú. Sông Cánh Hòm nằm gọn trong địa phận huyện Gio Linh, dài 11km, nếu tính cả chi lưu độ dài phải gấp đôi, chảy qua các xã đồng bằng phía đông của huyện, tưới mát cho biết bao đồng lúa.

Sông Cánh Hòm chảy qua làng Rừng Sác làng Nhĩ Thượng. Ảnh Phạm Xuân Dũng

Sông Cánh Hòm chảy qua làng Rừng Sác làng Nhĩ Thượng. Ảnh Phạm Xuân Dũng

Xưa chuyện khai sơn phá thạch, dời non lấp bể là đại sự trong thiên hạ, ít ra cũng là việc trọng của một vương triều. Dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1651) sông này đã được khai thông ít nhiều, nhưng phải đợi đến triều vua Minh Mạng thì việc lớn mới thành. Khi ấy triều đình mở một con đường thủy từ kinh sư theo Vĩnh Định ra đến Cửa Việt theo dòng Cánh Hòm gặp sông Bến Hải, thậm chí còn ra đến tận Quảng Bình cũng theo vẫn theo con nước, để bậc đế vương tuần du, thăm thú rồi nghỉ lại Cửa Tùng - nơi người Pháp nịnh đầm có lý khi xướng danh "nữ hoàng của các bãi tắm". Đầu thế kỷ hai mươi, vua Duy Tân có lần ra Cửa Tùng tiếng là đi chơi để che mắt Pháp nhưng kỳ thực là tìm gặp những nhân sĩ yêu nước như cụ Khóa Bảo Nguyễn Hữu Đồng ở Cam Lộ để mật bàn quốc sự khởi nghĩa chống quân xâm lược. Việc lớn bất thành cả cả vua lẫn tôi đều bị giặc Pháp giam vào ngục thất. Dấu tích vua chúa ngày xưa nay đã nhạt nhòa nhưng thú vị là vẫn còn một địa danh đọc lên nghe rất Huế vì gắn liền với quân vương, ấy là cầu Bến Ngự thuộc xã Gio Mỹ, bắc qua sông Cánh Hòm chảy suốt thời gian, chở đầy ký ức.

Sông Cánh Hòm chảy qua làng Bách Lộc. Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Sông Cánh Hòm chảy qua làng Bách Lộc. Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Hôm tôi về Mai Xá Thị nhằm ngày rằm tháng Giêng tức Tết Nguyên Tiêu tận mắt chứng kiến nhiều sự lạ. Dân làng chỉ cho tôi cây ngô đồng cổ thụ như trong thơ Bích Khê, có mặt từ thời vua Tự Đức. Thời chiến loạn mảnh bom đạn giắt đầy thân cây, tưởng đâu không qua khỏi nhưng thật không ngờ vẫn sống xanh tươi cho đến hôm nay. Vào trong đình lại thấy thờ cả danh thần Trần Đình Ân vốn là cụ Thượng làng Hà Trung của xã Gio Châu. Hỏi ra mới biết, xưa làng Mai Xá Thị dính vào một vụ đáo tụng đình đất đai oái ăm, may nhờ đại thần Trần Đình Ân thương dân nên tạo phúc giúp cho làng này thắng kiện, tìm được lẽ phải. Sau khi cụ Trần Đình Ân qua đời, bài vị của vị đại quan từ đó được nơi đây phụng thờ hương khói.

Sông Cánh Hòm, đoạn chảy qua làng Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Sông Cánh Hòm, đoạn chảy qua làng Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Lần theo con nước qua làng Lâm Xuân xưa là làng chiếu nổi danh để gặp một lão nông tri điền yêu đất đai như là máu thịt đời mình. Ông Trần Xuân Thắng, tuổi ngoại bát tuần nhưng dáng vẻ vẫn vững chãi, gương mặt tinh anh. Nhà ông như một bảo tàng nhỏ nông cụ, những vật dụng thiết thân với nhà nông như miếng cơm, manh áo hàng ngày. Tôi vốn không lạ gì với những vật dụng này nhưng nghe ông Thắng say sưa giảng giải từ cày đến bừa, từ cuốc chỉa đến cuốc bàn, từ trang đến nát… lòng không khỏi khâm phục một hiện thân nhân văn và sinh động của văn minh lúa nước sống dọc theo sông Cánh Hòm.

Về Nhĩ Thượng thuộc xã Gio Mỹ khi mùa lúa đang đến. Những cánh đồng trải dài trong nắng hạ, hứa hẹn một năm bội thu của nhà nông khi ruộng tắm mát nước sông Cánh Hòm, khám phá thêm nhiều bí ẩn kỳ thú của thiên nhiên. Ông Nguyễn Thành, vốn là trưởng thôn vui vẻ dẫn chúng tôi ra thăm giếng cổ của làng. Chiều sâu của giếng chỉ khoảng hai gang tay mà lạ chưa nước hàng trăm năm nay khi bao giờ vơi cạn, kể cả những năm hạn hán kỷ lục. Ông Thành vừa chỉ tay giới thiệu vừa nói không giấu nổi vẻ tự hào: “Giếng sâu chỉ chừng đó thôi nhưng nắng mấy cũng không bao giờ cạn, nước ngọt mát vô cùng. Dân làng lấy nước này nấu rượu vào những dịp cúng tế trang trọng”.

Chúng tôi lại chèo ghe vào rừng Sác, một cánh rừng ngập mặn dọc theo sông Cánh Hòm - đoạn này dài đến 3km chạy dài lên đến cầu Bến Ngự mới dừng lại. Cần nói thêm rằng, sau này do làm thủy lợi vào thập niên 80 của thế kỷ trước nên dòng nước đã thành dòng nước ngọt, đây cũng là một nét độc đáo trong thay đổi địa chất thủy văn cần các nhà chuyên môn tìm hiểu. Vì cho đến nay vẫn chưa có một giải đáp khoa học về sự ra đời và phát triển của khu rừng kỳ lạ này. Chỉ biết rằng dù nước thay đổi nhưng cây cối vẫn thích nghi và xanh tốt như thường, như chẳng có chuyện gì xảy ra, thậm chí mới đây còn thu hút nhiều chim quý hiếm. Đây chính là lá phổi xanh điều hòa sinh thái cho ngôi làng Nhĩ Thượng, một báu vật trời cho từ ngàn đời nay cần gìn giữ như chính ngôi nhà của mỗi gia đình. Anh Nguyễn Văn Mãi, người dân địa phương vừa chèo ghe vừa nói: “Có được Sác này là quý giá nên bà con ở đây rất có ý thức giữ gìn”.

Dân chài làng Bách Lộc đánh bắt thủy sản trên sông Cánh Hòm. Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Dân chài làng Bách Lộc đánh bắt thủy sản trên sông Cánh Hòm. Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Có thể khẳng định địa danh rừng Sác là độc nhất vô nhị ở Quảng Trị, vì ngay cả cù lao Bắc Phước với rừng cây ngập mặn như cây bần cũng không mang tên gọi như vậy. Cách gọi này làm ta nhớ đến ngay địa danh Rừng Sác ở hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai mà tên gọi chính thức là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ. Và nhân tiện cũng cải chính sự nhầm lẫn có thể xảy ra với một vài người. Đó là thay vì gọi rừng Sác. Họ lại gọi nhầm thành rừng Sát. Hơn nữa gọi rừng Sác nhưng lại không có loại cây nào gọi là cây Sác cả. Chuyện này cũng tạo nên những lý giả tốn nhiều giấy mực. Theo một học giả uy tín An Chi thì sác được giảng là ”rừng nước mặn (ở gần biển)”. Tất cả đều có một nét nghĩa chung là ”rừng ngập ngụa”. Đây chính là nghĩa gốc của từ sác trong phương ngữ Nam Bộ.

Bên cạnh rừng ngập mặn nguyên sinh, Nhĩ Thượng còn có một rừng tràm tự nhiên với diện tích lên đến 10ha nằm trên đồi cát cũng không xa cao điểm 31 thuộc hệ thống di tích của hàng rào điện tử Mcnamara. Rừng tràm trải rộng theo những cồn cát, địa hình cũng nhấp nhô, uốn lượn. Đi bộ vào rừng hay nhìn từ trên cao đều khiến người xem không khỏi ngạc nhiên. Đây cũng là một ân tứ của thiên nhiên. Vì ở những cồn cát, trảng cát được mệnh danh là tiểu sa mạc hay tiểu bán sa mạc trong thời tiết nắng lửa gió Lào nếu không có những cỗ máy thiên nhiên xanh như rừng tràm thì ắt hẳn quá trình sa mạc hóa chỉ còn là chuyện thời gian. Được biết cơ quan kiểm lâm địa phương đã bàn giao rừng tràm cho thôn quản lý. Kinh nghiệm thực tế cho hay không ai giữ rừng nói riêng và tài nguyên khoáng sản nói chung bằng người dân bản địa.

Ông Nguyễn Thành đã thay mặt bà con mong mỏi như vậy. Ông còn nói thêm những lời chân tình gan ruột: “Nếu làm được du lịch để du khách về tham quan giếng cổ, rừng Sác, rừng tràm, rồi lên cao điểm 31 và cả sông Cánh Hòm nữa thì tôi chắc chắn quê nhà sẽ đổi khác”.

Ngã ba sông, đoạn cuối sông Cánh Hòm đổ ra sông Hiền Lương. Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Ngã ba sông, đoạn cuối sông Cánh Hòm đổ ra sông Hiền Lương. Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Rong ruổi suốt mấy ngày trời, rồi cũng gặp chuyện hay sông Cánh Hòm ở làng chài Bách Lộc thuộc xã Trung Hải. Làng được hình thành vào thế kỷ 18. Theo lời kể ông Lê Viết Trinh, quá vãng đã xa lại về trong phút chốc. Thời ấy ông tiền khai khẩn Trần Hiếu năm Thiệu Trị thứ bảy (1847) đã tập hợp dân chài từ phá Tam Giang xứ Huế đến Bến Quan (Vĩnh Linh) quyết tạo dựng cuộc sống lâu dài. Họ nương náu theo sông Cánh Hòm, cũng rày đây mai đó, thường neo đậu đoạn eo làng Xuân Mỵ văn chương nức tiếng. Thấy vạn chài không một tấc đất cắm dùi, lênh đênh gian khó, bà con Xuân Mỵ thương tình đã nhượng lại hai mẫu đất giữa làng cho bà con ngư dân phơi lưới, lâu dần thành đất sinh cư tử táng. Tình nghĩa đồng bào đã làm nên một hiện tượng đặc biệt: làng Bách Lộc phái sinh từ làng Xuân Mỵ, hay như có người đã nói: làng mọc giữa làng. Khi tôi theo anh Trần Văn Sắt trên chiếc thuyền bủa lưới trên sông, mới biết thêm rằng bà con Bách Lộc xa xứ vào tận huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận dù lo toan cơm áo vẫn không nguôi nhớ về quê cũ. Họ đặt tên làng nơi đất mới là Bách Lộc. Vậy là có một núm ruột sông Cánh Hòm (Quảng Trị) an cư lạc nghiệp vùng cực nam Trung Bộ.

Dân làng Mai Xá Thị trước đình làng. Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Dân làng Mai Xá Thị trước đình làng. Ảnh: Phạm Xuân Dũng

Hôm về làng Thủy Khê, xã Gio Mỹ không còn dệt chiếu mới hiểu thêm dâu bể của dòng sông. Ông Lê A, một bậc cao niên vừa bẻ những cọng cói còn sót lại bên sông xưa thuyết minh về nghề trồng cói nay chỉ còn trong nỗi nhớ của những người lớn tuổi. Mắt ông trong chiều sáng lên khi nhắc đến những ngày chưa xa lắm khi làng còn trồng cói. Nắng chiều chiếu rọi gương mặt thời gian từng đường nét như điêu khắc dung mạo một nhân chứng Cánh Hòm. Tự dưng lại nhớ mấy câu trong bài thơ "Sông Lấp" của cụ Tú Xương mà hoang mang da diết: “Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò..."

Khi đứng phía bắc cầu Bến Hải, ngắm nhìn ngã ba sông Cánh Hòm nhập vào con nước Hiền Lương tôi chợt nhận ra rằng không chỉ nhân sinh mới cần bầu bạn mà thiên nhiên cũng luôn hướng đến sự giao lưu hòa hợp để khai thông huyệt đạo của mình. Những dòng nước dù mải miết quanh co, phiêu lưu tưởng chừng vô định rồi bằng một cách nào đó, cũng tìm đến với nhau, giang rộng vòng tay như người gặp được người…

Phạm Xuân Dũng

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nam-ngay-xuoi-theo-song-canh-hom-2281691.html