Đấu thầu vàng giá ngang ngửa thị trường thì kéo giảm kiểu gì?

Giá vàng trúng thầu cao nhất 88,92 triệu đồng/lượng là một điều hết sức vô lý, khó chấp nhận được, có thể sẽ khiến giá vàng tăng cao hơn nữa.

Phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng 16/5 có khối lượng trúng thầu cao kỷ lục lên tới 12.300 lượng. Trong thông báo của Ngân hàng Nhà nước về kết quả đấu thầu vàng miếng cho hay, số lượng thành viên trúng thầu tiếp tục tăng mạnh so với các phiên trước đó, với 11 thành viên trúng thầu, tổng khối lượng cũng tăng mạnh lên 123 lô.

Người dân mua vàng tại cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, TP. Hà Nội

Người dân mua vàng tại cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, TP. Hà Nội

Giá sàn Ngân hàng Nhà nước công bố là 88,89 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới khoảng 15,6 triệu đồng/lượng. Giá trúng thầu thấp nhất trong phiên đấu thầu hôm nay là 88,89 triệu đồng/lượng; giá trúng thầu cao nhất là 88,92 triệu đồng/lượng.

Như vậy, đây là phiên đấu thầu vàng miếng thành công lần thứ 4 trong tổng số 7 lần Ngân hàng Nhà nước chào thầu, cũng là phiên có khối lượng trúng thầu cao nhất. Tính chung 4 phiên, lượng vàng trúng thầu đã lên tới 27.200 lượng vàng. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lượng vàng được mua từ Ngân hàng Nhà nước sau đó đã được doanh nghiệp bán ngay ra thị trường.

“Thành công” được cho là với cơ quan quản lý, mà cụ thể ở đây là Ngân hàng Nhà nước ở khía cạnh đấu thầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc giá đấu thầu cao như thế này càng tạo tâm lý hoang mang với người dân bởi với giá đấu thầu cao nhất 88,92 triệu đồng/lượng thì đương nhiên giá bán ra của doanh nghiệp đến tay người dân phải cao hơn con số này. Những lời đồn thổi được người này truyền tai người khác, giá vàng sẽ lên 100 triệu đồng/lượng được lo ngại sẽ sắp thành hiện thực.

Khóc vì vàng tưởng chừng chỉ là câu chuyện chúng ta vẫn thường nói vui với nhau. Thế nhưng, ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại phố vàng Trần Nhân Tông (Hà Nội) tại những thời điểm trước và sau các phiên đấu giá vàng, đã có những người dân thật sự rơi nước mắt… vì vàng.

Bà Phạm Thị Lan (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, cả cuộc đời làm công nhân, tích góp được 300 triệu đồng tôi gửi ngân hàng lấy lãi để thêm vào đồng lương hưu ít ỏi. Trong bối cảnh lãi suất tại các ngân hàng thương mại khá thấp, giá vàng cứ tăng, tăng và tăng khiến tôi sốt ruột vội vàng ra rút hết chỗ tiền tiết kiệm để mua vàng vì lo ngại đồng tiền mất giá. Chỉ chưa đầy một năm, giá vàng đã tăng gấp rưỡi. Đứng xếp hàng, bà Phạm Thị Lan cũng như các khách hàng khác được thông báo, chỉ được mua 5 chỉ và phải xuất trình căn cước công dân, còn với vàng SJC thì cửa hàng bảo đã hết. Tiền đã rút, vàng cũng chỉ mua được có 5 chỉ, bà ngao ngán cho biết, “mai tôi lại quay lại mua”, chứ tiền mặt để rồi lại tiêu hết. Nỗi lo của những người dân lao động chỉ mong trước trẻ tằn tiện để lúc già tiết kiệm lại càng thêm nặng.

Những kệ vàng SJC lẫn vàng nhẫn trống trơn trong khi bên ngoài là hàng dài người dân xếp hàng chờ mua. Đó hình ảnh tại các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông đã được các cơ quan báo chí thông tin trong suốt thời gian vừa qua, nhất là khoảng 1 tháng trở lại đây.

Ông Ngô Trí Long – Chuyên gia Kinh tế - nhận định, một điều hết sức vô lý khi thị trường đang bán với giá đó mà anh còn đưa ra mức giá đấu thầu cao hơn là khó có thể chấp nhận được. Mục tiêu của chúng ta là gì? Đó là kéo thấp giá, nên quan điểm cá nhân của tôi là phải thấp hơn giá thị trường để doanh nghiệp mua được, bán với giá thấp hơn và có lãi chứ không thể hiện nay bằng giá thị trường mà lại cộng với lãi của họ nữa thì giá bán chỉ có tăng…

Còn theo PGS. TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, cần phải nhắc lại rằng, theo Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước, khi mua bán vàng có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên, người dân mới phải để lại thông tin cá nhân, trong đó có số căn cước công dân, địa chỉ cư trú. Việc người dân mua vài chỉ vàng nhưng đã phải xuất trình giấy tờ, là điều khá lạ lùng.

Trong khi cơ quan nhà nước tìm cách để tăng cung vàng miếng, thì các doanh nghiệp lại có dấu hiệu tiết cung, tạo ra sự khan hiếm. Động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ giúp tăng cung vàng trên thị trường và hạ nhiệt giá vàng. Tuy nhiên, sau một loạt phiên đấu thầu thất bại và cả thành công thì giá vàng SJC cứ tiếp tục tăng mạnh và liên tiếp thiết lập mức kỷ lục mới. Do đó, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, để tăng cung, đấu thầu vàng không phải là biện pháp.

Thị trường thì có vẻ như đang đi theo những diễn biến thách thức cơ quan quản lý. Giá vàng cao nhất mọi thời đại, chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới tiếp tục được nới rộng.

Ngày 16/5/2023 giá vàng nhẫn 4 số 9 bán ra ở 57,65 triệu đồng/lượng; trong khi giá vàng miếng SJC bán ra 67,25 triệu đồng/lượng. Ngày 1/1/2024, giá vàng miếng SJC bán ra quanh mức giá 74 triệu đồng/lượng; trong khi đó, giá vàng nhẫn 4 số 9 bán ra 62,6 - 63,28 triệu đồng/lượng. Ngày 16/5/2024, giá vàng miếng SJC quanh mức 90 triệu đồng/lượng; giá vàng nhẫn 4 số 9 bán ra quanh mức 77,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC có mức giá cao hơn vàng nhẫn 11 -12 triệu đồng/lượng.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-thau-vang-gia-ngang-ngua-thi-truong-thi-keo-giam-kieu-gi-320557.html