'Đại án' Việt Á: Cựu Bộ trưởng nộp 1 tỉ đồng, thuộc cấp nộp 500 triệu đồng khắc phục hậu quả

Tại phiên phúc thẩm, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên, cựu Bộ trưởng cũng khai về số tiền 2,25 triệu USD nhận từ Việt Á, toàn bộ số tiền này bị cáo đã nộp lại và tác động gia đình nộp thêm 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.

Ngày 15/5, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng 10 bị cáo khác và 3 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo trong vụ “đại án” Việt Á.

Buổi sáng, Hội đồng xét xử (HĐXX) dành phần lớn thời gian làm thủ tục và nêu lại nội dung bản án sơ thẩm.

 Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại phiên phúc thẩm.

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại phiên phúc thẩm.

Đầu giờ chiều bước sang phần xét hỏi, HĐXX đặt một số câu hỏi đối với cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về việc có thay đổi nội dung kháng cáo. Bị cáo Nguyễn Thanh Long khai trước tòa, bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo. Bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trên bục khai báo, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên. Bị cáo đã nhận số tiền 2,25 triệu USD. Số tiền này bị cáo đã nộp lại.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Long cũng khai đã tác động gia đình nộp thêm 1 tỉ đồng khắc phục hậu quả của vụ án.

Chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Long đã khắc phục toàn bộ số tiền 2,25 triệu USD, vậy số tiền 1 tỉ đồng khắc phục cho ai? Bị cáo Nguyễn Thanh Long khai nộp khắc phục cho bị cáo Phan Quốc Việt.

Ngoài ra, luật sư của bị cáo Nguyễn Thanh Long trình bày một số tình tiết giảm nhẹ như: đã khắc phục hoàn toàn nghĩa vụ của vụ án, nộp những tài liệu, giấy tờ liên quan đến việc gia đình bị cáo Long có công với cách mạng, thành tích.

Còn bị cáo Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính – Bộ Y tế) cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Gia đình bị cáo Liên nộp thêm một số tài liệu để làm căn cứ xin giảm nhẹ hình phạt và tự nguyện nộp thêm 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả của vụ án.

 Bị cáo Phan Quốc Việt (áo cộc tay màu xanh).

Bị cáo Phan Quốc Việt (áo cộc tay màu xanh).

Các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên. Các bị cáo mong HĐXX xem xét giảm án. Như bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á mong Hội đồng xét xử xem xét bối cảnh phạm tội, hành vi phạm tội của bị cáo và xin được giảm nhẹ hình phạt.

Một số bị cáo xin HĐXX xem xét được hưởng án treo vì bản thân chỉ là nhân viên, người làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì trong vụ án như: bị cáo Trần Thị Hồng (nhân viên Công ty Việt Á, án sơ thẩm 30 tháng tù); Ngụy Thị Hậu (Phó phòng Tài chính kế toán, CDC tỉnh Bắc Giang, án sơ thẩm 30 tháng tù).

Đáng chú ý, trong số các bị cáo có đơn xin kháng cáo lần này có bị cáo Trần Thanh Phong (cựu Phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương, án sơ thẩm 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo) xin HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành Kinh tế kỹ thuật - Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng thừa nhận các hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm.

Bị cáo Trịnh Thanh Hùng khai, sau khi giúp Phan Quốc Việt trong việc sản xuất kit test đã nhận 300.000 USD (tương đương hơn 8 tỉ đồng) từ Việt. Đối với số tiền này, tại cấp sơ thẩm, bị cáo và gia đình đã nộp khắc phục gần đủ.

“Trước phiên tòa hôm nay, tôi đã tác động gia đình nộp thêm tiền để hoàn thành 100% nghĩa vụ. Gia đình tôi cũng nộp thêm 50 triệu đồng với mong muốn được khắc phục hậu quả vụ án”, bị cáo Hùng nói.

Còn bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) trình bày trước HĐXX, bị cáo đã tác động gia đình khắc phục số tiền 27 tỉ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án. Bị cáo Tuyến khai, mình bị mắc nhiều bệnh nền, đái tháo đường, huyết áp, mong HĐXX xem xét đầy đủ công, tội giảm nhẹ thêm hình phạt cho bị cáo.

 Đại diện Viện kiểm sát đặt câu hỏi với bị cáo tại phiên tòa.

Đại diện Viện kiểm sát đặt câu hỏi với bị cáo tại phiên tòa.

Trong phần xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát cũng đặt một số câu hỏi đối với một số bị cáo như bị cáo Phan Quốc Việt.

Về việc bán thương mại kit test tại nhiều địa phương, cơ sở y tế, gây thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng, tại phiên tòa, bị cáo Phan Quốc Việt cho rằng, bị cáo chỉ là đồng phạm chứ không phải chủ mưu. Nếu có thiệt hại, thì CDC các tỉnh cũng phải cùng bồi thường, chứ không thể quy cho một mình bị cáo.

Tổng Giám đốc Việt Á cũng cho rằng, không thể nói việc Việt Á bán kit test giá cao là nâng khống giá, vì đây là loại hàng hóa Nhà nước không được áp giá, mà giá theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc thuận mua vừa bán.

Việt Á công bố giá, đơn vị nào đồng ý thì mua. Việt Á nộp thuế cho Nhà nước. Mặt hàng này, Nhà nước không áp giá nên bị cáo thấy không có nghĩa vụ chứng minh các khoản chi phí sản xuất.

Đại diện Viện kiểm sát hỏi Phan Quốc Việt về Công văn của Bộ Tài chính, trong đó xác định lợi nhuận tối đa được phép của mặt hàng này không quá 5%. Tuy nhiên, bị cáo Phan Quốc Việt lại cho rằng, mình không biết.

Ngay từ đầu, bị cáo đã biết kit test COVID-19 là tài sản Nhà nước nhưng bị cáo vẫn thông đồng để biến thành của riêng, chiếm đoạt rồi bán giá cao.

Bản án sơ thẩm đánh giá Phan Quốc Việt đã thông đồng với nhiều người tại Học viện Quân y, Bộ KH&CN, Bộ Y tế để chiếm đoạt quyền sở hữu kit test COVID-19. Sau đó, Việt bán kit test với giá cao tại 19 tỉnh, thành và nhiều cơ quan, tổ chức, gây thiệt hại 1.235 tỉ đồng, gồm 402 tỉ đồng của nhà nước.

 11 bị cáo tại phiên phúc thẩm.

11 bị cáo tại phiên phúc thẩm.

Trước đó, ngày 12/1, HĐXX TAND thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và 36 bị cáo liên quan trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

HĐXX đã tuyên phạt Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á bị tuyên phạt tổng cộng 29 năm tù và Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, tổng hình phạt 15 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Đưa hối lộ”.

Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, 18 năm tù; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương, 13 năm tù; Trịnh Thanh Hùng, cựu Vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, 14 năm tù cùng về tội “Nhận hối lộ”.

Vũ Phương

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/ky-an/dai-an-viet-a-cuu-bo-truong-nop-1-ti-dong-thuoc-cap-nop-500-trieu-dong-khac-phuc-hau-qua-157879.html