Áp lực trước kỳ thi vào lớp 10 hệ công lập ở TP Thanh Hóa

Số lượng học sinh lớp 9 nhiều, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập ít đang là áp lực nặng nề cho học sinh lẫn phụ huynh ở TP Thanh Hóa.

Học sinh ở TP Thanh Hóa dự kỳ thi vào lớp 10, năm học 2023-2024. (Ảnh TL)

Học sinh ở TP Thanh Hóa dự kỳ thi vào lớp 10, năm học 2023-2024. (Ảnh TL)

Theo kế hoạch Sở GD&ĐT Thanh Hóa, năm học 2024-2025, Sở đề nghị UBND tỉnh này phê duyệt phương án tăng chỉ tiêu tuyển sinh học sinh lớp 10 THPT cao hơn so với năm học 2023-2024. Tuy nhiên, số chỉ tiêu tăng thêm cho mỗi trường không nhiều nên áp lực của kỳ thi vào lớp 10 vẫn khá lớn, đặc biệt là địa bàn TP Thanh Hóa.

Con sắp thi, phụ huynh căng thẳng

Chị Hoàng Thị Thúy Lan ở phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) năm nay có con gái sẽ thi vào lớp 10 THPT. Theo chị Thúy Lan, mặc dù học lực của con gái mình cũng thuộc diện khá của trường và giỏi của lớp, nhưng chị vẫn rất lo lắng cho con trước kỳ thi quan trọng này.

“Vợ chồng tôi có con gái năm nay sẽ thi lên lớp 10. Mặc dù học lực của cháu cũng thuộc diện khá, nhưng tôi vẫn rất lo lắng cho con, vì kỳ thi này rất áp lực. Bởi vì, ở thành phố Thanh Hóa chỉ có 4 trường công lập, mà số lượng học sinh lớp 9 năm nay nghe nói là lên tới gần 6.000 học sinh.

Nếu con gái tôi không đủ điểm để vào trường công lập, thì cháu phải đi học ở trường tư thục. Trong khi đó, vợ chồng tôi làm công nhân, thì không biết sẽ phải xoay sở thế nào để đủ tiền đóng góp các khoản chi phí học hành trong 3 năm cho con gái học ở trường tư thục”, chị Thúy Lan chia sẻ.

Cũng như chị Thúy Lan, gia đình anh Trần Hoàng Thành, ở phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) đang có con trai chuẩn bị thi vào lớp 10 THPT. Anh Hoàng Thành chia sẻ về sự lo lắng cho con trong kỳ thi sắp tới rằng; con trai của anh có học lực cũng thuộc diện khá. Khi nắm bắt được thông tin về sự căng thẳng, áp lực của kỳ thi vào lớp 10, vợ chồng anh cũng chỉ biết động viên con phải cố gắng học thật tốt, để vượt qua kỳ thi quan trọng sắp tới.

“Thật lòng mà nói, bậc làm cha, làm mẹ thì không ai muốn con mình phải khổ. Nhưng, nếu không đỗ vào được trường THPT công lập, thì điều đầu tiên là ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề đối với con, vì tuổi các cháu cũng chưa thể hiểu hết được mọi lẽ. Bên cạnh đó, áp lực về kinh tế khi cho con đi học ở các trường tư thục. Mặc dù chúng tôi biết rằng, học tư thục không phải là không tốt, nhưng quả là khó khăn đối với những gia đình có mức thu nhập thấp như chúng tôi”, anh Thành tâm sự.

Kỳ thi vào lớp 10 hệ công lập rất áp lực với học sinh. Ảnh minh họa

Kỳ thi vào lớp 10 hệ công lập rất áp lực với học sinh. Ảnh minh họa

Theo tìm hiểu của GD&TĐ, hiện nay, ở TP Thanh Hóa ngoài Trường THPT chuyên Lam Sơn (là trường chuyên biệt), thì chỉ có 4 trường THPT công lập, gồm: THPT Hàm Rồng; THPT Đào Duy Từ, THPT Nguyễn Trãi và Trường THPT Tô Hiến Thành.

Ngoài những ngôi trường trên, thì hiện nay thành phố này còn có một số trường THPT ngoài công lập, như: THPT Trường Thi; THPT Đào Duy Anh; THPT Nguyễn Huệ; THPT Lý Thường Kiệt; TH, THCS&THPT Đông Bắc Ga; TH, THCS&THPT FanSiPan; TH, THCS&THPT Nobel School; TH, THCS& THPT VinSchool; TH, THCS& THPT QTH School và TH, THCS&THPT FPT.

Mặc dù, hệ thống trường THPT ngoài công lập ở TP Thanh Hóa khá đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, nhiều gia đình với điều kiện kinh tế ở mức trung bình, thì khó mà “cáng đáng” được kinh phí để lo cho con ăn học 3 năm THPT ở các ngôi trường ngoài công lập. Bởi vì thế, tâm lý đã đè nặng lên các bậc làm cha, làm mẹ khi có con đang chuẩn bị thi vào lớp 10 THPT hệ công lập.

Đề xuất tăng chỉ tiêu vào lớp 10

Ông Chu Hồng Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ cho biết, đến thời điểm (ngày 16/5), sau khi lọc hết hồ sơ ảo, thì nhà trường đã có 706 hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10. Tuy nhiên, số hồ sơ nêu trên chưa phải là con số cuối cùng, vì đang phải lọc một lần cuối sau khi thí sinh thay đổi nguyện vọng.

“Hiện nay, nhà trường cũng đang chờ quyết định của UBND tỉnh về việc có đồng ý cho tăng thêm lớp 10 hay không. Nếu phương án đề xuất cho tăng thêm lớp của Sở GD&ĐT mà được UBND tỉnh đồng ý, thì nhà trường sẽ tăng thêm 1 lớp 10. Như vậy, số lớp 10 tăng lên thành 14 lớp, với tổng số là 616 học sinh”, ông Văn cho hay.

Cũng theo ông Văn, nếu tăng thêm 1 lớp 10, thì chỉ tiêu học sinh lớp 10 của ngôi trường sẽ được tăng lên là 616. Như vậy, nếu so sánh giữa số hồ sơ đăng ký là 706, mà chỉ tiêu tuyển là 616, thì tỷ lệ “chọi” không phải là cao.

“Tuy nhiên, vì sao năm nào nhà trường cũng phải lấy điểm cao của đầu vào lớp 10? Vì, sau khi số học sinh dự thi vào Trường THPT chuyên Lam Sơn mà không đậu, thì sẽ có rất nhiều hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2 nộp về nhà trường để tham gia thi. Vì thế, bắt buộc nhà trường phải lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ số lượng chỉ tiêu được giao, thì dừng lại”, ông Văn lý giải.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Thanh Hóa, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, THPT DTNT năm học 2024-2025 của địa phương này có 46.400 hồ sơ đăng ký dự thi. Dự kiến, sẽ tuyển 39.836 chỉ tiêu. Trong đó, các trường THPT hệ công lập sẽ tuyển 37.096 chỉ tiêu, các trường THPT ngoài công lập sẽ tuyển 2.740 chỉ tiêu.

Phụ huynh đưa con đi thi vào lớp 10 hệ công lập ở TP Thanh Hóa. Ảnh tư liệu.

Phụ huynh đưa con đi thi vào lớp 10 hệ công lập ở TP Thanh Hóa. Ảnh tư liệu.

Riêng địa bàn TP Thanh Hóa, theo thông tin từ Phòng GD&ĐT, năm nay địa phương này có 5.817 học sinh lớp 9. Tính đến thời điểm này (16/5), đã có 4.822 hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT trên địa bàn, trong đó có 3.401 hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường công lập và 1.421 hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ngoài công lập.

Vì sao số học sinh lớp 9 của TP Thanh Hóa có gần 6.000 học sinh, mà số hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10 lại thấp như vậy? Theo tìm hiểu của GD&TĐ, do áp lực của kỳ thi vào lớp 10 hệ công lập, nên mặc dù học sinh có hộ khẩu thường trú ở TP Thanh Hóa, nhưng các em không đăng ký thi vào các Trường THPT công lập ở thành phố, mà chọn “lối thoát” là đăng ký dự thi vào các trường huyện gần.

Chẳng hạn, học sinh thuộc các phường Quảng Tâm, Quảng Cát, Quảng Đông, Quảng Thành (TP Thanh Hóa), có rất nhiều em đăng ký dự thi vào Trường THPT Chu Văn An (TP Sầm Sơn), vì ngôi trường này đóng ở xã Quảng Minh, nên có khoảng cách cũng không xa. Hoặc, học sinh ở một số phường, như: Đông Lĩnh, Đông Tân, Tân Sơn, Thiệu Dương, Thiệu Khánh...các em lại chọn phương án đăng ký dự thi vào Trường THPT Đông Sơn 1 (huyện Đông Sơn) và có khoảng cách khá gần...

Qua khảo sát cho thấy, nhiều ý kiến của người dân ở TP Thanh Hóa cho rằng về lâu dài, nếu TP Thanh Hóa không mở thêm trường, tỉnh Thanh Hóa không cho tăng thêm chỉ tiêu (sĩ số hoặc lớp), thì tình trạng áp lực của đầu vào lớp 10 hệ công lập ngày càng đè nặng lên học sinh lẫn các bậc phụ huynh có con, em chuẩn bị lên cấp THPT.

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ap-luc-truoc-ky-thi-vao-lop-10-he-cong-lap-o-tp-thanh-hoa-post683531.html