Ðẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Cơ cấu lại đầu tư công, ngân hàng và tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là ba trụ cột trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, cổ phần hóa (CPH) được coi là một trong các giải pháp quan trọng để cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế (TÐKT) và tổng công ty nhà nước (TCTNN) giai đoạn 2011 - 2015. Tuy vậy, tiến trình CPH vẫn chưa đạt như kỳ vọng, rất cần nhiều giải pháp thiết thực và kịp thời mới có thể về đích.

Sau cổ phần hóa, các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam có nhiều điều kiện đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng suất lao động. Trong ảnh: Vận hành dây chuyền chế biến mủ cốm tại Nhà máy chế biến mủ cao-su Long Hòa. Ảnh: ÐÌNH HUỆ

Kết quả chưa như kỳ vọng

Những tháng đầu năm, cả nước mới có 33 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, trong đó có 10 trong số 44 DN thuộc danh mục DNNN hoàn thành CPH năm 2017 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; còn 123 đơn vị tiếp tục triển khai CPH theo đề án cơ cấu lại giai đoạn 2011 - 2016. Tổng giá trị thực tế của 33 DN này lên tới 80.636 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với vốn điều lệ chỉ là 25.509 tỷ đồng. Trước đó, năm 2016, mới chỉ có 58 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH kịp thời, trong đó có sáu TCTNN với tổng giá trị thực tế 34.985 tỷ đồng, vốn điều lệ chỉ chiếm 24.785 tỷ đồng. Xác định CPH DNNN là giải pháp quyết định để khắc phục được tình trạng vô trách nhiệm, ỷ lại và lãng phí - bệnh "kinh niên" của DNNN; là giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn trong điều hành ngân sách nhà nước, góp phần xây dựng thị trường vốn lành mạnh, phong phú thì với tốc độ chưa đạt được nêu trên, một nguồn lực rất lớn của Nhà nước đã chậm đi vào đời sống kinh tế. Ðơn cử như trường hợp CPH của Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam (VRG).

Theo phương án CPH được trình lên Chính phủ của VRG, tại thời điểm xác định giá trị DN, VRG có 123 đơn vị thành viên với 75 DN cấp 2 (66 công ty con, chín công ty liên kết) và 48 DN cấp 3 (38 công ty con, 10 công ty liên kết). Trong đó, có 26 đơn vị thành viên gồm 19 công ty thuộc nhóm ngành cao-su và bảy công ty thuộc các ngành nghề kinh doanh khác thuộc đối tượng phải sắp xếp lại do Công ty mẹ - Tập đoàn và các công ty con cùng tham gia góp vốn; 25 DN cần thoái vốn do đầu tư ngoài ngành. Tập đoàn cũng có tới 43.614 lao động. Việc xác định giá trị DN của Công ty mẹ - Tập đoàn cho thấy, giá trị thực tế của DN để CPH là 40.736 tỷ đồng, chủ yếu là phần vốn nhà nước với 38.802 tỷ đồng.

Phó Tổng Giám đốc VRG Huỳnh Văn Bảo cho biết, chủ trương CPH Tập đoàn nhận được sự nhất trí cao của hầu hết các thành viên thuộc Tập đoàn. Chỉ mới khởi đầu từ 2016 tới nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tiến hành CPH Công ty mẹ - Tập đoàn gồm 20 công ty nông nghiệp, bốn đơn vị sự nghiệp và Văn phòng Tập đoàn. Việc CPH được thực hiện theo các Nghị định số 59/2011/NÐ-CP, 189/2013/NÐ-CP và 116/2015/NÐ-CP của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn và cơ chế đặc thù đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, trong thời gian này, Tập đoàn vẫn thực hiện theo quy định cũ, nhưng đã có sự sửa đổi mới về quy định CPH. Do đó, tiến trình CPH của Tập đoàn có khả năng vẫn phải chờ để thực hiện theo cơ chế mới. Ðể đẩy nhanh tiến độ, Tập đoàn đã đề xuất và được Bộ Tài chính thống nhất đề nghị của Bộ NN-PTNT về quy mô vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ, trình Chính phủ cho phép thực hiện "đón đầu" một số cơ chế mới đã sửa đổi, chuẩn bị ban hành. Ðó là một trong những điều kiện rất thuận lợi, được Chính phủ và các bộ, ngành chung tay tháo gỡ để DN vượt khó trong tiến trình CPH.

Từ quá trình CPH VRG cho thấy, vấn đề quan trọng, quyết định nhất để thúc đẩy CPH DNNN về đích đúng thời hạn chính là sự đồng thuận của cả DN, người lao động, người quản lý và các cơ quan hỗ trợ. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, hệ thống DNNN đã và đang được đổi mới, sắp xếp, thu gọn, từ gần 1.500 DNNN năm 2010, sau khi tích cực thực hiện CPH, tính đến hết năm 2016 còn khoảng 600 DNNN chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, bảo đảm cân đối vĩ mô, công ích, an ninh, quốc phòng. Công tác quan trọng này đã góp phần cơ cấu lại nguồn nhân lực cho DN và xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn, chứng khoán, làm thay đổi quản trị DN, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các DNNN sau khi CPH đã thực hiện quản trị công ty theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán như các công ty đại chúng khác. Sau CPH, có thể thấy rõ kết quả hoạt động kinh doanh của các DN này đều tăng hơn so với trước khi CPH, như năm 2015 vốn điều lệ tăng 72%; tổng tài sản tăng 39%; vốn chủ sở hữu tăng 60%; doanh thu tăng 29%; lợi nhuận trước thuế tăng 49%; nộp ngân sách tăng 27%; thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.

Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp, CPH vẫn còn chậm, chưa đạt được yêu cầu. Nhận định về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, một số bộ, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Tỷ lệ vốn nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án CPH DN. Mặt khác, số lượng DN thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi CPH còn lớn cho nên làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư (NÐT), nhất là NÐT lớn, chuyên nghiệp và là rào cản của quá trình đổi mới quản trị DN. Cục trưởng Tài chính DN (Bộ Tài chính) Ðặng Quyết Tiến cho biết, ngay cả cơ chế CPH DNNN hiện nay đã bộc lộ một số điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh phù hợp thực tiễn như: tăng cường kiểm tra, giám sát các DN 100% vốn thuộc các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, rà soát lại cơ chế bán cổ phần cho NÐT chiến lược (nhất là hạn chế phương thức bán thỏa thuận), rà soát việc xác định giá trị đất đai trong DN CPH phù hợp Luật Ðất đai năm 2013; việc thoái vốn nhà nước ở các DN đã CPH có gắn với quyền sử dụng đất cần phải được điều chỉnh, hoàn thiện để tránh thất thoát vốn nhà nước. Thậm chí, việc bàn giao các DN đã CPH về Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn chậm, việc thoái vốn, giảm tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư tại các DN theo tiêu chí phân loại DNNN chậm được triển khai. Việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán của các DN sau CPH còn chậm. Ðây chính là những thực tế tồn tại cần được tháo gỡ nhanh chóng.

Sớm hoàn thiện cơ chế

Lãnh đạo nhiều TÐKT cho biết, quá trình CPH tại DN giai đoạn này đã chịu tác động không nhỏ từ những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực, nhất là giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới dẫn tới suy giảm của thị trường tài chính, chứng khoán, do đó cũng tác động tiêu cực đến sức hút thị trường, làm chậm tiến độ CPH. Hơn nữa, đối tượng sắp xếp, CPH hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp cho nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện CPH các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều NÐT lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt đòi hỏi cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

Trên góc độ cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân chủ quan quan trọng chính là việc một số bộ, địa phương, TÐKT, TCTNN chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, CPH. Nhiều DNNN CPH thuộc đối tượng tham gia thị trường chứng khoán sau IPO đến nay chưa lên sàn tập trung. Ðiều này có ảnh hưởng không tốt đến niềm tin của NÐT khi đưa ra quyết định đầu tư cổ phiếu qua đấu giá do e ngại cổ phiếu sau đấu giá khó giao dịch. Nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, ngành và DN về chủ trương CPH tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau CPH, làm ảnh hưởng tiến độ CPH.

Ðể đẩy mạnh tiến độ CPH DNNN từ nay đến cuối năm, theo các chuyên gia, cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN. Rà soát kỹ các luật có liên quan như Luật DN; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Luật Cán bộ, công chức; Luật Phá sản; Bộ luật Lao động và các quy định liên quan trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp quá trình cơ cấu lại và vai trò, vị trí của DNNN thời gian tới. Ðáng chú ý, Chính phủ sớm ban hành các cơ chế, chính sách đẩy nhanh quá trình CPH như Nghị định thay thế Nghị định số 59/2011/NÐ-CP về CPH DNNN; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NÐ-CP ngày 13-10-2015 về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN...

Bên cạnh đó, các DN cũng cho rằng, cần hoàn thiện phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, ngành, địa phương đối với vốn, tài sản nhà nước tại các DN. Cần có sự thống nhất nhanh về cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại DN. Ðồng thời có cơ chế, chế tài để các tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ được phân công, phân cấp, nhất là việc đôn đốc các DN đã CPH thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đăng ký giao dịch niêm yết... Chỉ khi có sự quyết liệt và giải quyết bất cập triệt để thì DNNN đã cấu trúc lại hay DN đang CPH mới có điều kiện tốt để hoạt động hiệu quả - Phó Tổng Giám đốc SCIC Phạm Ðức Thành cho biết.

Cơ cấu lại DNNN tập trung vào các TÐKT, TCTNN là nhằm xây dựng DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, đẩy nhanh tiến trình CPH cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn, thực hiện triệt để các giải pháp đã đề ra để tiến trình này về đích đúng kế hoạch.

Bộ Tài chính cho biết, đã trình Chính phủ các cơ chế chính sách phục vụ quá trình CPH, cơ cấu lại DNNN theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản nhà nước tại DN để CPH, thoái vốn nhà nước; thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo Luật Ðất đai năm 2013; bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược; giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để đổi mới quản trị DN một cách thực chất...

Bộ Tài chính cho biết, đã trình Chính phủ các cơ chế chính sách phục vụ quá trình CPH, cơ cấu lại DNNN theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản nhà nước tại DN để CPH, thoái vốn nhà nước; thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo Luật Ðất đai năm 2013; bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược; giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để đổi mới quản trị DN một cách thực chất...

SÔNG TRÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/34778502-%C3%B0ay-nhanh-tien-trinh-co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc.html