ZTE 'thay máu' hoàn toàn đội ngũ lãnh đạo cấp cao

Mới đây, ZTE, hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai tại Trung Quốc công bố đã thay thế hoàn toàn đội ngũ lãnh đạo chóp bu theo đúng yêu cầu của chính phủ Mỹ. Đây được coi là động thái mới nhất để ZTE lấy lại lòng tin từ chính quyền Mỹ sau khi công ty Trung Quốc này bị Mỹ cấm mua hàng xuất khẩu từ các công ty Mỹ trong vòng 7 năm.

Theo đó, tất cả 14 vị trí, bao gồm cả Chủ tịch Yin Yimin đều đã từ chức trong hội đồng quản trị của ZTE. Thay vào đó, Li Zixue, 54 tuổi, người trước đó là Phó Giám đốc Viện Công nghệ vi điện tử Tây An, Trung Quốc được bổ nhiệm giữ chức chủ tịch mới của ZTE. Ngoài ra, Ban quản trị mới của ZTE được bổ nhiệm với 8 thành viên. Quá trình bổ nhiệm các thành viên hội đồng quản trị được chọn lựa cẩn thận bởi cổ đông của ZTE, qua lựa chọn hồ sơ và cả qua tham vấn ý kiến của các quan chức kỳ cựu của chính quyền Trung Quốc cũng như dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền Mỹ.

Nguyên Chủ tịch ZTE Yin Yimin phát biểu tại một hội thảo được tổ chức tại Thâm Quyến, Trung Quốc hồi tháng 4 vừa qua.

Được biết, ZTE gặp phải những vướng mắc do vi phạm đối với lệnh cấm vận của Mỹ, nơi công ty đã bán các sản phẩm liên quan đến công nghệ từ Mỹ cho các quốc gia như Iran và Triều Tiên. Theo lệnh cấm, ZTE sẽ không được phép mua các thành phần nào từ các công ty công nghệ của Mỹ, bao gồm chip xử lý Qualcomm vốn có mặt trên nhiều smartphone của ZTE.

Trước đó, trong một nỗ lực để Mỹ xóa bỏ lệnh cấm, ZTE đã nộp phạt 1,4 tỷ USD. Ngoài ra, chính phủ Mỹ còn yêu cầu ZTE phải thay thế hoàn toàn ban lãnh đạo cấp cao và nghiêm túc sa thải những nhân viên liên quan đến vụ việc này.

Còn trước đó, trong nội dung lệnh cấm 7 năm, chính phủ Mỹ cũng đã yêu cầu ZTE phải sa thải 04 giám đốc cấp cao và 35 nhân viên khác thuộc các nhà cung ứng tại Mỹ. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ZTE đã phớt lờ yêu cầu này. Không những vậy, ZTE lại trả đầy đủ lương thưởng cho các nhân viên có liên quan đến vụ việc phi pháp trên.

Đây chính là một lý do mà trong thỏa thuận xóa bỏ lệnh cấm này chính phủ Mỹ tiếp tục yêu cầu ZTE phải “thay máu hoàn toàn” ban lãnh đạo cấp cao và xử lý nghiêm các nhân viên có liên quan.

Tương lai vẫn mờ mịt

Sau khi đã nghiêm túc thực hiện các yêu cầu từ chính quyền Mỹ, có thể tạm coi ZTE đã thoát cửa tử. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, vấn đề lớn hơn của ZTE bây giờ là phải giải quyết hàng loạt khó khăn nội tại.

Bởi lẽ, trước đó, lệnh cấm kéo dài hai tháng qua đã khiến ZTE lao đao khi các hoạt động kinh doanh chính bị đình trệ, trong đó, mảng smartphone có nguy cơ bị khai tử do không được phép sử dụng chip di động Qualcomm và hệ điều hành di động Google Android. Sự việc còn nghiêm trọng hơn khi ZTE dường như đã mất quyền truy cập vào một phần chuỗi cung ứng của mình tại Mỹ, bao gồm chip Snapdragon của Qualcomm và giấy phép cho phép cài đặt phiên bản Google Play Service của hệ điều hành Android nguồn mở. Đồng nghĩa với việc smartphone của ZTE sẽ không có các phần mềm quan trọng của Google, như Play Store hay Gmail.

Ngoài ra, giờ đây, ZTE sẽ phải kết nối lại với khách hàng. Điều này có nghĩa, ZTE đồng thời phải giải quyết hàng loạt vấn đề hóc búa về cách thức kinh doanh vốn đầy rẫy cáo buộc hối lộ, thổi giá và vi phạm luật pháp nước sở tại.

Lê Hường (theo Telecomlead)

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201807/zte-thay-mau-hoan-toan-doi-ngu-lanh-dao-cap-cao-607307/