Zing Music Awards 2017: Không thể đánh giá thấp gu nhạc của giới trẻ

Danh sách 20 ca khúc nhạc Việt có lượt nghe nhiều nhất năm 2017 có nhiều cái tên quen thuộc như 'Lạc trôi', 'Em gái mưa', 'Yêu là tha thu',...

Nghệ sĩ chia sẻ về Zing Music Awards Nhiều nghệ sĩ đã đồng hành và được vinh danh tại Zing Music Awards.

Nhẹ nhõm và phấn khích có lẽ là cảm xúc chung của nhiều người yêu nhạc khi nhìn vào danh sách đề cử Bài hát của năm 2017 trong khuôn khổ Zing Music Awards 2017, cũng là những ca khúc Vpop được nghe nhiều nhất năm qua trên hệ thống Zing MP3. Bởi ở đó không có thảm họa âm nhạc nào xuất hiện.

Khá dễ hiểu vì danh sách này dựa trên số lượt nghe chứ không phải số lượt xem. Do đó, không thể có chỗ cho những ca khúc thảm họa. Khán giả có thể dành vài phút để xem một MV với phần nhạc dở tệ, nhưng khi chỉ nghe không, họ sẽ chọn nhạc đáng nghe. Vì thế, đừng ai cho rằng có thể dễ dàng dắt mũi được thị trường.

Bên cạnh đó, danh sách đề cử cũng cho thấy nhiều xu hướng trong gu nhạc của khán giả trẻ.

Ballad vẫn là vua, nhưng ngôi vương sắp lung lay

Trong số 20 bài hát được nghe nhiều nhất có tới 13 bài hát theo phong cách ballad nhẹ nhàng. Đa phần đều là các bản ballad buồn, từ những bài nghe tên đã buồn như Sống xa anh chẳng dễ dàng của Bảo Anh cho đến những bài tên thì vui nhưng nhạc thì buồn như Happy Ending của Erik.

Bảo Anh trong MV mới "Sống xa anh chẳng dễ dàng" giống một bộ phim cổ trang Trung Quốc.

Tiêu biểu cho sự thống trị của dòng ballad chính là Em gái mưa của Hương Tràm, ca khúc làm mưa làm gió trên tất cả các bảng xếp hạng âm nhạc Việt Nam trong năm qua. Tiếng mưa rả rích ở phần đầu ca khúc dần mở ra cả một câu chuyện về tình yêu đơn phương của một cô gái.

Dường như sau bao nhiêu năm, khán giả vẫn thích những bài hát da diết về mưa. Em gái mưa thêm một lần chứng minh công thức tạo hit trong nhạc Việt là giọng hát sâu lắng cộng thêm một chuyện tình buồn liên quan tới mưa.

Ngoài ra, không thể không kể tới những ca khúc ballad đình đám khác như Yêu là tha thu (Only C), Xin đừng lặng im (Soobin Hoàng Sơn), Chiều hôm ấy (Jaykii),... Trong khi đó, Có em chờ của Min và Mr.A là ca khúc ballad hiếm hoi có không khí vui tươi.

Sức hút của ballad mạnh mẽ đến nỗi không chỉ những giọng ca chuyên trị ballad như Trung Quân Idol tiếp tục trung thành với nó (ca khúc Có điều gì sao không nói cùng anh), thậm chí một nghệ sĩ thành danh với dòng nhạc EDM/Dance như Tóc Tiên năm nay cũng gây sốt khi lấn sân với Em không là duy nhất.

Sự tung hoành của ballad là điều có thể dự đoán trước. Từ xưa đến nay, ballad luôn là món tủ của nhạc Việt. Năm ngoái, nhà nhà đua nhau làm EDM và cho rằng đó là năm của EDM và các DJ. Nhưng trong danh sách các ca khúc được nghe nhiều nhất thống kê bởi Zing Music Awards 2016, ballad vẫn chiếm tới 7 vị trí trong top 10.

Với sự trở lại của Sơn Tùng M-TP cũng như sự bùng nổ của các nghệ sĩ indie, âm nhạc 2017 trở nên phong phú hơn rất nhiều và ballad tuy vẫn là vua nhưng ngôi vương của nó đang có dấu hiệu lung lay.

Những kẻ soán ngôi càng lạ càng gây nghiện

Biến hóa như tắc kè hoa, Sơn Tùng M-TP không bao giờ làm ra thứ âm nhạc quen tai mà khán giả đã thích, anh luôn liều lĩnh làm ra những thứ độc đáo thử thách đôi tai của người nghe.

Lạc trôi - Sơn Tùng M-TP MV ra mắt thời khắc giao thừa

Ra mắt ngay ngày đầu năm mới, Lạc trôi là một nhạc phẩm rất lạ. Giai điệu không bắt tai, lời ca không dễ nhớ, tức là khác xa với tiêu chuẩn làm nên các bản hit thông thường, nhưng Lạc trôi lập tức tạo ra một cơn sốt với hàng trăm triệu lượt nghe.

Sự kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc và future bass, cộng hưởng với lời hát dụng công cầu kỳ đã tạo nên một ca khúc với phong vị nửa cổ nửa kim, mở ra những biên giới mới cho nhạc trẻ hiện đại.

Không đặc biệt như Lạc trôi nhưng Nơi này có anh, một ca khúc khác của Sơn Tùng lọt vào danh sách, cũng không hề dính tí nào tới ballad. Có thể nói, Sơn Tùng là nghệ sĩ luôn tạo ra hướng đi riêng, hiếm khi chạy theo trào lưu. Thay vào đó, anh tạo ra trào lưu của chính mình.

Cũng tận dụng nhạc cụ phương Đông và future bass và đạt được thành công rực rỡ như Lạc trôiNói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau của Bích Phương. Sau Gửi anh xa nhớ hòa trộn giữa pop và nhạc cổ truyền vào năm ngoái, Bích Phương càng ngày càng thoát khỏi hình ảnh nàng công chúa hát nhạc sến ngày nào.

Năm 2017, cơn gió lạ indie cũng đã tích lũy đủ để biến thành cơn bão. Trong khi rất nhiều ca sĩ mainstream đi vào lối mòn, những ca sĩ underground lại phục vụ khán giả bằng sức sáng tạo vô biên của mình.

Túy Âm - Xesi, Masew, Nhật Nguyễn Ca khúc "Túy Âm" gây xôn xao cộng đồng mạng.

Rhymnastic từng khẳng định: “Rapper cũng như một nhà thơ.” Và năm nay, bản hit Yêu 5 theo phong cách pop, rap, điện tử đã giúp anh chứng minh được rằng lời tuyên bố của mình là không hề ngông cuồng hay ảo tưởng.

Một ca khúc khác khiến khán giả "say đến điên dại, say hết kiếp người, say cho cháy lòng" cũng đến từ cộng đồng nhạc indie, đó là Túy âm. Đây là một ca khúc kỳ quặc, nghe hàng trăm lần không chán.

Đưa dân gian đương đại vào EDM thì không mới, nhưng điều mà các tác giả trẻ như Xesi, Masew và Nhật Nguyễn làm được là tạo ra một chất men say, túy tửu tiêu sầu, người hát thì say trong rượu, người nghe thì say trong nhạc.

Đừng đùa với gu nhạc của giới trẻ

“Không hiểu bọn trẻ đang nghe cái gì” là câu cửa miệng của nhiều người lớn tuổi. Khán giả trẻ luôn bị gắn mác là những người dễ dãi, dễ chiều, thậm chí “đàn gảy tai trâu”, không biết thưởng thức âm nhạc, ai cho nghe nhạc gì cũng “xơi”.

Thế nhưng, nhìn vào bảng xếp hạng các ca khúc với lượt nghe nhiều nhất trong năm qua của Zing MP3, có thể thấy nhận định trên là không có cơ sở. Thị hiếu vẫn xoay quanh chủ yếu là các bản ballad nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng xu hướng nhạc cũng bắt đầu chuyển dịch dần về những sáng tạo và thử nghiệm mới.

Hương Tràm có một năm rực rỡ với Em gái mưa. Ảnh: Việt Hùng.

Hương Tràm có một năm rực rỡ với Em gái mưa. Ảnh: Việt Hùng.

Khán giả hoàn toàn bắt kịp với sự phát triển của âm nhạc thế giới, họ cũng yêu thích các thể loại “tối tân” như tropical house, future bass. Nhưng bên cạnh đó, họ cũng tìm về các giá trị tinh hoa dân tộc, ủng hộ các ca khúc có yếu tố dân gian, truyền thống.

Những bài hát thảm họa tưởng như đi đâu cũng được nhắc đến, thực tế lại không phải những ca khúc được nghe nhiều nhất. Khán giả có thể bàn tán về nó trong những lúc chuyện phiếm, nhưng nghe thì không.

Vì thế, đừng cho rằng khán giả trẻ không có gu. Họ rất có gu. Và các nghệ sĩ, những ai được vinh danh trong giải thưởng, thì đều nhờ những nỗ lực không ngừng.

Hiền Trang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/zing-music-awards-2017-khong-the-danh-gia-thap-gu-nhac-cua-gioi-tre-post807825.html