Zimbabwe thời Mugabe: Lạm phát 500 tỷ % và vết sẹo nhức nhối

Sự quản lý yếu kém của Mugabe trong 37 năm cầm quyền đã khiến Zimbabwe trở thành vùng đất khô cằn không còn hy vọng, với vết sẹo nhức nhối từ những cuộc đàn áp đẫm máu.

Tổng thống 93 tuổi của Zimbabwe Nắm quyền từ những năm 1980, Tổng thống Robert Mugabe không có ý định về hưu ở tuổi 93 và dường như muốn chia sẻ quyền lực cho người vợ nổi tiếng ăn chơi.

Từ anh hùng giải phóng dân tộc đến nhà độc tài chuyên chế, Robert Mugabe, với 37 năm cai trị Zimbabwe, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng và gây tranh cãi nhất châu Phi.

Mưu mẹo và lạnh lùng, nhà lãnh đạo 93 tuổi đã vượt mặt nhiều đối thủ trong hàng thập kỷ nhưng lại sụp đổ vì một tính toán sai lầm trong những tuần cuối cùng nắm quyền. Theo AP, ông đã phạm sai lầm khi gạt bỏ cánh tay phải của mình và chọn vợ làm người kế nhiệm.

Tổng thống Robert Mugabe tại trụ sở của đảng cầm quyền Zanu PF ở Harare, Zimbabwe, ngày 29/8/2007. Ảnh: AP.

Tổng thống Robert Mugabe tại trụ sở của đảng cầm quyền Zanu PF ở Harare, Zimbabwe, ngày 29/8/2007. Ảnh: AP.

Ông không ngờ phó tổng thống bị mất chức Emmerson Mnangagwa sẽ lật đổ mình nhẹ nhàng và khéo léo đến thế. Qua nhiều năm đi theo Mugabe, Manangagwa đã học được cách thâu tóm và tận dụng quyền lực.

Đối với các nhà lãnh đạo khác trên khắp lục địa, Mugabe cũng là người truyền cảm hứng. Chiến thuật mở rộng quyền lực của ông bằng cách lợi dụng hiến pháp, đàn áp phe đối lập thông qua bạo lực và hăm dọa là tấm gương để họ noi theo trong nhiều năm.

Siêu lạm phát 500 tỷ %

Việc Mugabe dùng bạo lực tịch thu trang trại của các chủ đồn điền da trắng là dấu ấn đáng chú ý trong những năm cầm quyền của ông. Chính sách này đã tàn phá ngành sản xuất nông nghiệp của đất nước, biến vựa lương thực nổi tiếng của châu Phi thành vùng đất khô cằn và đói khát.

Trong khi đó, Mugabe bao biện bằng những lời lẽ hùng hồn rằng đất đai của châu Phi phải do người châu Phi nắm giữ. Tuy nhiên, các trang trại đã không được chuyển giao cho những người da đen nghèo như cam kết. Thay vào đó, chúng rơi vào tay các tướng lĩnh, các bộ trưởng nội các, bạn bè và vợ ông. Nhiều cánh đồng bị bỏ hoang những năm sau đó.

Sự quản lý yếu kém của ông với nền kinh tế Zimbabwe thực sự gây sửng sốt. Từ một đất nước có cơ hội việc làm và nền giáo dục tốt, Zimbabwe trở thành vùng đất không còn hy vọng, nơi người dân lũ lượt bỏ đi.

Khoảng 3 triệu người Zimbabwe đang ở quốc gia láng giềng Nam Phi, nơi họ sẵn sàng làm công việc tay chân dù có trình độ học vấn cao. Hàng chục nghìn người Zimbabwe sống lưu vong ở Anh. Trong khi đó, 13 triệu người ở lại trong nước đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp cao hơn 80%.

Các thành viên của đảng đối lập Phong trào Thay đổi Dân chủ (MDC) biểu tình trên đường phố của thủ đô Harare, ngày 23/1/2008. Họ phản đối chi phí sinh hoạt đắt đỏ và sự khổ cực mà người Zimbabwe phải chịu đựng dưới sự nắm quyền của Mugabe, đồng thời yêu cầu bầu cử tự do và công bằng. Ảnh: AFP/Getty.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2008, siêu lạm phát của Zimbabwe đã đạt tới 500 tỷ %. Một mớ tiền 100 nghìn tỷ đô la Zimbabwe không đủ để mua nhu yếu phẩm. Lạm phát chỉ được kiểm soát khi Zimbabwe phá giá tiền tệ và chuyển sang dùng USD vào năm 2009.

Theo ước tính, khu vực công nghiệp của Zimbabwe hoạt động chưa đầy 30% công suất. Ngành du lịch khô héo. Với các mỏ kim cương, bạch kim, vàng và crom lớn, ngành mỏ của Zimbabwe vẫn tiếp tục hoạt động nhưng lời đe dọa quốc hữu hóa của Mugabe đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài e dè.

Các mỏ kim cương Marange được phát hiện vào năm 2009 giống như kho báu từ trên trời rơi xuống. Những viên đá quý chất lượng cao trên các bãi đất bồi dễ khai thác đem lại nguồn thu hàng tỷ đô la. Mugabe đã điều quân đội tới tiếp quản khu vực này và quốc hữu hóa các mỏ, gạt bỏ các công ty Anh và Trung Quốc đang hoạt động ở đây.

Tuy nhiên, rất ít nguồn thu từ kim cương được đưa vào kho bạc nhà nước để đóng góp vào ngành giáo dục và dịch vụ y tế đang kiệt quệ. Mugabe cùng gia đình và các đồng minh thân thiết nhất đã tích lũy số tài sản tầm cỡ thế giới.

Vết sẹo nhức nhối

Ngay khi được giải phóng khỏi các nhà cai trị thiểu số da trắng, người Zimbabwe lại đối mặt với hệ thống nội gián sâu rộng của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIO). Hàng trăm người ủng hộ phe đối lập đã thiệt mạng hoặc biến mất trong các chiến dịch bầu cử. Nhiều người bị tra tấn.

Thật khó để nhớ rằng Mugabe từng được quốc tế ca ngợi vì đưa Zimbabwe tới độc lập. Trong suốt những năm 1970, ông đã lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích chống lại chế độ cai trị thiểu số của Rhodesia, tiền thân của Zimbabwe. Ông ủng hộ hòa giải sắc tộc và từng được đề cử giải Nobel Hòa bình.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe duyệt đội cận vệ trong lễ khai mạc kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 7 ở thủ đô Harare, ngày 6/10/2009. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, ngay cả trong những năm tháng huy hoàng khi Zimbabwe vừa giành độc lập, Mugabe luôn lạnh lùng và đầy toan tính khi phát biểu hay xuất hiện trước công chúng.

Chiến dịch đàn áp đẫm máu nhóm phiến quân ủng hộ lãnh đạo phe đối lập Joshua Nkomo là vết sẹo khiến đất nước nhức nhối. Từ năm 1983 đến năm 1985, ước tính khoảng 10.000 đến 20.000 người dân tộc thiểu số ở Ndebele đã bị quân đội miền Nam Zimbabwe giết hại trong cuộc thảm sát Matabeleland. Vụ thảm sát là vết đen lớn nhất trong hồ sơ của Mugabe.

Dù danh tiếng bị vấy bẩn vì những vụ giết người nhưng Mugabe vẫn được kính trọng một cách miễn cưỡng, nhất là nhờ sự ủng hộ của ông trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc ở nước láng giềng Nam Phi. Khi Nelson Mandela được phóng thích khỏi nhà tù vào năm 1990, ông đã nhanh chóng đến Zimbabwe để cảm ơn sự ủng hộ của Mugabe.

Tuy nhiên, bị tiếng tăm của Mandela lấn át, Mugabe đã cảm thấy tức giận. Khi Mugabe kết hôn với người vợ thứ hai Grace vào năm 1996, Mandela đã tham gia ban tiếp tân. Mugabe có vẻ bực bội khi Mandela nhận được sự reo hò nhiều hơn từ hàng nghìn khách mời.

Sự phẫn nộ thường trực của người Zimbabwe

Là một lãnh đạo khắc khổ, Mugabe hiếm khi uống rượu và trông vẫn hoạt bát dù tuổi cao. Tuy nhiên, lối sống khiêm nhường này đã thay đổi sau khi ông kết hôn với Grace Mugabe.

Tổng thống Robert Mugabe và phu nhân Grace tới thăm Bệnh viện Harare ở Harare, Zimbabwe, ngày 27/3/2008. Ảnh: AP.

Họ xây dựng biệt thự 25 phòng ngủ trên khu đất ngoại ô Borrowdale của Harare, nơi được biết đến là Biệt thự Mái xanh vì có phần mái lợp bằng ngói ngọc lam nhập khẩu từ Trung Quốc. Những tháng cuối cùng khi Mugabe nắm quyền, lối sống xa hoa của gia đình ông vẫn không khỏi khiến công chúng sửng sốt.

Phu nhân Grace, người có biệt hiệu “Gucci Grace” vì sở thích dùng hàng hiệu, đã kiện một nhà buôn kim cương Lebanon vì giao dịch không như ý. Bà cáo buộc người này chỉ đưa cho bà viên đá quý 30 carat sau khi nhận được viên kim cương 100 carat của bà.

Sự phẫn nộ thường trực của người Zimbabwe đã bùng nổ vào ngày 16/11, vài ngày sau khi quân đội giam lỏng Mugabe. Phần lớn trong số 1,6 triệu dân của thủ đô Harare đã đổ xuống đường kêu gọi tổng thống lâu năm nhường bước.

Người Zimbabwe vỡ òa vui sướng sau khi Mugabe từ chức Người dân Zimbabwe vỡ òa trong vui sướng và đổ xuống đường ăn mừng trước thông tin Tổng thống Robert Mugabe gửi thư xin từ chức tới quốc hội, chấm dứt 37 năm liên tục cầm quyền.

Tuyết Mai
Theo AP

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/zimbabwe-thoi-mugabe-lam-phat-500-ty-va-vet-seo-nhuc-nhoi-post798376.html