Zambia đối mặt nguy cơ mất tài nguyên vì vay tiền Trung Quốc

Các công ty Trung Quốc lăm le chiếm quyền kiểm soát nguồn tài nguyên tại Zambia vì quốc gia châu Phi không trả được những khoản nợ quá lớn.

Theo CNBC, nền kinh tế lớn thứ ba Nam Phi đang vật lộn với tình trạng thiếu điện và không đủ kinh phí nhập khẩu điện. Hồi tháng trước, Công ty điện lực nhà nước Zesco tiết lộ thiếu tới 810 MW điện vào tháng 11/2019.

Zambia và nước láng giềng Zimbabwe bị cắt điện 20 giờ/ngày do hạn hán làm giảm sản lượng thủy điện. Ngoài ra, Zambia còn đối mặt với nguy cơ không thể trả nợ hàng loạt dự án xây dựng hạ tầng quy mô lớn.

Nợ quá lớn, Zambia không thể dùng dự trữ ngoại hối để nhập khẩu điện từ Nam Phi và Mozambique. Nợ của quốc gia này dự kiến đạt 96% GDP vào năm 2020. Trong năm 2019, Zambia không thể trả một số khoản nợ.

 GDP của Zambia đã giảm một nửa xuống còn 2% trong 3 năm qua. Ảnh: Getty Images.

GDP của Zambia đã giảm một nửa xuống còn 2% trong 3 năm qua. Ảnh: Getty Images.

Con nợ lớn của Trung Quốc

Trung Quốc cho các quốc gia châu Phi vay hàng chục tỷ USD để phát triển các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong những năm qua. Đây là một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường.

Zambia là một trong những con nợ lớn nhất của Trung Quốc ở châu Phi. Tháng 3/2019, Ngân hàng China Exim Bank đe dọa rằng các nhà thầu Trung Quốc sẽ ngừng triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở Zambia nếu chính phủ nước này không thể trả nợ.

Theo báo cáo của EXX Africa, một số dự án xây dựng đường sá do các công ty Trung Quốc thực hiện đã bị đình chỉ hồi cuối năm 2019.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng cảnh báo về tình trạng nợ quá cao và dự trữ ngoại hối sụt giảm của Zambia. GDP của Zambia giảm một nửa xuống còn 2% trong 3 năm qua, đồng tiền mất giá gần 17% so với đồng USD và lạm phát ở mức 10%.

Zambia vay nhiều tiền từ Trung Quốc để phát triển các dự án hạ tầng. Ảnh: Daily Maverik.

Để giải quyết tình trạng suy thoái của đất nước, Tổng thống Edgar Lungu cho biết chính phủ đang tìm cách giảm nợ trong nước và duy trì tỷ lệ nợ ở mức bền vững hơn. Quốc gia này trì hoãn nhận khoản vay 2,6 tỷ USD trong năm 2018.

Thống kê chính thức cho thấy nợ nước ngoài của Zambia lên đến 10,05 tỷ USD vào cuối năm 2018, tăng mạnh so với mức 8,74 tỷ USD của giai đoạn cuối năm 2017. Tuy nhiên, EXX Africa và các tổ chức độc lập cho rằng nợ thực tế của Zambia lớn hơn nhiều, vì hàng loạt khoản vay từ Trung Quốc không được công bố.

Trung Quốc muốn kiểm soát nguồn tài nguyên Zambia

Zambia đã tái cấu trúc, đàm phán lại và tái cấp vốn cho các dự án vay vốn từ Trung Quốc, theo Giám đốc điều hành EXX Africa Robert Besseling.

"Nhưng các công ty trung Quốc liên tục gây áp lực lên Bộ Tài chính Zambia để đòi nước này phải trả nợ. Các công ty Trung Quốc muốn chính phủ Zambia phải đưa các tài sản thế chấp mới", ông Besseling nhấn mạnh.

Đáng chú ý, một số tập đoàn Trung Quốc đang tìm cách chiếm quyền kiểm soát các khu mỏ của Konkola Copper, công ty con của Vedanta Resources (Anh). Zambia là nhà sản xuất đồng lớn thứ hai châu Phi.

Tập đoàn CCECC của Trung Quốc đang buộc phía Zambia phải cơ cấu một số khoản nợ theo hướng chấp nhận thế chấp các nguồn tài nguyên khoáng sản. Ông Besseling tiết lộ các quan chức chính quyền Trung Quốc, China Exim Bank và Sinosure sẽ đàm phán với phía Zambia.

EXX Africa cũng cảnh báo các công ty Trung Quốc đang tìm cách quyền kiểm soát cơ sở Mopani của Glencore và First Quantum Minerals, nhà khai thác khoáng sản lớn nhất Zambia.

Ngoài việc tìm quyền kiểm soát đối với các tài sản khai thác, Trung Quốc còn giữ cổ phần trong ZNBC, đài truyền hình quốc gia Zambia.

Phương Thảo

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/zambia-doi-mat-nguy-co-mat-tai-nguyen-vi-vay-tien-trung-quoc-post1036253.html