Sau sự cố bắn chết người của Alec Baldwin, Hollywood có cần dùng súng thật trên phim?

Sau sự cố bắn chết đồng nghiệp của Alec Baldwin trên phim trường 'Rust', đã đến lúc Hollywood nghiêm túc ra lệnh cấm sử dụng súng thật trên phim.

Những ngày qua, Hollywood dõi theo cuộc điều tra thảm kịch trên trường quay bộ phim độc lập "Rust" đã cướp đi sinh mạng của nhà quay phim Halyna Hutchins và khiến đạo diễn Joel Souza bị thương. Tai nạn xảy ra khi Alec Baldwin đang diễn tập với một khẩu súng thật. Điều này dấy lên nhiều nỗi lo ngại về an toàn trên phim trường và ngành công nghiệp điện ảnh phải đối mặt với câu hỏi liệu có cần thiết sử dụng súng thật trên phim hay không?

Tai nạn thương tâm trên phim trường "Rust" đã cướp đi sinh mạng của nữ quay phim tài năng Halyna Hutchins.

Tai nạn thương tâm trên phim trường "Rust" đã cướp đi sinh mạng của nữ quay phim tài năng Halyna Hutchins.

Sau tai nạn thương tâm trên phim trường "Rust", nhà sản xuất bộ phim cảnh sát "The Rookie" của đài ABC đã cấm sử dụng súng thật trên phim trường. Nhà sản xuất phim Eric Kripke cho biết anh đang thực hiện "một cam kết không sử dụng súng có đạn rỗng trong bất kì bộ phim nào" của mình.

Graham Skipper, một nhà làm phim độc lập thì cho biết: “Tôi không thấy lý do gì để chúng tôi có vũ khí bắn thật trên trường quay . Một người sử dụng máy tính với phần mềm chỉnh sửa cơ bản nhất có thể tạo ra những hiệu ứng cháy nổ".

Nhà làm phim từng đoạt giải thưởng Bandar Albuliwi đã lập một bản kiến nghị trên Change.org nhằm kêu gọi cấm sử dụng súng thật trên phim trường và yêu cầu các điều kiện làm việc tốt hơn cho đoàn làm phim.

“Chúng ta cần đảm bảo rằng thảm kịch có thể tránh được này sẽ không bao giờ xảy ra nữa,” Albuliwi nêu trong đơn thỉnh cầu. “Không có lý do gì để những điều như thế này xảy ra trong thế kỷ 21. Súng thật không còn cần thiết trên phim trường”- một lập luận đang được đưa ra dựa trên công nghệ hiệu ứng hình ảnh hiện đã có sẵn. Bản kiến nghị cũng kêu gọi các bên ký tên "yêu cầu Baldwin sử dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình trong ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood để thay đổi và cấm súng thật trên phim trường".

Bandar Albuliwi nghi ngờ rằng việc sử dụng súng thật vẫn tiếp diễn. Anh trích dẫn sự ra đi của nam diễn viên Brandon Lee trên trường quay của bộ phim "The Crow" năm 1993 và nữ quay phim Sarah Jones vào năm 2014 khi sản xuất bộ phim "Người lái xe lúc nửa đêm" như các ví dụ trước đó. Điều mà toàn ngành phải đặt lên hàng đầu là sự an toàn của ekip làm phim.

Albuliwi nói: “Điều này đáng ra không nên xảy ra sau khi Brandon Lee chết vì chính khẩu súng trên tay mình. Hollywood không thay đổi trong 30 năm. Những vụ việc tương tự xảy ra trong nhiều năm qua nhưng chỉ gây ra một chút xôn xao rồi tan biến. Điều này nói lên nhiều điều về ngành công nghiệp này bởi vì, vụ việc ở phim trường "Rust" được chú ý vì nó liên quan đến một diễn viên hạng A như Alec Baldwin".

Bản kiến nghị yêu cầu Baldwin sử dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình trong ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood để thay đổi và cấm súng thật trên phim trường.

Cameron Kasky, người sống sót sau vụ xả súng hàng loạt và nhà hoạt động kiểm soát súng ở Parkland năm 2018, đồng ý với Albuliwi. Ông nói: “Tất cả súng thật nên bị cấm ở các phim trường. Súng giả trông rất giống thật. Nếu các hãng phim có chút quan tâm đến người lao động, thì súng thật sẽ không bao giờ được sử dụng làm đạo cụ”

Bản kiến nghị về việc cấm súng thật trong các tác phẩm điện ảnh và truyền hình đã có gần 70.000 chữ ký. Thượng nghị sĩ bang California Dave Cortese cho biết ông có kế hoạch ban hành luật chính thức cấm súng thật và đạn thật khỏi tất cả các tác phẩm và Thống đốc bang New Mexico Michelle Lujan Grisham cho biết bang của bà sẽ có hành động tương tự nếu ngành giải trí không tự nguyện áp dụng lệnh cấm như vậy.

Trong nhiều thập kỷ, súng thật với đạn rỗng đã được sử dụng trong các tác phẩm điện ảnh và truyền hình vì chúng tái hiện lại tiếng súng thực một cách trực quan. Daniel Leonard, phó hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền thông Dodge của Đại học Chapman, cho biết: một số người trong ngành kinh doanh giải trí nói rằng độ giật mà diễn viên trải qua khi bắn súng thật rất khó sao chép lại bằng súng giả.

Nhưng trong các cuộc thảo luận với những người trong ngành và các chuyên gia về hiệu ứng hình ảnh, nhiều người nói rằng những tiến bộ trong công nghệ hiệu ứng hình ảnh có thể thay thế điều đó. Đồng nghĩa rằng việc cấm sử dụng súng thật sẽ gần như không có sự khác biệt khi lên phim.

Trong khi đóng 4 mùa của “American Horror Story”, nữ diễn viên Leslie Grossman ước tính cô đã được yêu cầu bắn súng “vài lần”. “Chúng không bao giờ là súng thật,” cô nói. "9 trong số 10 lần đó, tôi đều sử dụng súng cao su."

Khi cảnh quay đòi hỏi cận cảnh kịch tính hơn của một khẩu súng bắn với độ giật vật lý, Grossman cho biết thay vào đó cô thường bắn một khẩu súng hơi, với các hiệu ứng được thêm vào hậu kỳ để nâng cao tính chân thực. Trong phần gần đây nhất, “American Horror Story: Double Feature”, Grossman nhớ lại chỉ sử dụng súng cao su, ngay cả khi đang bắn chúng. “Tôi thậm chí còn nói, "Chờ đã, cái này trông siêu giả" và nhà sản xuất bảo tôi rằng họ có thể chỉnh sửa để nó trông giống thật. Và họ đã làm, và nó trông thực sự như súng thật", cô nói.

Các chuyên gia cho biết, thông thường, cần phải nâng tối thiểu trong quá trình sản xuất để làm cho một khẩu súng giả trông như thể nó đã được phóng điện. "Đèn flash mõm", hoặc sự xuất hiện của khói và ánh sáng từ nòng súng, được tạo dễ dàng bằng phần mềm được sử dụng bởi các nhà biên tập và kỹ thuật số. Các phân cảnh phức tạp hơn liên quan đến tiếng súng, đặc biệt là những cảnh liên quan đến một diễn viên nao núng phản ứng trước một vũ khí mạnh, có thể đòi hỏi các hiệu ứng hình ảnh chuyên sâu hơn.

Việc cấm sử dụng súng thật trên phim cũng sẽ loại bỏ các nguy cơ gây chết người tiềm ẩn do sơ suất trong quá trình xử lý vũ khí xảy ra như trên phim trường “Rust”. Bob Primes, quay phim và từng hai lần đoạt giải Emmy - cho biết: "Có một quy định về việc đưa súng cho diễn viên và một danh sách các điều cần kiểm tra khi làm việc đó. Tôi thường yêu cầu nhân viên mở súng để kiểm tra bên trong trước khi quay phim. Chúng ta không thể làm việc một cách thiếu trách nhiệm, để dẫn đến những sự cố không đáng". Và điều đó đã không diễn ra trên phim trường "Rust".

Vũ khí thường là một phần của điểm cốt truyện nhưng chúng có cần phải như vậy không? Cảnh sát trong phim truyền hình và điện ảnh thường xuyên rút súng và bắn nhưng trên thực tế, một cảnh sát hiếm khi rút súng trong suốt quá trình tác nghiệp. Đã đến lúc các nhà biên kịch và đạo diễn Hollywood cần phải ngừng sử dụng súng ống để kể chuyện./.

Lê Anh/VOV.VN Theo: Variety, LA Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/sau-su-co-ban-chet-nguoi-cua-alec-baldwin-hollywood-co-can-dung-sung-that-tren-phim-901143.vov