'Yuri Ivanov' Nga ép chặt 'Nữ hoàng Elizabeth' Anh

Tàu trinh sát của ta (Nga) 'thanh tra toàn diện'tàu sân bay Anh...

Xin giới thiệu tiếp một bài về vũ khí- trang bị kỹ thuật quân sự với tiêu đề và phụ đề trên của chuyên gia quân sự, nguyên kỹ sư chính Phòng Thiết kế Tên lửa TSIMASH Vladimir Tuchkov. Bài đăng trên báo “Svobodnaia Pressa”ngày 21/3/2021:

Tàu trinh sát hạng trung Dự án 18280 Yuri Ivanov (Ảnh: Vitaly Nevar / TASS)

Tàu trinh sát hạng trung Dự án 18280 Yuri Ivanov (Ảnh: Vitaly Nevar / TASS)

Báo chí Anh đang hết sức lo ngại trước việc trong thời gian NATO tiến hành cuộc tập trận Exercise Strike Warrior, chiếc tàu trinh sát “Yuri Ivanov” Nga luôn theo dõi rất chặt cụm tàu sân bay tấn công của Hải quân Hoàng gia Anh.

Tờ UK Defence Journal (Tạp chí Quốc phòng Anh) khi bình luận về việc này thậm chí còn đưa ra nhận định như sau: “ Đây không đơn giản chỉ là một cuộc bám đuổi, mà còn tệ hơn thế nhiều- truy đuổi”.

Mục đích của chiếc tàu được người Anh mệnh danh là "điệp viên Nga" này, - ghi lại đầy đủ “bộ chân dung điện từ” của chiếc tàu sân bay Anh HMS “Queen Elizabeth” và chiếc tàu khu trục Type 45 hộ tống nó.

Hai tàu trên là thành phần rút gọn của cụm tàu sân bay tấn công mà người Anh điều đến tham gia tập trận, tàu khu trục Type 23 lẽ ra đã tham gia cụm tàu này, nhưng không thể đến được địa điểm tập kết vì những lý do kỹ thuật.

Cuộc tập trận Exercise Strike Warrior- thuộc diện các cuộc tập trận quy mô lớn. Nói một cách hình tượng, thì mục tiêu của cuộc tập trận này là tái chiếm Crimea từ Nga và trả nó cho Ukraine.

Tham gia tập trận có hơn 20 tàu nổi, 3 tàu ngầm và 150 máy bay từ 11 quốc gia thành viên NATO.

Tạp chí UK Defence Journal có giải thích chi tiết rằng chiếc tàu trinh sát Nga “Yuri Ivanov” đang bám đuổi “Nữ hoàng Elizabeth” ngoài khơi bờ biển Scotland là tàu chuyên thu thập, phân loại và lưu trữ trong bộ nhớ điện tử của mình tất tần tật các tín hiệu điện từ phát ra từ radar, thiết bị liên lạc và mọi hệ thống vô tuyến điện tử đang hoạt động khác.

Và còn “thu thập” cả nhiễu điện từ do hoạt động của những hệ thống có sử dụng điện phát ra, lấy ví dụ, từ các máy phát điện và các động cơ điện. Nhờ vậy mà nó có thể lập được "hộ chiếu điện từ" của một tàu sân bay để nhận dạng nó một cách cực kỳ chính xác từ cự ly rất xa.

Nói chung thì người Anh lâu nay đã có rất nhiều lần phàn nàn về việc "bọn người Nga đang nỗ lực gây thiệt hại và xúc phạm người Anh bằng mọi cách có thể".

Trong những ngày này, "sự tráo trở" đó lại được người Nga thể hiện cả trên Biển Đen, nơi chiếc tàu tuần tiễu “Trent” của Anh vừa mới được điều đến. Tạp chí Anh nói trên than thở: “Người Nga không lúc nào rời mắt khỏi chiếc tàu Anh” (tức “Trent”).

Trong khi đó- tàu “Trent” được cử đến Biển Đen chỉ để thực hiện một sứ mệnh rất “nhân đạo”: “trấn an các đồng minh NATO”. Hiện giờ, trên vùng biển này đang có chiếc tàu tuần tiễu Pháp “FS Commandant Birot” đang hoạt động.

Vậy cho nên, để người Pháp không cảm thấy cô đơn và sợ hãi khi phải có mặt ngay bên cạnh những người Nga hung hãn, người Anh (tàu “Trent”) đã buộc phải “bơi đến đó (Biển Đen) để hỗ trợ.

Nhưng ngay chính bản thân chiếc tàu tuần tiễu “Trent” của Anh nói trên cũng rất cần phải được “động viên an ủi”, bởi vì nó chỉ được trang bị “nhõn” một pháo 30 ly, hai pháo phòng không và hai súng máy cỡ lớn.

Tàu này thuộc lớp tàu"sông- biển" và được thiết kế chỉ để chống lại “hạm đội muỗi” của bọn buôn lậu và những kẻ xâm nhập biên giới khác.

Vậy nên người ta chỉ có thể ngồi đoán già đoán non xem tại sao “Trent” lại đến Biển Đen và nó đang làm gì ở đó. Nhưng để đề phòng mọi trường hợp, nó cũng bị các phương tiện của Hạm đội Biển Đen Nga bám sát.

Còn nếu nói về những gì liên quan đến "bí mật công nghệ", thì “Trent” tuyệt đối không có gì, vì thế nên tàu trinh sát Nga mới không bám theo nó.

Nhưng còn về những gì liên quan đến “Nữ hoàng Elizabeth”, thì lẽ ra người Anh phải cảm thấy bị xúc phạm vì người Nga chỉ cử tàu “Yuri Ivanov” đến để thanh tra chứ không phải là tàu “Viktor Leonov”.

Lý do là tàu trinh sát "Leonov", cho dù nó có thuộc về những chiếc tàu giai đoạn “Liên Xô muộn”, chứ không phải do Nga chế tạo, nhưng vẫn có thể biết hết, một cách tuyệt đối và tất tần tật mọi thứ về các tàu nổi và tàu ngầm.

Có nghĩa là, tàu này “Viktor Leonov” không chỉ làm nhiệm vụ trính sát vô tuyến điện tử, mà còn thực hiện cả nhiệm vụ trinh sát thủy âm.

Nó ghi lại những tiếng ồn tàu phát ra trong môi trường nước và thu toàn bộ dải phổ của những âm thanh đó. Bằng cách đó, một cuốn "hộ chiếu âm thanh" được “xác lập”, cuốn “hộ chiếu” này sẽ được các tàu ngầm sử dụng để phân loại, định đạng từng tàu nổi hoặc tàu ngầm.

Hơn nữa, đặc điểm âm thanh ngay của một cùng một con tàu trước và sau khi đại tu cũng có thể rất khác nhau. Đây là những dữ liệu vô cùng giá trị đối với Hải quân.

Tàu trinh sát cỡ vừa "Viktor Leonov" thuộc Dự án 864 "Meridian". Nó được đóng tại Gdansk và bàn giao cho Hải quân Liên Xô vào năm 1988. Đã đóng tổng cộng 7 con tàu như vậy và hiện nay tất cả chúng vẫn còn đang hoạt động.

Các tàu Dự án"Meridian" thuộc về lớp tàu hoạt động trên các đại dương, có lượng choán nước 3.400 tấn và chiều dài đúng 95 mét. Cự ly hoạt động- 7.900 hải lý, thời gian hoạt động độc lập- 45 ngày. Thủy thủ đoàn - 220 người.

"Viktor Leonov" được trang bị các thiết bị trinh sát rất mạnh, với mười tổ hợp khác nhau.

Và sau đây là một số trong những nhiệm vụ mà con tàu này có khả năng giải quyết: chặn các phiên liên lạc vô tuyến hàng không, trinh sát vô tuyến kỹ thuật, nhận dạng và hệ thống hóa các nguồn bức xạ điện từ, đo các trường vật lý, lập "hộ chiếu" âm thanh và “hộ chiếu” điện từ của các tàu nổi và tàu ngầm, giám sát các tuyến hàng hải, giám sát hoạt động của đối phương tiềm năng trong thời gian họ tiến hành các cuộc diễn tập và thực hiện các khoa mục huấn luyện.

Chưa hết, tất cả những nhiệm vụ trên đều đang được thực hiện ở trình độ kỹ thuật hiện đại nhất. Bởi vì sau khi tàu được đưa vào trang bị, các hệ thống vô tuyến điện tử của nó đã hai lần được hiện đại hóa.

Một trong những chuyến hải trình thành công gần đây nhất mà "Viktor Leonov" thực hiện- đó là chuyến “hành quân dã ngoại” ba năm trước. Khi đó, sau khi đã được tiếp đầy nhiên liệu và nước tại Cuba sau chuyến đi biển dài ngày, chiếc tàu này thẳng hướng đến căn cứ tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ.

Và, sau khi đi qua căn cứ này ở cự ly 23 hải lý một cách bí mật, đã thu thập được một khối lượng cực lớn những thông tin vô cùng hữu ích.

Hải quân Nga hiện đang khai thác 13 tàu trinh sát. Phần lớn trong số đó là các tàu Dự án “Meridian”. Nhưng mỗi một tàu lại có những đặc điểm riêng, có chức năng khác hẳn so với “những người anh em khác” cùng dự án.

Trong số 6 chiếc tàu khác (ngoài dự án” Meridian”)- có một “người khổng lồ” – đó là tàu “Nguyên soái Krylov” Dự án 1941 với lượng giãn nước 24.300 tấn và cự ly hoạt động tới 20.000 hải lý.

Tuy nhiên, đội tàu trinh sát Nga hiện nay- đó chỉ là một cái bóng mờ tội nghiệp của đội trinh sát ngày xưa (thời Xô Viết). Đến cuối những năm 80, Hải quân Liên Xô có trong trang bị hơn 80 tàu trinh sát khác nhau (kể cả những tàu dân sự được lắp đặt các trang thiết bị đặc biệt).

Những tàu này liên tục 24/24 “canh chừng” các căn cứ tàu ngầm tên lửa chiến lược Mỹ ở Holy Lough (Scotland), Charleston (Bang Nam Carolina) và Kingsbay (Bang Georgia), trường bắn tên lửa Cape Canaveral (Florida), - chúng hoạt động trên các tuyến hàng hải quốc tế chính, trong đó có eo biển Gibraltar, Sicily và Hormuz, theo dõi mọi cuộc tập trận của Hải quân Mỹ và NATO ở nhiều khu vực biển và đại dương khác nhau.

Trong thập kỷ qua, cuối cùng thì Hải quân Nga đã đưa được thêm vào trang bị 2 tàu trinh sát cỡ vừa mới Dự án 18280- tàu “Yuri Ivanov” (Hạm đội Phương Bắc) và tàu “Ivan Khurs” (Hạm đội Biển Đen).

Hai tàu trên vừa là tàu liên lạc, vừa có những khả năng trinh sát riêng biệt. Những tàu này được thiết kế để thực hiện chức năng đảm bảo thông tin liên lạc, tiến hành trinh sát vô tuyến và tác chiến điện tử, đồng thời theo dõi các thành tố của hệ thống phòng thủ chống tên lửa Mỹ.

“Yuri Ivanov” và “Ivan Khurs” có khả năng hoạt động trên các đại dương, lượng choán nước tổng 4.000 tấn và chiều dài 95 mét. Tốc độ - 20 hải lý / giờ. Cự ly hoạt động 8.000 hải lý, thời gian hoạt động độc lập- 45 ngày. Thủy thủ đoàn 120 người.

Chính chiếc "Yuri Ivanov" vừa nói ở trên là chiếc tàu khiến các thủy thủ Anh sợ đến mức không thể chạy thoát khỏi nó, mặc dù có tốc độ nhanh hơn đến 5 hải lý / giờ.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/yuri-ivanov-nga-ep-chat-nu-hoang-elizabeth-anh-3432682/