Yuanta: Rủi ro đối với cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang gia tăng

Triển vọng trước mắt của VN-Index vẫn lạc quan trong góc nhìn của giới phân tích. Tuy vậy, nhà đầu tư cần lưu ý rủi ro đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang có chiều hướng gia tăng.

Yuanta: Rủi ro đối với cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang gia tăng

Yuanta: Rủi ro đối với cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang gia tăng

Trong báo cáo chiến lược đầu tư công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho hay mặc dù mức tăng trưởng 4,48% của GDP trong quý I/2021 không tích cực như kỳ vọng do ảnh hưởng bởi lần bùng dịch thứ 3 tại Việt Nam, nhưng các chỉ số kinh tế cho thấy nhiều tín hiệu khả quan hơn.

Điểm tích cực nhất có thể thấy trong quý I vừa qua là sự tăng trưởng trở lại của dòng vốn FDI, không chỉ thể hiện ở dòng vốn giải ngân mà ở cả lượng vốn đăng ký mới. Theo Yuanta, lượng vốn giải ngân sẽ vẫn tăng trưởng đều trong thời gian tới, trong khi vốn đăng ký mới có thể sẽ tiếp tục phụ thuộc vào tình hình triển khai vaccine trên thế giới.

Mặc dù việc phân phối vaccine ở Châu Âu đang bị trì hoãn, nhưng một số hãng hàng không trong nước đã mở lại đường bay quốc tế từ tháng 4, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho việc đi lại của các chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm tăng hơn 24% so với cùng kỳ. Ngoài ra, nhu cầu chi tiêu hàng hóa dịch vụ vẫn tăng ổn định, lạm phát trong tháng 3 đã tăng chậm hơn so với tháng 2, lĩnh vực sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng với niềm tin và sự lạc quan về tình hình sản xuất trong thời gian tới.

"Chúng tôi cho rằng, sự hồi phục sẽ còn thể hiện rõ hơn trong quý tới, nhất là khi mức nền quý II/2020 khá thấp. Chúng tôi ước tính GDP quý II/2021 sẽ đạt khoảng 6,4% và cả năm sẽ đạt mức 6,57%", chuyên gia của Yuanta nhấn mạnh.

Công ty chứng khoán này dự báo chỉ số VN-Index có thể tiếp tục xu hướng tăng trung hạn và hướng về vùng 1.283 – 1.300 điểm. Nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục là nhóm dẫn dắt chính xu hướng của thị trường.

"Các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và xem xét hạ một phần tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index tiến về vùng 1.283 – 1.300 điểm. Đồng thời có thể thực hiện đầu tư theo chiến lược phòng thủ với các cổ phiếu có mức chi trả cổ tức cao", Yuanta khuyến nghị và lưu ý rằng rủi ro đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang có chiều hướng gia tăng khi xung lực tăng giá trung hạn và dòng tiền ở nhóm cổ phiếu này đều suy yếu.

Không chỉ Yuanta, hầu hết các công ty chứng khoán đều lạc quan vào triển vọng của VN-Index.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.050 đến 1.400 điểm, với mục tiêu trung bình là 1.200-1.250 điểm.

"So với các thị trường lân cận và toàn cầu, chúng tôi nhận thấy mức P/E của VN-Index tương đối hấp dẫn nhờ có mức ROE cao và triển vọng tăng trưởng EPS tốt", chuyên gia của MASVN cho hay.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường chứng khoán tháng 4 sẽ tiếp nối xung lực tăng của tháng 3. Có hai yếu tố xúc tác chính. Một là động lực từ dòng vốn nước ngoài mới và các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Hai là sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

"Tuy nhiên, việc hệ thống giao dịch quá tải vẫn là rủi ro hiện hữu trong ngắn hạn. Do đó, chúng tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể dao động trong khoảng 1.200 - 1.300 điểm", nhóm chuyên gia dự báo.

SSI thì nhận định với môi trường kinh doanh ổn định, kiểm soát cung tiền chặt chẽ, áp lực lạm phát thấp, thị trường Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn trong dài hạn.

Với việc các giải pháp cụ thể đang được triển khai để khắc phục tình trạng quá tải giao dịch trên HoSE, cùng sự tham gia tích cực của khối nhà đầu tư cá nhân và sự quay trở lại của các quỹ ETF, SSI cho rằng VN-Index sẽ hướng tới các vùng điểm số cao hơn với vùng mục tiêu gần tại 1.250 điểm và xa hơn là 1.350-1.400 điểm trong thời gian tới.

Thanh Long

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/yuanta-rui-ro-doi-voi-co-phieu-von-hoa-vua-va-nho-dang-gia-tang-20180504224251742.htm