Yorgos Lanthimos trong 'làn sóng kỳ quặc Hy Lạp'

Thuật ngữ 'Làn sóng kỳ quặc Hy Lạp' xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2011 trên tiêu đề bài báo 'Attenberg, Dogtooth and the Greek weird wave' của nhà nghiên cứu, phê bình điện ảnh Steve Rose.

Trong bài viết, ông nêu nêu câu hỏi rất đáng chú ý, rằng, có phải vì Hy Lạp khủng hoảng mà các nhà làm phim lại lấy chính sự khủng hoảng này làm chủ đề? Và, liệu sự kì quặc trong phong cách phim của hai đạo diễn tên tuổi Yorgos Lanthimos và Athina Rachel Tsangari có phải là sản phẩm của nền kinh tế suy thoái?

Sự ra đời Học viện điện ảnh Hellenic (HFA)

Năm 2009, Thessaloniki, thành phố lớn thứ hai của Hy Lạp, tổ chức Liên hoan phim quốc tế lần thứ 50, giới thiệu 250 bộ phim đến từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, “Dogtooth” (2009, giải Un certain Regard của LHP Cannes; đề cử giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất), bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Yorgos Lanthimos được ra mắt cùng năm đã không xuất hiện, thay vào đó nó lại được chiếu ở thủ đô Athens.

Thời điểm này, hơn 200 nhà làm phim đang trong chiến dịch tẩy chay Liên hoan phim Thessaloniki, gồm cả Giải thưởng điện ảnh Hy Lạp (Greek State Film Awards). Những thực tế bất ổn đó đánh dấu một sự chuyển mình ngấm ngầm trong đời sống điện ảnh ở đất nước của những vị thần.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa các nhà làm phim và chính phủ Hy Lạp đã rạn nứt từ nhiều thập kỷ trước, bắt nguồn từ sự căng thẳng về ảnh hưởng đảng phái chính trị trong các cơ quan điện ảnh, của rạp chiếu phim độc lập và sự thất vọng của các nhà làm phim khi không nhận được bất kì khoản đầu tư nào vào điện ảnh như lời hứa của nhà nướcc. Bộ luật điện ảnh mang tính bước ngoặt do Melina Mercouri khởi xướng năm 1986 khi đưa vào thi hành trở thành lực cản các hoạt động sáng tạo của nhà làm phim.

Chưa hết, đến năm 1989, cho dù có một đạo luật quy định rằng 1,5% thu nhập từ truyền hình phải được đầu tư vào điện ảnh thì một số công ty truyền hình bỏ mặc khoản đầu tư này thì lại không bị khiển trách hay xử phạt. Nhiều năm hứng chịu tổn thất, các nhà làm phim buộc phải tạo lập con đường riêng để tự phát triển.

Chân dung đạo diễn Yorgos Lanthimos, tên tuổi nổi bật của “Làn sóng kỳ quặc Hy Lạp”.

Chân dung đạo diễn Yorgos Lanthimos, tên tuổi nổi bật của “Làn sóng kỳ quặc Hy Lạp”.

Tự gọi mình là những “nhà làm phim trong sương mù” (“filmmakers in the mist”), 108 thành viên gồm nhà làm phim, nhà sản xuất, nhà phê bình phim, kỹ thuật viên, biên kịch và diễn viên người Hy Lạp đã thành lập ra Học viện phim Hellenic vào tháng 11 năm 2009. Thông qua sự vận hành của Học viện, họ dần xây dựng được một cơ quan chuyên môn đại diện cho những người làm điện ảnh, đồng thời tổ chức các lễ trao giải điện ảnh mỗi nă để khuyến khích những bộ phim hay. Giải thưởng của Học viện hiện hữu như là một sự thay thế, tẩy chay Giải thưởng điện ảnh Nhà nước Hy Lạp vốn bị cho là quá nhiều thiên vị, gian lận.

Bên cạnh “Dogtooth” của Yorgos Lanthimos (sinh năm 1973) là tác phẩm điện ảnh mang tính tiên phong, hầu hết những bộ phim đáng chú ý khác cũng do các đạo diễn là thành viên Học viện Điện ảnh Hellenic thực hiện như “Attenberg” (2010) của Athina Rachel Tsangari, “A woman's way” (2009) của Panos “Koutras, Miss Violence”

(2013) của Alexandros Avranas, “Boy eating the bird's food” (2012) của Ektoras Lygizos, “L” (2012) của Babis Makridis,…Những nhà làm phim hoạt động với nguồn kinh phí thấp, tự vận động tài chính, hoặc được nhận hỗ trợ từ các quỹ điện ảnh quốc tế. Bản thân họ, trong vai nhà sản xuất và đạo diễn, cũng đóng góp kinh phí cho nhau để sản xuất phim.

Chẳng hạn, tác phẩm điện ảnh đầu tay “Kinetta” (2005) hay bộ phim thứ hai “Dogtooth” tạo nên danh tiếng cho Yorgos Lanthimos, đều được Athina Rachel Tsangari đứng ra làm nhà sản xuất, trong khi phim “Attenberg” của nữ đạo diễn này thì lại được Yorgos Lanthimos đồng sản xuất.

Có thể nói, nhờ các giải thưởng và trải nghiệm môi trường điện ảnh toàn cầu hóa, thế hệ đạo diễn mới này đã thay đổi hoàn toàn diện mạo điện ảnh Hy Lạp hơn hai thập niên qua. Trong đó, sự tự do sáng tạo, thể nghiệm ngôn ngữ điện ảnh để truyền đạt các chủ đề thời sự, xã hội Hy Lạp là điểm sáng nổi bật và đồng thời cũng gây nên nhiều tranh cãi lớn.

Một cảnh trong phim “Dogtooth” (2009) của Y. Lanthimos.

Hiện thân của Làn sóng kì quặc Hy Lạp

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến Hy Lạp phải thực hiện chính sách cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng. Mức sống eo hẹp, khó khăn sinh kế và nỗ lực cải thiện tình trạng không hiệu quả càng làm người dân của quốc gia này rơi vào khốn khó. Đã có lúc Hy Lạp trở thành điểm nóng chính trị, là “hố đen” của châu Âu cần được cứu trợ. Nhưng chính thực trạng này lại khiến các nhà làm phim của “Làn sóng kỳ quặc Hy Lạp” tìm ra cách biểu đạt, khai thác hiện thực theo cách riêng mình.

Chẳng hạn, bộ phim “Dogtooth” của Yorgos Lanthimos có thể xem như là một phóng chiếu đầy ẩn ý về bối cảnh xã hội đương thời trong vỏ bọc là câu chuyện thân tộc, gia đình. “Dogtooth” là bộ phim giả tưởng xoay quanh một gia đình giàu có ở vùng ngoại ô Hy Lạp. Hai vợ chồng lớn tuổi sống với ba đứa con, hai gái một trai, trong ngôi nhà rộng lớn, bao quanh bởi hàng rào gỗ cao vút với cánh cổng luôn khóa chặt. Những gì bọn trẻ nhận thức được hoàn toàn dựa vào cách giáo dục khác thường của cha mẹ: tự thu âm từ vựng qua radio để con nghe; bắt con bò và sủa như chó để phòng vệ con mèo; thêu dệt điều tiếng xấu xa về sự vật bên ngoài; cảnh cáo và trừng phạt nếu đứa trẻ nào dám đi ra ngoài tường rào nhà.

Hệ quả của việc sinh trưởng trong môi trường nuôi dạy cực đoan là vào tuổi đôi mươi, ba người con vẫn như đứa trẻ lên năm, trí tuệ trì trệ, dễ bị áp đặt, cả tin, thiếu hẳn kiến thức tối thiểu về tình dục và giới tính.Cùng với những đoạn hội thoại kì quặc, những hành động điên rồ của nhân vật thì tính chất sai lệch, phi nhân trong việc cô lập những đứa bé khỏi thế giới bên ngoài mà bộ phim thể hiện khiến khán giả cảm thấy bức xúc, tức giận. Nhưng đấy lại là chủ ý của Y. Lanthimos khi ông muốn khán giả, trong vị trí kẻ ngoại cuộc (outsider), cảm nhận được sự bực bội, phẫn nộ khi chứng kiến thế giới quan của đứa trẻ bị bóp méo bởi cách giáo dục thao túng, cung cách quản lý chuyên quyền, hà khắc.

Cũng có thể nói, chính hình ảnh gia đình hạt nhân trong “Dogtooth” là sự mô phỏng hệ thống phân cấp quyền lực trong xã hội quá nhiều điều luật rắn đanh, khiến khả năng sinh tồn của một cá thể phải trải qua nhiều thử thách nặng nề, đau đớn thể xác lẫn tinh thần. Nhờ tô đậm những kiểu nhân vật “nạn nhân” phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý, sự mơ hồ, thiếu chắc chắn của bản thể cá nhân, “Dogtooth” cũng cho phép khán giả hình dung rõ hơn mối liên hệ giữa các thiết chế nhà nước, xã hội và quyền tự do, bình đẳng của con người vốn dĩ đang căng thẳng trong xã hội Hy Lạp lúc bấy giờ. Dĩ nhiên, là nghệ thuật điện ảnh, bộ phim chỉ tái hiện bức tranh xã hội này thông qua những biểu tượng, ẩn dụ tinh tế.

Poster phim “The Lobster” (2015), một phim giành được nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế danh giá.

Có thể thấy Y. Lanthimos ít nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực và tự dị biệt (self-exoticism). Các chuyện phim của ông, vì thế, thường đậm sắc thái phi lý và giả tưởng. Phim “Kinetta” (2005) miêu tả bộ ba con người bị ám ảnh với việc diễn lại các vụ bạo lực, phim “Alps” (2011) xây dựng câu chuyện về một nhóm người chuyên đóng thế vai những người đã chết, phim “The Lobster” (2015) là thế giới của người bị hóa vật nếu không tìm được bạn đời thích hợp cho mình. Các câu chuyện phi lý kéo theo sự phá vỡ quy tắc, chuẩn mực điện ảnh thông thường.

Y. Lanthimos thường sử dụng tone màu lạnh như xanh, ghi, đen quen thuộc của những bộ phim thuộc thể loại phản địa đàng (dystopia). Góc máy trong phim ông thì cắt xén phần lớn khuôn mặt các nhân vật khi họ đối thoại, và cắt tuyệt đối phần đầu, chỉ để lại 2/3 cơ thể người để chú trọng miêu tả hoạt động của nhân vật. Cách quay cảnh tĩnh (static shot) với cú máy kéo dài (long take) được lặp lại trong hầu hết các phim. Đặc biệt, những cú máy long take tập trung ghi lại cảnh nhân vật nhảy múa, hay bị bạo hành, tuy bộc lộ chân thực nỗi đau thể chất của nhân vật, nhưng đều thử thách sức chịu đựng của người xem, khiến họ có cảm giác ghê sợ, buồn nôn hoặc, nhẹ nhất là khó chịu trước những cảnh tượng đó.

“Làn sóng kì quặc Hy Lạp” mà Y. Lanthimus là hiện thân, có thể nói, ít chịu ảnh hưởng từ những trào lưu điện ảnh từng có trong dòng chảy lịch sử. Nhưng, như phần lớn các trào lưu, làn sóng điện ảnh khác, “Làn sóng kỳ quặc Hy Lạp” không phải là hiện tượng nghệ thuật đứng ngoài biến động xã hội, ngược lại, nó hàm chứa thái độ phản đối khá rõ ràng các chính sách kinh tế khắc khổ của chính phủ Hy Lạp, cũng như sự hoài nghi về quyền cá nhân, giá trị con người và bản sắc dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa.

Và cho dù “Làn sóng kỳ quặc Hy Lạp”, nhìn tổng thể, phát triển mạnh nhất trong vòng 6 năm (2009-2015) thì chúng chí ít cũng là thành quả lớn của một thế hệ đạo diễn Hy Lạp mới. Riêng với kiểu cách làm phim của Y. Lanthimus, tôi nghĩ, sẽ không quá lời khi khẳng định rằng ông sẽ sớm có vị trí tương tự như hai cây đại thụ của điện ảnh châu Âu là Lars von Trier và Michael Haneke.

Nghiêm Thùy Linh - Mai Anh Tuấn

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/yorgos-lanthimos-trong-lan-song-ky-quac-hy-lap-i653736/