YOLO - Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa FinTech và ngân hàng

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Shameek Bhargava, Giám đốc điều hành Ngân hàng số YOLO, được phát triển bởi VPBank cho biết: 'Chi phí để phát triển YOLO bằng khoảng 1/5 so với việc phát triển một ngân hàng số dựa trên nền tảng công nghệ của ngân hàng truyền thống'.

VPBank ra mắt nền tảng ngân hàng số YOLO.

VPBank ra mắt nền tảng ngân hàng số YOLO.

Điều gì khiến VPBank tin rằng, ngân hàng số tích hợp tiện ích sành điệu cho thế hệ mới với tên gọi phá cách “YOLO” (You only live once - Bạn chỉ sống một lần) sẽ được người tiêu dùng ưa thích, thay vì sử dụng các ứng dụng chuyên biệt khác?

Tham vọng của chúng tôi khi phát triển YOLO hoàn toàn không phải để đối đầu hay thay thế những ứng dụng chuyên biệt khác. Chúng tôi muốn cung cấp cho khách hàng một nền tảng các giá trị vượt ra khỏi giới hạn ngân hàng, ở đó khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ phục vụ cho cuộc sống thường ngày.

Ông Shameek Bhargava, Giám đốc điều hành Ngân hàng số YOLO

Hiện YOLO đã ra mắt thị trường được hơn 1 tháng và khách hàng rất thích thú với việc sử dụng nhiều dịch vụ trong YOLO. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với nhiều đối tác cung cấp các dịch vụ tiện ích với khách hàng để kết nối với họ, nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn.

Theo ông, những điểm quan trọng tạo ưu thế của YOLO trên thị trường là gì?

YOLO khác biệt và ưu việt hơn các hình thức ví điện tử, do ứng dụng này hoạt động như một ngân hàng số, cho phép chúng tôi cung cấp những sản phẩm mà ví điện tử nói chung không có.

Ví dụ việc cung cấp thẻ ảo trả trước liên kết với MasterCard, các dịch vụ tiết kiệm, trả lãi phát sinh trên tài khoản, các sản phẩm cho vay… Đây là những dịch vụ đặc thù của một ngân hàng mà các loại hình ví điện tử khác không cung cấp được.

YOLO được phát triển giống như một công ty FinTech với tốc độ, sự linh hoạt của FinTech kết hợp với ngân hàng. Thực tế, ở góc độ một ngân hàng, YOLO hoạt động một cách chặt chẽ và tuân thủ các quy định pháp lý, hạn chế các rủi ro hoạt động cho khách hàng, cũng như giành được sự tin cậy nhất định từ phía người dùng khi giao dịch hoặc sử dụng các dịch vụ với giá trị lớn của YOLO vì chúng tôi là một ngân hàng.

VPBank là một trong số những nhà băng đầu tiên sử dụng công nghệ API (Giao diện lập trình ứng dụng) vào việc phát triển hệ sinh thái, cụ thể ở đây là YOLO. Ông có thể cho biết chi phí cho việc phát triển YOLO như thế nào, trong bối cảnh chi phí để phát triển ngân hàng số được nhận định là rất lớn tại các nhà băng?

Tôi không thể chia sẻ con số chính xác vì chúng tôi vẫn đang tiếp tục phát triển YOLO trong thời gian tới, tuy nhiên, mô hình mà chúng tôi áp dụng cho việc phát triển ngân hàng số YOLO là mô hình chi phí thấp với tính linh hoạt cao.

Mô hình này cho phép chúng tôi tiết kiệm tối đa chi phí thông qua việc sử dụng các công nghệ có sẵn trên thị trường, giảm thiểu chi phí đầu tư cố định.

Bên cạnh đó, nền tảng công nghệ mà chúng tôi đang sử dụng cũng tiết kiệm hơn so với hệ thống lõi (core banking) của các ngân hàng truyền thống.

Việc phát triển sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ mới linh hoạt và thời gian được rút ngắn tối đa. Cách thức chúng tôi kết nối với đối tác và các dịch vụ bên ngoài cũng rất linh hoạt và chủ động thông qua APIs và SDKs (bộ công cụ phát triển phầm mềm).

Các ngân hàng truyền thống khi sử dụng APIs hoặc các phương thức kết nối thông qua SDKs sẽ rất đắt đỏ vì nền tảng công nghệ cũ không cho phép họ tương thích với các giao thức kết nối mới, do đó chi phí đầu tư sẽ lớn.

Đây chính là lý do tại sao ngay từ đầu, chúng tôi đã quyết định không sử dụng các công nghệ nền tảng của VPBank. Và có thể nói rằng, chi phí để phát triển YOLO bằng khoảng 1/5 so với việc phát triển một ngân hàng số dựa trên nền tảng công nghệ của ngân hàng truyền thống.

Với mức chi phí thấp và nhiều ưu thế như vậy, liệu có phải các ngân hàng khác đã chậm chân hơn trong cuộc đua về ngân hàng số?

Theo tôi, mỗi ngân hàng đều có chiến lược phát triển riêng đối với lĩnh vực ngân hàng số. Việc sử dụng mô hình nào nằm ở chiến lược của các nhà băng.

Tuy nhiên, việc các ngân hàng phát triển mô hình ngân hàng số sẽ tạo điều kiện và là bước thúc đẩy cho nền kinh tế Việt Nam từng bước trở thành một nền kinh tế không tiền mặt theo như các khuyến khích từ Ngân hàng Nhà nước.

Ở Việt Nam hiện nay, nếu chúng ta có thể áp dụng các kỹ thuật hoặc phương pháp định danh khách hàng (KYC) dựa trên công nghệ kỹ thuật số như nhận diện vân tay, nhận diện khuôn mặt thì sẽ tiến một bước dài tới nền kinh tế không dùng tiền mặt.

An Hà

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/fin-tech/yolo-su-ket-hop-nhuan-nhuyen-giua-fintech-va-ngan-hang-247262.html