Yo-Yo Diet và nỗi ám ảnh cân nặng

Đừng vì những mục tiêu ngắn hạn làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Đừng vì những mục tiêu ngắn hạn làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Điểm chính:

Yo-Yo Diet là quá trình tăng và giảm cân liên tục do cơ thể không duy trì được mức cân nặng mong muốn
Các chế độ giảm cân cấp tốc tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng
Những yếu tố như lượng mỡ, mật độ xương, khối lượng cơ..., mới tác động trực tiếp đến số đo hình thể

Yo-Yo Diet là gì?

Yo-Yo Diet còn được gọi là Weight Cycling. Thuật ngữ này được đặt ra bởi Kelly D. Brownell (giáo sư dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng, đại học Yale) để chỉ quá trình cân nặng lên xuống như chuyển động của một chiếc yo-yo.

Trong quá trình này, người trẻ giảm cân thành công bằng những phương pháp cấp tốc. Tuy nhiên, số cân không duy trì được trong thời gian dài, tiếp tục tăng trở lại. Sau đó họ cố gắng giảm cân lần nữa, và chu kỳ cứ thế tiếp diễn.

Đây là những kiến thức lệch lạc về dinh dưỡng, khó duy trì cân nặng lý tưởng, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe.

Theo một nghiên cứu được công bố trên PubMed (Thư viện Y học Quốc gia Mỹ), có tới 30% phụ nữ và 10% nam giới từng trải qua Yo-Yo Diet.

Hầu hết người thực hiện các chế độ ăn kiêng giảm cân ngắn hạn tăng lại từ 30% đến 65% số cân đã giảm chỉ trong vòng một năm.

"Mình từng giảm cân thành công nhờ nhịn ăn tinh bột. Nhưng khi trở lại với thói quen ăn uống cũ, mình tăng cân rất nhanh và mỗi lần giảm cân sau đó càng trở nên khó khăn", Kỳ Anh (24 tuổi, 2 năm giảm cân không hiệu quả) chia sẻ.

Giảm cân hay giảm mỡ?

Hầu hết mọi người chỉ quan tâm đến con số trên cân, nhưng điều quan trọng là lượng mỡ thật sự mất đi là bao nhiêu. Kết quả giảm cân nhanh chóng đến từ việc ăn uống sai cách khiến chúng ta càng tin việc nhịn ăn hoặc cắt giảm tinh bột là hiệu quả.

Nghiên cứu trên PubMed cũng chỉ ra việc giảm cân quá nhanh sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái tiết kiệm năng lượng. Thay vì sử dụng mỡ, năng lượng sẽ được chuyển hóa từ cơ và khối lượng nạc.

Sức khỏe đường ruột bị ảnh hưởng

Theo NCBI (Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ), hệ vi sinh vật đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh monoamine, liên quan đến sự thèm ăn, tâm trạng, hành vi và giấc ngủ.

Bất kỳ hạn chế nào trong chế độ ăn uống đều có thể khiến hệ vi sinh vật đường ruột bị ảnh hưởng, trì trệ quá trình sản sinh serotonin cũng như các hormone quan trọng khác.

Tammy Beasley, chuyên gia dinh dưỡng của Alsana (Mỹ), cho biết Yo-Yo Diet là một trong những tác nhân gây bệnh mạn tính. Theo thời gian có thể dẫn đến các bệnh như viêm khớp, lupus, dị ứng, hen suyễn, hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, bệnh tim mạch và ung thư...

Đường ruột của chúng ta cần nhiều nguồn thức ăn khác nhau để duy trì các lợi khuẩn, tuy nhiên, các biện pháp giảm cân không đúng cách sẽ khiến chúng giảm về số lượng.

Theo Lynn Slawsky (Giám đốc điều hành Hiệp hội Quốc gia về Chứng biếng ăn và rối loạn liên quan, Mỹ), việc nhịn đói để ép cân cũng là tác nhân của chứng rối loạn ăn uống hoặc gây cuồng ăn.

Nguy cơ tiềm ẩn khác

Theo nghiên cứu trên 9.509 người của tạp chí y khoa New England năm 2017, việc thay đổi cân nặng liên tục có liên quan đến chứng hẹp động mạch vành, gây nguy cơ cho tim.

Tình trạng cân nặng thất thường còn khiến bạn dễ mắc bệnh tim, nguy cơ cao hơn so với người chỉ bị thừa cân.

Nghiên cứu cũng kết luận, ở những bệnh nhân có mức biến thiên cân nặng lớn trong một khoảng thời gian ngắn có tỷ lệ tử vong do bệnh tim tăng gấp đôi. Yo-Yo Diet cũng tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành (64%), nhồi máu cơ tim (117%), đột quỵ (136%) và tiểu đường (78%).

"Các nghiên cứu không khuyến khích Yo-Yo Diet và định nghĩa đây là phương pháp giảm cân tiêu cực. Cân nặng luôn tăng trở lại sau mỗi lần giảm cân phản khoa học", Hùng Việt (sinh viên ngành khoa học thể dục - thể thao đại học Deakin, giảng viên Học viện đào tạo Fitness toàn diện), cho biết.

Hãy giảm mỡ một cách khoa học

Quá trình giảm mỡ hoàn toàn dựa vào sự tiêu hao năng lượng, đảm bảo mức nạp vào phải thấp hơn mức tiêu thụ. Càng nhịn ăn, cân nặng càng giảm nhưng chưa chắc giảm được mỡ.

Do vậy, việc giảm được bao nhiêu cân không quan trọng bằng những yếu tố ảnh hưởng đến hình thể và sức khỏe như lượng mỡ, mật độ xương, cơ thể đang mất nước hay giảm cơ.

Để giảm mỡ và đạt được thân hình như mong muốn, trước hết chúng ta phải hiểu cơ thể đang cần những gì, tránh xa các phương pháp ăn uống sai lệch, duy trì việc ăn uống đủ chất, vận động rèn luyện cơ bắp để giảm khả năng mất cơ và tăng tỉ lệ đốt mỡ của cơ thể.

Hải Triều

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/yo-yo-diet-va-nhung-nguy-co-tiem-an-post1225511.html