Yêu trò như con, điều kiện tiên quyết để dạy trẻ tự kỷ

Phương pháp giáo dục trẻ đặc biệt khuyết tật về trí não đang đang trở thành vấn đề dư luận quan tâm, nhất là khi nhiều trẻ bị bạo hành khi hòa nhập.

Can thiệp sớm, hi vọng sớm

Phương pháp giáo dục trẻ khuyết tật về trí não như thế nào và trong trường phổ thông, giáo viên phải làm gì khi có trẻ có vấn đề về trí não đã được bác sĩ Đỗ Thúy Nga, Giám đốc trung tâm Hi Vọng (Hội cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội) chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tại trung tâm Hi Vọng, rất nhiều tình nguyện viên quốc tế đã đến giúp đỡ và phụ giúp các cô giáo trong trung tâm cho trẻ tự kỷ được học hòa nhập. Hiện có hơn 20 nước đã từng gửi tình nguyện viên đến trung tâm Hi Vọng để giúp đỡ các em có hoàn cảnh đặc biệt.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, tại Trực Ninh (Nam Định) xảy ra vụ việc cô giáo buộc trẻ mầm non bị khuyết tật trí não vào cửa sổ đã khiến dư luận quan tâm đặc biệt. Dù xã hội đã có cái nhìn cảm thông, tuy nhiên, phương pháp sư phạm của cô giáo bị phê bình.

Cũng tại Trường tiểu học Bình Hữu (Đức Hòa, Long An), bé trai bị khuyết tật đã bị cô giáo đánh bầm tím cơ thể vì bé tiếp thu chậm chạp hơn các bạn cùng lớp.

Những vụ việc như vậy đang gây phẫn nộ trong quần chúng bởi sự phân biệt và cách hành xử phi sư phạm của các cô giáo.

Bác sĩ Đỗ Thúy Nga cho rằng, việc cho trẻ đi học hòa nhập cùng chúng bạn là một trong những việc làm đầy nhân văn. Tuy nhiên, để trẻ hòa nhập thành công cần sự cảm thông của mọi người đặc biệt là các thầy cô giáo.

Học viên của trung tâm Hi Vọng được các cô giáo cho học thiền để tâp trung. (Ảnh: LC)

Học viên của trung tâm Hi Vọng được các cô giáo cho học thiền để tâp trung. (Ảnh: LC)

Tại trung tâm Hi Vọng của bác sĩ Nga hiện có khoảng 60 trẻ khuyết tật nhiều dạng khác nhau trong đó có Down, bại não sau viêm màng não, chậm phát triển ngôn ngữ và trí tuệ, trẻ có hội chứng tăng hoạt động, giảm trí nhớ, trẻ tự kỷ…

Tâm sự nhói lòng của cô giáo 9X nuôi ước mơ cho trẻ em khuyết tật

Theo bác sĩ Nga, chăm sóc trẻ rối loạn tự kỷ là vất vả nhất bởi việc chăm sóc trẻ rối loại tự kỷ cần

Trẻ rối loạn tự kỷ có 8 dạng bệnh chậm phát triển trí tuệ, mệt mỏi nhất là những đứa trẻ tự kỷ.

Bệnh “down” là bệnh nhẹ nhàng nhất bởi dù trẻ có chậm phát triển nhưng trẻ rất ngoan. Dạng di chứng của viêm màng não thường để lại những vấn đề về ngôn ngữ và liệt nửa người.

Theo bác sĩ Nga, dạng bệnh tự kỷ cũng có rất nhiều dạng tự kỷ khác nhau từ tự kỷ trẻ tăng động đến tự kỷ thể trầm cảm.

Trẻ tự kỷ thường “giả vờ”, giả vờ không biết nói, giả vờ không biết nghe, giả vờ không biết nhìn….

Đối với trẻ tự kỷ nếu can thiệp sớm thì hiệu quả mang lại rất tốt. Những trường hợp can thiệp dưới 5 tuổi hiệu quả rất tích cực.

Tại trung tâm Hi Vọng những trẻ tự kỷ can thiệp trước 5 tuổi chỉ sau 1 năm thì các chỉ số đạt được đều rất hiệu quả và trẻ có thể phát triển bình thường là 80%.

Tại trung tâm Hi vong, học viên được học và chơi với các bạn tình nguyện viên quốc tế. (Ảnh: LC)

“Lúc bấy giờ trẻ có thể tự tin, tự chơi và tự phục vụ bản thân, hòa nhập với các bạn bình thường được”, bác sĩ Nga cho biết.

Mỗi trẻ ở Trung tâm đều có sổ theo dõi sức khỏe và một kế hoạch giáo dục cá nhân. Mọi diễn biến về sức khỏe thể chất và tâm lý của bé đều được giáo viên và bác sĩ của Trung tâm theo dõi, điều chỉnh kịp thời.

Được nuôi dạy đúng cách, trẻ sẽ dần học được kỹ năng sống, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Ngay tại trung tâm Hi Vọng, phóng viên được chứng kiến những gương mặt còn vẻ ngây ngô, ngờ ngệch, đang học hát rất say sưa, giọng hát còn ngọng nhưng đã bắt đầu đúng điệu và hát đều nhau.

Phải yêu thương như con đẻ của mình

Trước một số vụ việc bạo hành trẻ tự kỷ tại trường học, bác sĩ Nga cho rằng những vụ việc như vậy là rất khó chấp nhận và đáng báo động. Đặc biệt là đối với một số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt về gia đình.

Xen ngang câu chuyện với chúng tôi, bác sĩ Nga đặc biệt lên án vụ việc xảy ra tại Thanh Hóa

Theo bác sĩ Đỗ Thúy Nga: “Những đối tượng này để giáo dục được đòi hỏi giáo viên phải thương yêu trẻ như thương yêu chính con mình đẻ ra và thật sự cảm thông với trẻ thì mới có thể giáo dục cho trẻ, cải thiện tình trạng cho trẻ.

Đây cũng là tiêu chí đầu tiên của giáo viên đối với việc dạy trẻ tự kỷ”.

Bác sĩ Nga tâm sự: "Dạy cho trẻ khuyết tật trí não cần một sự kiên trì rất lớn bởi các cháu không có khả năng nhận thức nhanh như trẻ bình thường.

Em Thúy (bé đội mũ bác sĩ) từng là học viên của trung tâm Hi Vọng, sau hòa nhập và trưởng thành, em đã đạt được học bổng du học Mỹ (Ảnh chụp lại từ trung tâm)

Có khi mất cả ngày chỉ dạy được cho trẻ 1 chữ cái, cũng có khi mất cả tuần… Nhiều khi, các cháu không nhớ được, mà cứ nhắc lại y nguyên lời cô. Nên phải thật kiên nhẫn…

Việc quát mắng trẻ chỉ có thể khiến trẻ nổi khùng và nếu giáo dục như vậy sẽ thất bại. Đối với trẻ dạng đặc biệt này cần sự kiên nhẫn rất cao từ người lớn”.

Để nuôi dạy các cháu các cô giáo tại trung tâm Hi Vọng phải trải qua những công việc vô cùng vất vả.

Bình thường các cháu ngoan, lúc các cháu la hét, ỉa, đái, nôn mửa, lên cơn giật, nhiều cháu tự kỷ nhảy từ bàn này sang bàn khác…

Nhiều trẻ ban đầu không nói được rõ lời, không cầm được thìa, bút, không nhớ được mặt chữ…

Giáo dục trẻ như vậy cần hết sức kiên trì và cảm thông.

Tại trung tâm Hi Vọng, nhờ yêu thương trẻ và trải qua phương pháp chăm sóc khoa học, đến nay đã có 60% học sinh lớp A1 (là những em sau khi được chăm sóc có trạng thái tâm lý trở lại bình thường) biết đọc, biết viết; 90% biết giao tiếp như chào hỏi lễ phép, biết mặc quần áo gọn gàng và giữ vệ sinh sạch sẽ.

Trung tâm Hi Vọng, ngôi nhà của những đữa trẻ bị khuyết tật về trí não. (Ảnh: LC)

Một số còn biết giúp cô bảo mẫu gấp khăn ăn, dọn bàn, trải nệm ngủ và chăm sóc các em nhỏ hơn.

Đặc biệt, một học viên từng học tại trung tâm Hi Vọng là em Thúy (xin phép không nêu tên đầy đủ) đã đạt học bổng du học Mỹ.

Trong bài luận gửi đi các trường, Thúy nêu rõ việc mình đã từng đi học với các bạn trẻ tự kỷ, sau khi học với các bạn, Thúy hòa nhập cùng với các bạn và đã đạt được những ước mơ của riêng em.

Theo bác sĩ Nga, các trường cần chú ý đến đối tượng trẻ tự kỷ và có phương pháp giáo dục hòa nhập cho phù hợp, tránh sự phân biệt đối xử không công bằng với các em. Những đối tượng này nếu phát hiện sớm, giáo dục, đào tạo lại sẽ vẫn giúp các em hòa nhập tốt. Các trương cần tập hợp các em lại thành những lớp đặc biệt để có thể có chương trình riêng cho các em học tập.

Lại Cường

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/yeu-tro-nhu-con-dieu-kien-tien-quyet-de-day-tre-tu-ky-post193754.gd