Yếu tố quyết định giúp R-73 bắn rơi F-16

Thua kém chiếc F-16 với AIM-120C của Pakistan ở mọi chỉ số nhưng MiG-21 trang bị tên lửa R-73 của Ấn Độ đã khiến thế giới ngỡ ngàng.

Theo tuyên bố của Không quân Ấn Độ, trong cuộc đối đầu trên không hôm 27/2 tại Đường kiểm soát LOC (ranh giới phân chia Ấn Độ và Pakistan hiện nay ở khu vực khống chế thực tế Kashmir), tiêm kích thế hệ cũ MiG-21 đã bắn hạ 1 chiếc F-16 của Pakistan mang theo tên lửa tầm trung AIM-120C.

Tình huống diễn ra nhanh đến mức chiếc chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất hầu như không kịp phản ứng. "Tôi có thể khẳng định, chính MiG-21 chứ không phải bất kỳ tiêm kích nào khác của chúng tôi đã thực hiện vụ bắn hạ tiêm kích F-16D của Pakistan nói trên", một đại diện của Không quân Ấn Độ tuyên bố.

Vậy việc MiG-21 với tên lửa tầm ngắn R-73 bắn hạ thành công chiếc F-16 có phải là kỳ tích và đâu là yếu tố quyết định cho pha đánh chặn thành công này? Với tầm bắn tối đa của R-73 vào khoảng 30-40 km với phiên bản mới nhất, trong khi đó tầm bắn tối thiểu là 300m giúp loại tên lửa này cực kỳ hữu dụng trong các trận không chiến quần vòng (dogfight).

Có thể nói nhà sản xuất đã chế tạo ra một loại vũ khí không đối không đa năng để dễ dàng lắp đặt và sử dụng trên nhiều loại máy bay tiêm kích cũ lẫn hiện đại, giúp chúng có khả năng không chiến hiệu quả với các loại tiêm kích F-15 và F-16 khi mang theo AIM-120 - loại tên lửa tầm trung.

Để tận dụng tối đa thế mạnh của vũ khí mang theo, phi công MiG-21 Ấn Độ còn dùng thủ thuật ép chiếc F-16 Pakistan phải tham gia một trận không chiến tầm gần thay vì tầm trung như kho vũ khí tiêm kích F-16 mang theo.

Trong khi đó, với tầm bắn gần 100km, sau khi phóng không cần điều khiển, tên lửa không đối không AIM-120 là "sát thủ diệt chim sắt" được đánh giá hiện đại nhất hiện nay. Nhưng do là dòng tên lửa tầm trung nên AIM-120 gần như không có cơ hội trong cận chiến với MiG-21 Ấn Độ.

Điều gì đến cũng phải đến và F-16 đã nhanh chóng bị bắn hạ chỉ bằng 1 quả tên lửa R-73. Tuy nhiên, nếu nói rằng F-16D Pakistan bị bắn hạ do AIM-120 thua thiệt khi cận chiến không hoàn toàn chính xác bởi theo thiết kế, chiếc tiêm kích do Mỹ sản xuất này hoàn toàn có thể phát hiện và khóa mục tiêu với MiG-21 ở tầm xa hơn khi mà R-73 chưa thể phát huy được thế mạnh của mình.

Chính vì vậy, sau tình huống chiếc F-16 Pakistan bị bắn rơi hôm 27/2, một số chuyên gia đã đặt câu hỏi về sức mạnh thực sự của cả tiêm kích và tên lửa không đối không Mỹ sản xuất. (Đan Nguyên)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/yeu-to-quyet-dinh-giup-r-73-ban-roi-f-16-3375523/