Yếu tố pháp lý là quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư khi thực hiện M&A

Với những tác động từ Covid-19 và các Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp càng tập trung đẩy nhanh tiến trình mua bán và sáp nhập (M&A), khiến thị trường này trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên để thị trường tăng trưởng hơn, yếu tố pháp lý nhất thiết phải được chú trọng bởi đây là yếu tố quyết định cho sự thuận lợi của giao dịch M&A, nhất là đối với các giao dịch có yếu tố nước ngoài.

Ông Justin Gizs - Thành viên Hội đồng pháp lý Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) - nhận định: Số lượng và giá trị các giao dịch M&A hoàn tất tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng bền vững trong những năm trở lại đây. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, tổng giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam đạt khoảng 15,6 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2018. Hai ngành có hoạt động M&A mạnh mẽ nhất năm 2019 là sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các ngành chủ chốt khác bao gồm tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistics và giáo dục. Ước tính con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhất là khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Ông Justin Gizs - Thành viên Hội đồng pháp lý Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham)

Ông Justin Gizs - Thành viên Hội đồng pháp lý Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham)

Dù vậy, theo ông Justin, vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm hiện nay khi thực hiện M&A là yếu tố pháp lý, bởi đây là yếu tố quyết định cho sự thuận lợi của giao dịch M&A, nhất là đối với các giao dịch có yếu tố nước ngoài. “Các nhà đầu tư EU đánh giá cao thị trường Việt Nam và rất mong muốn có thể được hưởng những chế độ phù hợp, thuận lợi dưới khung pháp lý mà chính quyền Việt Nam đưa ra nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động M&A. Thông qua các đề xuất của Eurocham, chúng tôi kỳ vọng nhà đầu tư EU có thể tiếp cận gần hơn với thị trường Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động M&A trong tương lai” - ông Justin cho biết.

Yếu tố pháp lý rất quan trọng để một giao dịch M&A thành công

Trên thực tế, cũng như bất kỳ hoạt động nào khác, M&A là hoạt động phức tạp và liên quan đến nhiều lĩnh vực, bởi vậy việc làm sao để thành công khi thực hiện thương vụ M&A trở thành một bài toán khó. Chia sẻ tại hội thảo “Sự thay đổi khung pháp lý và tác động với giao dịch M&A tại Việt Nam”, diễn ra ngày 19/11, ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)- nêu dẫn chứng: Tính đến thời điểm hiện tại, VIAC đã giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp, trong đó có những tranh chấp có yếu tố về M&A. Qua những tranh chấp này, có thể thấy, để thị trường M&A phát triển đúng hướng, không chỉ phải cân nhắc về đối tác, các giai đoạn trong quá trình thực hiện M&A, doanh nghiệp cần phải cẩn trọng và xem xét kỹ hơn các vấn đề pháp lý.

“Năm 2019 là năm chúng ta chứng kiến nhiều thương vụ lớn với sự đột phá mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản, chẳng hạn thương vụ bán 1.3 tỷ USD cổ phần của Vingroup cho GIC, SCIC thoái 57.7% vốn tại Vinaconex cho An Quý Hưng, Sơn Kim Land cũng thực hiện một thương vụ M&A trị giá 121 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư EXS Capital, ACA Investment và Credit Suise. Có thể nói, năm 2020, đặc biệt, dưới tác động của Covid-19, thị trường bất động sản đã sôi động hơn một cách đáng kể, điều này khiến doanh nghiệp lại càng quan tâm hơn đến khung pháp lý điều chỉnh M&A trong lĩnh vực này”- bà Ngô Thị Vân Quỳnh - Luật sư điều hành Công ty Luật An Legal bổ sung.

Để thúc đẩy hoạt động M&A sôi động hơn, Luật Đầu tư 2020 của Việt Nam gần đây đã có nhiều điểm mới trong quy định pháp luật về giao dịch M&A. Những điểm mới nổi bật của khung pháp lý có thể đề cập đến đó là điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, sự tăng cường các biện pháp bảo vệ cho nhà đầu tư, các nội dung liên quan đến đăng ký mua cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài… Những thay đổi này góp phần giúp hoạt động M&A có thể hoạt động an toàn hơn, Nhà nước cũng xây dựng được cơ chế quản lý tốt hơn, không chỉ vậy, sự thay đổi này cũng giúp việc đầu tư của Nhà đầu tư nước ngoài được thuận lợi hóa, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Theo báo cáo của Euromonitor, chỉ số đầu tư M&A năm 2020 của Việt Nam dự báo là 102 điểm và chỉ xếp sau Mỹ. Con số này cao hơn đáng kể so với 74.1 điểm của năm 2019. Nhóm nghiên cứu MAF và CMAC dự báo giá trị M&A năm 2020 tiếp tục ở quy mô tăng 7-7.5 tỷ USD, tương đương với giá trị M&A năm 2018 và 2019. Rõ ràng, những con số này đã minh chứng cho tốc độ tăng trưởng rất nhanh của các giao dịch M&A cũng như tiềm năng phát triển của hoạt động này trong tương lai.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/yeu-to-phap-ly-la-quan-tam-hang-dau-cua-nha-dau-tu-khi-thuc-hien-ma-147780.html