Yếu tố nào giúp chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới?

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đóng cửa với chỉ số cao vào hôm qua. Cả chỉ số Dow Jones và S & P 500 đều thiết lập kỷ lục mới.

Những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ đã giúp xóa nhòa những lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang. Nhóm cổ phiếu bluechip tăng trưởng trên diện rộng đã giúp hỗ trợ đà tăng điểm, với 28/30 cổ phiếu thuộc chỉ số Dow đóng cửa trong sắc xanh tích cực.

Nền tảng vĩ mô vững chắc

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 251,22 điểm, tương đương 1%, lên 26.656 điểm, chạm mốc kỷ lục mới lần đầu tiên kể từ tháng 1 đến nay.

Chỉ số S&P 500 cũng tăng mạnh 22,8 điểm, tương đương 0,8% lên 2.930,75 điểm, ghi dấu mốc kỷ lục mới kể từ cuối tháng 8. Đáng lưu ý là trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, chỉ có lĩnh vực năng lượng đi xuống. Tổng thống Trump hôm thứ Năm thông qua mạng Twitter cũng đã thể hiện sự không hài lòng của mình với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), qua việc giá dầu tăng lên gần đây.

Chỉ số Nasdaq tăng 78,19 điểm, tương đương 1% lên 8.028,23 điểm. Chỉ số vốn đo lường phần lớn các cổ phiếu công nghiệp này cũng chỉ cách 1,3% so với mức cao nhất mọi thời đại đạt được trong tháng trước.

Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục thể hiện tích cực khi tăng mạnh 1,2%, trong đó Microsoft tăng 1,7% và Apple tăng 0,8%. Các cổ phiếu còn lại thuộc nhóm FAANG cũng đóng cửa trong sắc xanh.

Sự tăng trưởng của thị trường gần đây đến từ những dấu hiệu cho thấy các nền tảng cơ bản vĩ mô đang tiếp tục cải thiện đều đặn. Theo số liệu kinh tế mới nhất, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm thêm 3.000 đơn so với tuần trước, và hiện đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 1969. Ngoài ra, chỉ số sản xuất tháng 9 do ngân hàng dự trữ tại Philadelphia công bố nhảy vọt cao hơn so với mức kỳ vọng, khi tăng lên 22,9 điểm từ mức 11,9 của tháng 8.

Doanh số bán nhà hiện hữu đã điều chỉnh theo mùa vụ đạt 5,34 triệu căn trong tháng 8, hầu như không thay đổi so với tháng 7. Việc mở rộng của nền kinh tế Mỹ duy trì suốt 9 năm qua đang tiếp tục hướng tới mức tăng trưởng 3% trong nửa cuối năm 2018, theo chỉ số đo lường sức khỏe nền kinh tế của quốc gia.

Những dữ liệu báo cáo tích cực như trên đã giúp bù đắp một số tác động bất lợi của các yếu tố không chắc chắn xung quanh chính sách thương mại.

Phố Wall tiếp tục bỏ qua vấn đề thương mại và đẩy thị trường lập kỷ lục mới

Nhà đầu tư tiếp tục bỏ qua căng thẳng thương mại

Trong số những diễn biến mới gần đây, Tổng thống Donald Trump hồi đầu tuần này đã nhắc lại lập trường cứng rắn của mình đối với Trung Quốc và nói rằng Hoa Kỳ đã "không có lựa chọn nào khác" ngoài việc có thể áp thêm hàng rào thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa nữa của Trung Quốc. Đó có thể sẽ là mức cao nhất theo sau hàng rào thuế đánh lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã được công bố vào cuối ngày thứ Hai. Trung Quốc ngay lập tức đáp trả với mức thuế từ 5% đến 10% đánh lên danh mục sản phẩm trị giá 60 tỷ đô la của Mỹ, mà sẽ có hiệu lực vào ngày 24/9 tới, đồng thời cho biết họ có thể đưa ra nhiều biện pháp hơn nếu Hoa Kỳ tiếp tục tăng thuế lên cao hơn.

Trong khi nhiều người lo ngại rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ trở thành một rào cản đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thì ngược lại các nhà đầu tư Mỹ đã nhiều lần nhún vai cho qua vấn đề này trong vài tháng qua, thay vào đó tập trung vào các dấu hiệu cải thiện nền tảng kinh tế trong nước.

Trong khi đó, các nhà giao dịch lớn trên Phố Wall cũng đã đánh giá giảm tác động của vấn đề thương mại đối với nền kinh tế. Jamie Dimon, giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, cho biết Hoa Kỳ không phải đang trong một cuộc chiến thương mại, những gì diễn ra hiện nay chỉ đơn thuần là "một cuộc tranh chấp thương mại" ít nghiêm trọng hơn.

Ngược lại, theo Chris Zaccarelli, giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, khả năng phục hồi mạnh của thị trường, trong chừng mực nào đó đã thể hiện sự tự mãn thái quá của nhà đầu tư khi cho rằng sự gia tăng tranh chấp thương mại không thể tác động, và điều này có thể không phải là một sự phát triển tích cực.

Ông cảnh báo: "Kết quả cuối cùng là mối đe dọa ngày càng tăng lên đối với nền kinh tế thế giới, và tiếp đến là các thị trường, mà có thể bị bỏ qua cho đến khi quá muộn, đặc biệt là do mối đe dọa sắp xảy ra theo nhiều dự báo có vẻ ít gây thiệt hại hơn dự kiến và thị trường cũng không rơi vào tình trạng quá bán. Vì lý do đó, tôi tin rằng sự thận trọng là điều cần thiết và tôi sẽ đón nhận cuộc phục hồi mạnh lần này với tâm lý không quá lạc quan. Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua những dấu hiệu rõ ràng, cho đến khi nào các bước tiếp theo được thực hiện để giải quyết các mối lo ngại thương mại với Trung Quốc, mà bây giờ đã trở thành một mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết”.

Dù vậy, Paul Brigandi, giám đốc điều hành và người đứng đầu giao dịch Direxion chia sẻ: “Theo các yếu tố cơ bản và cả phân tích kỹ thuật, thị trường ngay lúc này thực sự mạnh mẽ. Lợi nhuận của các công ty tiếp tục tăng trưởng vững chắc, trong khi dữ liệu kinh tế thực sự tốt lên. Đồng thời, có một cảm giác rằng sự trả đũa thương mại gần đây nhất của Trung Quốc không nghiêm trọng như mong đợi, dẫn đến một số lạc quan và niềm tin rằng tình hình có thể không trở thành một cuộc chiến thương mại toàn diện”.

Ông nói thêm: "Tình hình thuế quan sẽ không biến mất, và nó sẽ cần phải được giải quyết, nhưng cho đến khi các mối đe dọa trở thành chính sách chính thức, thị trường có thể bỏ qua nó. Chắc chắn, những gì chúng ta thấy cho đến nay đã không thể đánh bật đà tăng ra khỏi thị trường".

ĐỒNG AN

Chứng khoán châu Á phần lớn cũng tăng vào hôm qua khi các nhà đầu tư tiếp tục bỏ qua căng thẳng thưởng mại. Chỉ số Nikkei của Nhật tăng phiên thứ 5 liên tiếp, trong khi các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng tăng đều trên khắp các thị trường.

Giá dầu thô rớt xuống thấp hơn sau khi ông Trump tweet về sự không hài lòng đối với OPEC, trong khi giá vàng tăng nhẹ. Chỉ số USD Index mở rộng đà sụt giảm.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/yeu-to-nao-giup-chung-khoan-my-lap-ky-luc-moi-13036.html