Yếu tố nào đang gây áp lực lên thị trường chứng khoán Mỹ?

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên cuối tuần với sự đi xuống trở lại, chấm dứt 4 phiên phục hồi liên tiếp gần đây, sau một đợt bán tháo trong bối cảnh chỉ số giá sản xuất dầu cao hơn kỳ vọng cùng với những lo ngại về thị trường nhà đất xuất hiện trở lại gây nên nỗi lo ngại về sự không chắc chắn tăng trưởng kinh tế.

FED sẽ phải thắt chặt chính sách nhanh hơn?

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 201,92 điểm, tương đương 0,8%, xuống 25.989,3 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 25,82 điểm, tương đương 0,9%, đóng cửa tại 2.781,01 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq thoái lui 123,98 điểm, tương đương 1,7% và kết phiên tại 7.406,9 điểm.

Tuy nhiên, cả 3 chỉ số chính đều đã phục hồi phần nào từ mức thấp nhất trong phiên, khi chỉ số Dow có lúc giảm đến 1,2%, chỉ số S&P rớt 1,5% và Nasdaq chìm sâu 2,4% trước đó.

Bất chấp lao dốc trong phiên cuối tuần, thì tính chung cả tuần, cả 3 chỉ số chính vẫn ghi nhận mức tăng. Chỉ số Dow tăng 2,8%, S&P 500 tăng 2,1% trong 5 phiên vừa qua, trong khi Nasdaq cũng nhích 0,7%.

Chủ tịch FED Jerome Powell thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong khoảng từ 2% đến 2,25% vào chiều thứ Năm, và cho biết ngân hàng trung ương này "kỳ vọng sẽ tăng dần để tiến đến phạm vi mục tiêu lãi suất của cơ quan này".

Chính sách giữ nguyên lãi suất Ủy ban Thị trường mở Liên bang không gây bất ngờ cho các nhà đầu tư Phố Wall. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục vật lộn với định hướng của các nhà hoạch định chính sách về mục tiêu bình thường hóa lãi suất sau một thập kỷ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Một tín hiệu càng ảnh hưởng đến chính sách tương lai của FED là chỉ số giá sản xuất được công bố vào sáng thứ Sáu, cho thấy giá đầu vào tăng nhanh hơn dự báo, đồng nghĩa với nguy cơ lạm phát gia tăng và FED có thể phải thắt chặt nhanh hơn để kiềm chế. Điều này càng khiến các nhà đầu tư thêm lo ngại về những tháng tới.

Cụ thể chỉ số giá sản xuất tháng 10 tăng 0,6%, cao hơn so với dự báo là 0,2%. Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số giá sản xuất lõi cũng tăng đến 0,5%. Ngoài ra, Đại học Michigan công bố chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm xuống 98,3 điểm trong tháng 11, từ mức 98,6 điểm của tháng 10, đúng như dự báo của các nhà kinh tế.

Chỉ số giá sản xuất tăng mạnh trong tháng 10 cho thấy áp lực lạm phát lớn dần

Nỗi lo ngại về giá dầu và tăng trưởng kinh tế

Thêm vào đó, sự giảm giá không ngừng trên thị trường dầu đã đặt ra câu hỏi về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Trung Quốc nói riêng.

Số liệu gần đây cũng cho thấy doanh số bán ô tô tháng 10 tại Trung Quốc giảm 12% so với cùng kỳ, xuống còn 2,38 triệu. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã công bố các quy định cho vay ngân hàng mới nhằm xoa dịu những lo ngại về thị trường chứng khoán và suy thoái kinh tế.

Trong khi đó, giá dầu thô tại Mỹ tiếp tục ổn định trong lãnh thổ thị trường con gấu, được xác định khi giảm ít nhất 20% so với mức đỉnh gần đây, và sự sụt giảm này đặt ra các câu hỏi về nhu cầu dầu thô cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai. Cùng với các mặt hàng chủ chốt khác, dầu thường được sử dụng như một thước đo sức khỏe của các nền kinh tế trên toàn thế giới.

Trong phiên hôm qua, giá dầu thô WTI của Mỹ tiếp tục rớt 1,2% xuống chỉ còn 59,93 USD/ thùng, chính thức mất mốc hỗ trợ tâm lý ở 60 USD/ thùng.

Willie Delwiche, nhà chiến lược đầu tư tại R.W. Baird, cho rằng việc dầu rơi vào thị trường con gấu có thể đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Ông nói: “Giá dầu đang giảm có thể là một dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang bắt đầu bước vào thời kỳ khó khăn”.

Delwiche cũng phản đối quan điểm cho rằng: "Việc giá dầu thấp hơn sẽ là một lợi ích cho tầng lớp trung lưu,". Điều này có thể bị nhầm lẫn, vì niềm tin của người tiêu dùng hiện nay đã tới hạn, và bởi vì ngân sách của người tiêu dùng Mỹ dành cho xăng dầu chỉ còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với trước đây. "Đó là một thực tế mới phải được tính đến, và nếu đây là một sự tái diễn của một sự sụp đổ giá dầu mà đã từng xuất hiện trong năm 2015 và 2016, có thể có tác động đáng kể đến đầu tư và thu nhập của Hoa Kỳ".

Aaron Clark, quản lý danh mục đầu tư của GW & K Investment Management thì cho rằng khi mùa công bố kinh doanh quý 3 kết thúc, các vấn đề vĩ mô sẽ quay trở lại thống trị suy nghĩ của nhà đầu tư cho đến cuối năm. Ông nói thêm: "Phản ứng tức thời của thị trường đối với kết quả bầu cử vừa rồi giúp chúng ta thấy mọi thứ đã rõ ràng hơn”.

Tuy nhiên, những vấn đề gây lo ngại vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Các nỗi lo về đàm phán ngân sách giữa Ý và EU, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa được giải quyết sẽ tiếp tục gây áp lực lên chứng khoán trong nhiều tháng tới.

ĐỒNG AN

Chứng khoán châu Á cũng đỏ lửa vào hôm qua, với chỉ số Shanghai sàn Thượng Hải giảm mạnh 1,4%, chỉ số Shenzen đo lường doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ trên sàn Thâm Quyến giảm 0,4%. Trong khi đó, chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng giảm 1,1%. Các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng đóng cửa ở mức thấp hơn, với chỉ số Stoxx Europe 600 rớt 0,4%.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 4,2 điểm cơ bản xuống 3,189%, trong khi giá vàng tiếp tục đà trượt giảm khi rớt 1,1% xuống 1.211,1 USD/oz trong phiên cuối tuần. Ngược lại, chỉ số USD Index tiếp tục đi lên và ghi nhận tuần thứ 4 tăng liên tiếp.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/yeu-to-nao-dang-gay-ap-luc-len-thi-truong-chung-khoan-my-17563.html